Tản mạn: Một chiều lang thang

09:08, 15/12/2024

(VLO) Một chiều lang thang, ghé vào Vườn gốm đỏ Vĩnh Long ngắm nghía, chiếc xuồng nhỏ nằm ở khúc ao nhân tạo với những bông súng, chiếc cầu ao và đàn cá tung tăng bơi lội xao động mặt nước. Ai một thời gắn bó mà không nhớ chiếc xuồng quê. Hình ảnh hiền lành, lam lũ của bà, một hồn quê mênh mông sông nước sâu lắng lắm, nhớ thương lắm như thương bà vậy.

Những đứa trẻ vui đùa trong nước.
Những đứa trẻ vui đùa trong nước.

Bởi thế, cứ đi đâu đó ở phố, phố cũng dành một góc nhỏ để chiếc xuồng chở bó rơm, thúng trái cây trên đó. Hai chiếc xuồng nhỏ nằm trên một chiếc ao bé cỏn con. Làm nhiều người qua lại quan sát trọn vẹn chiếc xuồng xem có giống xuồng ở quê mình không, giống xuồng của nhà mình không. Người qua lại, xe chạy tới lui y như ký ức của hơn 25 năm trước đang kéo ùa về.

Chiếc xuồng tam bản bà chèo ngút ngoắt đến chợ, qua cái xóm nhỏ lưa thưa mấy mái nhà. Đây là nhà của chị Tám, chị làm nghề mua bán tro. Đến mùa lúa, chị Tám đốt tro rơm bán một ngày kiếm tiền nhiều hơn tháng lương của mẹ tôi dạy một tháng hồi đó. Chú Ba hái nấm mọc trên những cây mục về nấu canh, vợ chú tất tả đưa đi bệnh viện vì ăn phải nấm độc. Từ đó, chú chết danh với tên Ba nấm.

Chợ quê đơn giản với những nải chuối xanh còn đang tươm mủ vừa cắt ra từ buồng chuối có những trái chín chim ăn hết vài ba trái, mớ tép rong, mớ cá bống gói trong những chiếc lá môn, lá chuối, mớ rau cải trời, ngò gai điểm vài trái ớt hiểm,... Bà cụ mặt chiếc áo túi, quấn chiếc khăn rằn, ngồi nhai trầu đưa tay kéo ống quần vuốt tròn bên mép môi nhăn nhúm. Chỗ bà cụ ngồi bán, nằm trên tàu lá chuối với mớ ốc đắng, mớ bông so đũa cong cong còn đọng vài giọt sương, mớ bông súng cuộn vòng tròn, thèm nồi canh chua cá lóc quá đi,... Chắc bà vừa lội xuống ao hái và mò ốc dưới cái ao sàn nước trước nhà, vì bàn tay bà nhăn nheo và tái nhợt bởi ngâm nước.

Ngộ ghê, có một sức hấp dẫn ngầm nào đó. Cái chợ quê ngày ấy, bán những thứ có trong vườn nhà, những người ngồi bán ở chợ quê hiền lành, lam lũ vậy mà đứa trẻ nào cũng đắm mê buổi chợ quê, rồi lớn lên với nỗi nhớ quay quắt. Nên giờ đi chợ ở phố, thấy mớ rau, mớ cá của những người chân chất là mua ngay với niềm tin đầy ắp những thứ ấy vừa rẻ, vừa lành.

Có lần ngồi lẳng lặng dưới xuồng, với một khoảng cách đủ gần để tôi thấy rõ được nếp nhăn trên khuôn mặt bà tôi. Tuổi tắm sông nên chẳng thấm nỗi vất vả, khổ cực ra sao. Giờ đây, trong cuộc sống muốn được thở phào nhẹ nhõm, nằm trên chiếc nệm ngủ giấc sâu không có sợi dây vướng víu, vắt qua những đoạn đường đời mà ai cũng ngán không muốn gọi tên như chông gai, gập ghềnh, trắc trở,... Muốn như thời trẻ trâu ngủ ngon lành trong buổi trưa hè êm đềm trên đống rơm vậy.

Đó thật sự là những cảm xúc chân thật và lắng đọng khi bắt gặp hồn quê nơi phố thị.

Rồi tấp vô một ghế gần bờ sông. Ngon lành. Chỗ ngồi vừa ngắm nhìn được toàn cảnh ở sàn nhạc nước vừa hít thở gió từ sông đưa vào, con gió chướng õng ẹo thổi thấy mát mẻ dễ chịu làm sao. Tiếng cô gái trẻ vọng vào tai. “Ní của tôi chưa tới nữa hả?”. Cô gái đang chờ một người chí cốt, thân tình, gắn bó với cô. Vì có thế nên mới được gọi là ní. Rồi vài phút sao ní của cô cũng đã đến. Cô gái hỏi: “Khứa kia đâu, không được làm siêng nên ở nhà rồi chớ gì”. Cô tỏ thái độ không thích một ai đó. Thật tính miền Tây, rất rạch ròi, bộc trực trong cách thể hiện.

Những hàng ghế cặp bờ sông đã không còn ghế trống. Những người chung quanh đang nhìn lên sân chờ vòi nước phun, nhìn vào điện thoại hoặc chỉ đơn giản nhìn những viên đá bi đang tan dần trong ly trà đá. Bà mẹ trẻ chở đứa con đến vui chơi, con thỏa thích đùa vui trên quảng trường. Mẹ trẻ với vóc dáng thon gọn và khuôn mặt đẹp, mặt áo đủ để nhìn thấy con bướm được xăm trên vai.

Dì bàn kế vừa ngồi vào ghế quay sang nói như dì đã quen biết với tôi và chị từ trước vậy: “Tôi mới gặp một thanh niên chạy theo xe tôi xin tiền. Trai tráng gì không đi làm kiếm tiền mà đi xin ăn”. Chị bảo, “cái nghiệp của họ dì ơi”. Dì kể giọng còn giận: “Hôm tôi đi chợ, một thanh niên què quặt, cầm chiếc ca kéo lê chân dưới đường thấy thương nên ai cũng cho. Một lúc sau, người thanh niên ấy đứng dậy đi như người bình thường tôi nhìn mãi không thấy khuyết chỗ nào hết”. Chị tiếp câu chuyện xin ăn: “Ông già kia nằm trên miếng ván bóng loáng tay cầm cái lon đẩy trên đường xin tiền. Khi ổng đứng lên cầm miếng ván đi te te”. Thật không hiểu nổi, thật thật giả giả lẫn lộn.

Không phải chúng tôi lắm điều, chỉ nói xoay quanh đến cuộc sống mưu sinh muôn kiểu người. Nhìn bộ dạng tôi đoán chị người kinh doanh. Không phải tò mò vì thấy chị xăm hình vậy chớ hiền khô và có lòng thương người (tôi đánh giá theo cách nói chuyện của chị), đừng nhìn hình xăm mà đánh giá người xấu. Không dám hỏi về hoàn cảnh của chị vì sợ nghe chia tay, gồng gánh, rạc rài lắm.

Chị ngồi uống nước lên Google, ghé Zalo, tấp Facebook, về với TikTok… Đi một vòng thời gian bay bay gần cả tiếng nhưng chị không hay. Trước mắt chị nước phun lên với đủ màu sắc rực rỡ. Chị giật mình, ủa tới giờ rồi hả. Nhanh thế nhỉ. Cậu nhỏ hí hửng ùa vào tắm cùng các bạn nhỏ.

Các cô cậu ùa ra tắm, vui ơi là vui, thích ơi là thích như những ngày tuổi thơ của chúng tôi tắm mưa vậy. Không khí thật vui nhộn. Những bà mẹ chuẩn bị khăn áo ra để thay đồ cho các cô cậu. Vì chỉ tắm mưa được mười lăm phút thôi. Mưa nhân tạo sẽ tạnh.

Hình ảnh ùa ra tắm chắc làm không ít người nhớ đến tuổi thơ của mình. Chắc chắn là có tôi, nhất là những trận mưa đầu mùa. Dầm mưa tắm đi bắt cá rô leo theo nước lên bờ,… Rồi trong cái lạnh được ăn cơm với tô canh nóng cá rô nấu với rau tập tàng. Cá rô kho tộ là món ăn đặc sản của miền quê tôi, không chỗ nào hơn chỗ đây đâu.

Nhạc nước với những màn biểu diễn đẹp mắt, sôi động, nơi đây tạo điểm nhấn cảnh quan cho thành phố và nơi để người dân giải trí công cộng.

Tiếng của một cô gái trẻ làm tôi đột ngột quay về với hiện tại: “Mấy đứa trẻ nầy tắm chạy lộn xộn có chụp được kiểu nào ra hồn đâu. Đi về thôi”. Hình ảnh này khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, ngán ngẩm.

Vì họ muốn thưởng thức âm thanh hòa cùng ánh sáng không xen lẫn tiếng cười đùa và chạy nhảy của trẻ. Làm sao cho trọn, người thích trẻ con nô đùa thì cho rằng, vậy mới vui. Còn người bảo họ chẳng thưởng thức được nhạc và kiểu dáng của nước.

Rồi tiếng trống vang dội, đội lân sư rồng múa phục vụ khách đến vui chơi. Nôn nao mùa Tết đến. Những giây phút nhẹ nhàng nơi phố thị.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh