Truyện ngắn: Đất mặn

07:35, 29/12/2024

- Chú Hai ơi! Con thu tiền nước, chú Hai ơi!

Ông Hai Thắm đang múc những gáo nước để tưới những giò lan cuối cùng thì nghe tiếng chó sủa inh ỏi ngoài cổng, xen lẫn đó là tiếng réo của Thoại, nhân viên thu tiền nước ở nhà máy nước xã mình.

 

Thoại không phải là người xa lạ gì với nhà ông, nhưng do nhà mới nuôi thêm một con chó nhỏ cho nên đối với những người không thường xuyên lui tới nó cứ sủa hoài không tha.

- Đẩy cổng vô đi mày! Nó sủa vậy chứ nó hiền lắm. Mày chưa nghe câu “chó sủa là chó không cắn” à?

- Thôi chú đừng dụ con! Bây giờ trời nắng nóng quá chừng, ai biết nó điên hồi nào đâu? Nó cắn một cái là phải đi tuốt lên bệnh viện huyện mới có chỗ chích ngừa. Từ đây lên đó hơn ba chục cây số, chua lắm chú Hai à!

- Cái thằng, đi thu tiền nước bao nhiêu năm rồi mà nhát hít! Vô đây uống miếng nước nè mậy!

Thoại ngồi xuống cái ghế đá dưới giàn chanh dây rợp bóng của ông Hai, uống ly nước ông đưa. 

- Nước dừa hả chú? Trời này có một ly như vầy, mát phải biết!

- Ừa! Nhà có dừa binh thiên, sẵn mấy cái kiệu nước mưa cũng hết, tao chặt vô mấy quày uống đỡ. Kêu nước tinh khiết mà mấy bữa nay chưa thấy, chắc nó cháy hàng rồi!

Thoại nhìn một hàng kiệu nước màu nâu sáng bóng bên hông nhà của chú Hai, không nhịn được thắc mắc:

- Con thấy nhà mình có quá trời kiệu mà xài không đủ ha chú?

- Bình thường thì cũng dư uống tới qua mùa mưa, mà hồi Tết nước mặn lên một bận làm tao trở tay không kịp. Con cháu về thì đông, nhà không dự trữ đủ nước ngọt cho tụi cháu nội cháu ngoại tao nó tắm rửa, ăn uống. Cái tụi con nít thành phố da mỏng manh yếu ớt đó đâu chịu nổi cái rít mặn của nước sông buổi này, nên tao cho nó xài nước thả ga luôn. Thây kệ! Mấy khi con cháu nó ở xa về, cho nó sống thoải mái chút, hen mậy?

Thoại nghe tới đó thì đã hiểu. Nhà chú Hai đông con đông cháu, phần lớn lại lập nghiệp và sinh sống trên thành phố hết ráo, ở quê chỉ còn hai vợ chồng già hủ hỉ bên nhau. Chỉ có dịp Tết nhứt thì con cháu mới tề tựu sum vầy, hai ông bà già đương nhiên không muốn tụi nó chịu khổ.

- Mà nước mặn lên bất tử kiểu này riết chắc vườn tược ngủm củ tỏi hết quá bây ơi!

- Tụi con cũng có khá khẩm gì hơn đâu chú ơi! Mặn lên chút nữa, vượt ngưỡng thì chắc là nhà máy nước phải ngừng hoạt động vài bữa.

- Í trời ơi! Cúp nước vậy dân khổ lắm nghen mậy!

- Phải chịu thôi chú à. Chứ nước mặn quá đưa vô cũng có sinh hoạt gì được đâu, còn làm hư hại hết mấy cái đồ dùng điện tử của bà con nữa.

Chú Hai tiễn Thoại ra cổng, đuổi hai con chó lại sau hè rồi mới trở vô nhà. Nước mặn tràn về cũng khiến cho nhịp sống thôn quê trở nên bớt rộn ràng, bởi hầu như ai cũng nặng trĩu sầu lo thì làm sao vui được?

Ngồi thừ người dưới tàn chanh mát rượi, lão nông đưa mắt đảo qua khu vườn sầu riêng gần 6 năm tuổi của mình, thở dài một hơi. 

Đợt Tết năm rồi nước lên bất ngờ vào tối mùng 2, nhà không chuẩn bị gì ráo, vườn tược lênh láng nước. Còn may là đợt đó độ mặn chưa cao, nếu không thì lứa trái sầu đang chớm già trên cây chắc cũng buông mình rớt hết. Mà còn may hơn nữa là rút kinh nghiệm mấy năm trước, chú đã đào một cái hồ rộng hơn nửa công đất ở giữa vườn để dự trữ sẵn nước tưới, chắc cũng cầm cự được.

Năm nay đã vậy, mấy năm sao sẽ như thế nào, chú Hai không dám nghĩ tới.

Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã tác động làm thay đổi dòng chảy của dòng sông này, cũng biến đổi nếp sinh hoạt từ bao đời của người dân quê nơi đây. Mùa lũ truyền thống mọi năm, nước không còn tràn bờ bãi. Dòng nước đỏ quạch phù sa không còn đổ về từ miệt trên cuồn cuộn như trước nữa, chỉ còn lại một dòng sông đang dần già cỗi và ngày càng cạn kiệt phù sa, tôm cá. 

Những thứ sản vật mùa nước nổi rẻ như bèo ngày trước giờ biến thành đặc sản với giá cao ngất ngưởng. Nhưng người sống bằng nghề chài lưới, đăng đó trên đồng lại không vì thế mà giàu có hơn được chút nào. Bởi vì nước không đổ về thì cá không chạy, bông súng bông dừa cạn cũng vì vậy mà không trở mình phát triển theo con nước.

Lũ mà không có nước tràn bờ thì không còn là lũ. Thay vào đó, vào tháng 3 lại có một mùa hạn mặn khốc liệt chờ đón con người. 

Dòng sông Măng vẫn tràn trề nước, nhưng đó lại là một màu nước trong xanh tới mức lạnh lòng. Đứa cháu ở Bến Tre qua chơi xuýt xoa khi chú Hai xối từng gáo nước lớn để rửa tay chân, xài nước vậy là hủy của rồi. Nó nói bên đó giờ phải chắt chiu từng ca nước ngọt, vì nước cứ mặn hoài, nhất là vào mùa khô. Ao mương dự trữ trong vườn cũng cạn khô chỉ còn trơ lại lớp bạt.

Để duy trì sự sống cho đám cây qua mùa khát khốc liệt, người nông dân đành phải bấm bụng mua từng xe nước đắt đỏ để cầm cự, nhưng chắc cũng không được bao lâu. Cây cối xơ xác ủ rũ vì thiếu nước kéo theo đó là năng suất bị ảnh hưởng, tốp bị nhiễm mặn thì cháy lá rồi rụng trọi đọt, bao nhiêu công sức vun trồng đổ sông đổ biển.

Sống ở cái đất này ngót nghét mấy chục năm, chưa bao giờ chú Hai nghĩ tới có một ngày người và đất xứ này phải trân mình chịu khát giữa mênh mông nước. 

Nghĩ thật là hụt hẫng.

Lão nông với mái đầu bạc phơ phải tập tành xài cái điện thoại thông minh để còn cập nhật kịp thời tình hình nước nôi, tập làm quen với việc phân tích xem độ mặn cỡ nào thì đám cây trong vườn nhà mình có thể chịu đựng được. Những bàn trà buổi sáng không còn thảnh thơi như trước, thay vào đó là những cuộc nói chuyện tập trung vào việc đo nước, dự báo độ mặn trên sông và cả những tiếng thở dài.

Khoát một vốc nước sông rin rít lên đôi chân nứt nẻ khô cằn, chú Hai đứng lặng trên cầu bến nhìn dòng nước trong xanh chảy qua con kênh trước nhà mà lòng nặng trĩu. 

Bao nhiêu lâu nữa, tình cảnh khó nhọc diễn ra trên mảnh đất này sẽ kết thúc? Chú Hai không biết, và có lẽ sẽ không bao giờ có câu trả lời.

Chỉ mong sao với nỗ lực của bao con người và hệ thống cống ngăn mặn đang dần dần hình thành khắp miền, sông nước Cửu Long sẽ trở lại với màu phù sa đỏ quạch ngọt ngào ngày ấy. Trẻ con sẽ được vùng vẫy trên sông, lưới chài không còn treo bỏ trên vách nhà và nụ cười sẽ trở lại trên những gương mặt sạm màu khó nhọc.

THỦY NGUYỄN (Mang Thít)

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh