Tạp bút: Khổ qua

15:34, 28/12/2024

(VLO) Chẳng biết từ khi nào, trên mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món canh khổ qua dồn thịt hay gọi là khổ qua hầm. Món canh mộc mạc đã gợi lại bao ký ức của những mùa xuân xưa.

 

“Khổ qua xanh khổ qua trắng/ Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo/ Anh thương em chẳng ngại giàu nghèo/ Cách mấy sông anh cũng lội/ Mấy bưng bàu anh cũng qua”. Và chẳng biết từ bao giờ khổ qua đi vào ca dao nhẹ nhàng và dễ thương trong cách chơi chữ như thế.

Khổ là đắng, qua là mướp nên nhiều người gọi khổ qua là mướp đắng nhưng dân miền Tây gọi là khổ qua ít ai gọi mướp đắng.

Lục lọi tìm trong vùng lưu trữ dù đang hỗn độn với những chồng chồng lớp lớp công việc không tên cuối năm. Chẳng biết những ký ức được chuyển lưu trữ vùng quan trọng khi nào nhưng khi bắt gặp những nụ hoa vàng trong nắng lại từ từ kéo về theo thứ tự.

Những con gió se se lạnh thổi về, hình ảnh với những sợi tóc bạc phơ bay theo con gió ùa qua, búi tóc lắc lư theo từng động tác, nội ngồi đang quấn những chiếc bầu bằng lá chuối để ươm hạt trồng bí đao làm mứt, cải mần dưa, vài cây vạn thọ,…

Không bao giờ nội quên trồng giàn khổ qua để làm món khổ qua hầm. Bất di bất dịch, Tết là phải có nồi khổ qua hầm.

Khổ qua hầm lại là “món ruột” của không ít người. Dù biết rằng nhờ vị đắng đó mà khổ qua rất có lợi cho sức khỏe nhưng cũng không ít người sợ cái vị đắng ấy. Thật tình là vậy.

Tôi cũng thế. Tôi rất ngại với trái này vì khổ qua có vị đắng nhất trong các loại trái, loại rau. Vị đắng của khổ qua tới mức như vầy: “Chừng nào ớt ngọt như đường/ Khổ qua hết đắng, đạo cang trường hết thương” hay “Đói lòng ăn trái khổ qua/ Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười”. 

Tập trải qua vị đắng nhất của khổ qua, tôi bắt đầu tập ăn từ món khổ qua xào, để cảm nhận được cái giòn và ít đắng hơn khổ qua hầm. Cũng như tập ăn cay vậy, miếng lạp xưởng tiêu phải xay, nhưng rồi từ từ cũng ăn được tiêu nguyên hạt. Rồi lúc cắn trúng hạt tiêu lại cảm nhận được cái ngon bớt ngán trong miếng lạp xưởng.

Vùng lưu trữ lại lôi ra, giàn khổ qua của nội đã trổ bông vàng, rồi những trái khổ qua treo lủng lẳng, hái vào rửa sạch cắt làm hai với những trái to dài, cắt dọc với những trái thon gọn, rồi dùng đũa chọc móc lấy ruột ra, sao đó úp đều xuống để ráo nước.

Năm nào trồng “thất thu” thì nội phải mua khổ qua chợ, phải ngâm với nước muối cho những thứ không lành không còn dính vào miếng ăn.

Thịt dồn cũng đa dạng có thể là thịt heo, cá thác lác, đôi khi cũng dùng thịt cá chốt. Nhưng nội lúc nào cũng làm thịt dồn bằng thịt vịt xiêm.

Thịt vịt bằm nhuyễn trộn lẫn với nấm mèo, hành, tiêu, nước mắm… trộn đều và nhồi đến khi thấy miếng thịt dai là có thể bắt đầu dồn thịt vào ruột trái khổ qua.

Lúc này cũng là lúc nội chặt dừa để nấu nồi nước. Nước dừa ngọt mát nên được dùng thay nước lã để nấu rất nhiều món ăn khác.

Chẳng như kho thịt hoặc làm bánh xèo cũng dùng đến nước dừa. Và nước dừa được người miền Tây ví quý hơn cả thuốc bổ: “Uống nước dừa xiêm hơn tiêm thuốc bổ”.

Nêm nếm vừa, chờ nước đun sôi nội thả khổ qua đã được dồn thịt vào, nội nhặt thêm vài cây củi chắc cho ngọn lửa lớn thêm. Vậy mới giữ được màu xanh của vỏ khổ qua.

Cách để biết khổ qua hầm “tới” hay chưa rất đơn giản thôi, nội chuốt cọng dừa chặt một đầu nhọn xuyên qua trái khổ qua thấy nhẹ tay là Ok. Cho hành vào vậy là xong.

Thịt vịt xiêm kết hợp với khổ qua tạo thành món ăn vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng nên được mọi người ưa chuộng. Canh khổ qua còn mang ý nghĩa trong ngày Tết là “Ăn khổ qua để cái khổ đi qua, năm mới được nhiều may mắn”.

Món khổ qua hầm còn gợi những mùa xuân đã qua trong ngọt ngào yêu thương, hình ảnh một thời gắn bó. Đôi lúc giật mình, ôi giờ chỉ là những hoài niệm mà thôi.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh