(VLO) Cách đây 51 năm, vào ngày 28/12/1973, bằng công tác binh vận kết hợp với lực lượng quân sự, quân và dân xã Hiếu Thành đã mưu trí lấy đồn Tư Dân đóng tại ấp Hiếu Kinh B, xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, bắt toàn bộ binh lính trú đóng, thu toàn bộ vũ khí mà không tốn một viên đạn.
Đồn Tư Dân địch bố trí một trung đội với 19 tên đóng giữ, được trang bị vũ khí khá hiện đại như súng AR-15, M-79, mìn Clây-mo chống xung phong… và khi cần thiết đồn được chi viện bằng các trận hành quân càn quét và hỏa lực pháo binh từ các trận địa pháo ở Yếu khu Thầy Phó, Chi khu Cầu Kè,… bắn chế áp xung quanh đồn.
Về tương quan lực lượng bất lợi cho ta. Nhiều lần lính trong đồn tổ chức lùng sục, lấn ra cướp phá gây cho ta nhiều khó khăn trong việc xây dựng mở rộng vùng căn cứ kháng chiến, đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo về đây chỉ đạo chiến trường.
Trước tình hình như vậy, cấp trên liền ra chỉ thị cho du kích địa phương bao vây đồn kinh Tư Dân không cho chúng tung lực lượng ra càn quét, cướp bóc Nhân dân, nếu có thời cơ thì chiếm lấy đồn.
Thực hiện kế hoạch, du kích xã tổ chức đắp pháo đài, đào chiến hào, bí mật áp sát đồn. Du kích dùng chiến thuật bắn tỉa, dùng giàn thun bắn lựu đạn vào đồn, làm cho binh lính trong đồn luôn sống trong căng thẳng, lo sợ cũng như tổ chức đánh chặn địch chi viện giải nguy cho đồn.
Cao điểm là đánh chặn tiểu đoàn bảo an can viện, tiếp tế cho đồn Tư Dân. Trong trận này ta bố trí trận địa đánh ngoài đồng trống, địch bỏ chạy tán loạn. Sau trận đánh đó, bọn lính trong đồn co cụm lại, tinh thần hết sức hoang mang.
Để cứu nguy, địch lại đưa đại đội bảo an Vũng Liêm bám sát đồn. Bọn chúng vừa về hôm trước thì hôm sau Nhân dân đã báo cho anh em du kích biết.
Đồng chí Trần Văn Sáu (Sáu Hành) cán bộ tài chánh ấp cùng với tổ du kích gài lựu đạn xung quanh đồn và khu vực đóng quân của toán lính bảo an.
Vì vậy địch hoàn toàn bị cô lập, chỉ đối phó với ta bằng cách tăng cường pháo binh bắn canh giữ đồn, nhưng du kích vẫn kiên trì bám trụ không rời trận địa.
Vừa khống chế đồn địch, nhưng cán bộ cách mạng ở đây cũng làm tốt việc vận động xây dựng cơ sở trong hàng ngũ địch.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí Trần Văn Biên (Chín Biên) và đồng chí Sáu Hành có điều kiện làm quen, tạo mối quan hệ thân thiết với binh lính trong đồn, trong đó có trưởng đồn Tư Dân.
Một thời cơ thuận lợi đã đến, đó là khi có người lính tên là Ngọc Anh từ đơn vị khác mới chuyển về đồn, anh ta là cơ sở do ta vận động cài vào hàng ngũ địch. Khi gặp đồng chí Chín Biên và Sáu Hành.
Ngọc Anh nhờ hai đồng chí chuyển dùm lá thư tay cho đồng chí Tạ Ngọc Xương (Ba Xương) lúc này là Bí thư Chi bộ. Thời gian này kế hoạch lấy đồn Tư Dân đã được thông qua, công tác chuẩn bị lực lượng, phương án đều được tính toán kỹ lưỡng.
Vào một buổi sáng các đồng chí Chín Biên, Sáu Hành và Trần Văn Tý (Hai Tý) phát hiện 2 người lính từ trong đồn đi ra. Thấy thời cơ để triển khai công tác binh vận, các đồng chí bàn kế hoạch tiếp xúc với nhóm lính này.
Để đề phòng, đồng chí Chín Biên bảo em bé trai khoảng 8 tuổi giả vờ chạy chơi đến gần xem cho chắc 2 tên lính này có mang theo vũ khí không?
Em bé chạy đi thám thính và về báo là không thấy có súng, các đồng chí liền đến tiếp xúc, được biết một người lính tên là Ngọc Anh, còn người đi cùng là trung sĩ tên Được.
Khi tiếp xúc các đồng chí lấy việc thực thi Hiệp định Paris ra nói chuyện, sau đó chuyển sang thuyết phục, giáo dục khuyên 2 người này theo về với cách mạng. Được biết Ngọc Anh là cơ sở của ta, sau đó ta móc nối 2 cơ sở khác (do đồng chí Hai Tý xây dựng).
Công tác binh vận có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Đảng ta đã xác định phải xúc tiến đặc biệt công tác binh vận, kiên trì, bí mật và khéo léo đi sâu tranh thủ được binh lính đồng tình với cách mạng.
Đánh địch bằng 3 mũi: chính trị, quân sự và binh vận… Công tác binh vận phải được làm tốt để phục vụ đắc lực cho phương hướng tiến tới tổng công kích và tổng khởi nghĩa của ta.
Qua công tác binh vận, các cơ sở trong đồn Tư Dân nhiều lần dùng ám hiệu hẹn ta đánh đồn nhưng vì nhiều lý do khách quan ta chưa thực hiện được. Sau khi tính toán, ta chuyển kế hoạch đánh đồn sang phương án khác- đó là dùng kế “điệu hổ ly sơn”- dụ địch ra khỏi đồn để lấy đồn!
Để thực hiện kế hoạch này không phải trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian để địch tin tưởng mà dần dần mất cảnh giác mới ra tay được. Thực hiện kế hoạch, ta nhiều lần tổ chức tiệc mời địch ra ngoài ăn nhậu.
Lúc đầu chúng còn cảnh giác đi ít người và luôn mang theo vũ khí. Ta phải tổ chức nhậu với lính trong đồn khoảng 5-6 lần thì thấy địch tin tưởng, có thể hành động.
Ngày 28/12/1973, cấp trên thống nhất kế hoạch lấy đồn. Do hôm đó có đơn vị địa phương quân huyện về đây đóng quân nên sẵn sàng kết hợp hỗ trợ lực lượng. Ta liền tổ chức một tiệc nhậu tại nhà bà Bùi Thị Lan ở ngoài đồng, cách đồn khoảng 1.000m. Người đứng ra tổ chức tiệc nhậu là đồng chí Hai Tý và Sáu Hành.
Sau khi địch đồng ý đến ăn nhậu, ta liền bố trí 2 mũi phục kích theo thế gọng kìm. Mũi thứ nhất do đồng chí Chín Biên chỉ huy đưa lực lượng vũ trang huyện áp sát đồn, bố trí xong liền trở lại tiệc nhậu.
Mũi thứ 2 bố trí ngay tại tiệc nhậu. Ta chủ động sắp xếp địch- ta ngồi xen kẽ, trong đó người giỏi võ nghệ được bố trí ngồi cạnh tên trưởng đồn để dễ bề hành động. Bố trí xong, ta cho người mời lính đến ăn nhậu. Đồn có 19 tên, nhưng hôm ấy chúng chỉ đến 13 tên, còn 6 tên ở lại giữ đồn, trong đó có tên phó đồn.
Vào tiệc một lúc thì cơ sở Ngọc Anh giả vờ say, lúc đó khoảng 17 giờ chiều. Thấy vậy đồng chí Sáu Hành nói: “Nếu say để tui đưa chú về đồn nghỉ”.
Kết hợp với việc đưa Ngọc Anh về đồn, đồng chí Năm Linh (Huyện đội phó) và đồng chí Ba Xương bảo trưởng đồn viết một vài chữ gọi số lính còn lại đến nhậu.
Đồng chí Năm Linh, Sáu Hành cầm thư đến đồn. Bọn địch còn lại trong đồn lúc đầu còn chần chừ chưa muốn đi, đồng chí Năm Linh thuyết phục chúng ra khỏi đồn, vừa lúc đó lực lượng địa phương quân huyện chớp lấy thời cơ từ bên ngoài tiến vào, bọn lính la lên định chống đối nhưng ta đã nhanh chóng khống chế đưa chúng ra khỏi đồn. Trong đồn lúc này chỉ còn lại một tên lính trên vọng gác cũng bị tước vũ khí.
Cùng lúc này ở tiệc nhậu tên đồn trưởng biết mình đã bị mắc mưu Việt cộng nên định chống trả. Do được bố trí ngồi xen kẽ với địch trong đó có đồng chí Phan Văn Hiền (Bảy Hiền)- xã đội phó là người giỏi võ chịu trách nhiệm ngồi cạnh tên đồn trưởng đã nhanh chóng khống chế y.
Theo kế hoạch lực lượng ta trong bàn nhậu kết hợp bộ đội địa phương quân huyện cứ 2 người kèm 1 tên lính dẫn giải chúng rời khỏi nhà đi ra đồng lúa.
Kết quả ta bắt sống toàn bộ lính trong đồn gồm 19 tên, thu 19 khẩu súng các loại, 3 khẩu súng phóng lựu M-79, 30 quả mìn Clây-mo, 1 máy truyền tin, 13.000 viên đạn các loại, cùng nhiều quân trang quân dụng. Đồn Tư Dân bị san bằng.
Sự kiện dùng binh vận lấy đồn Tư Dân là một chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với địa danh ấp Hiếu Kinh B, xã Hiếu Thành anh hùng.
Nói lấy đồn… bằng rượu là nói theo kiểu văn nghệ, còn nói chính xác đó là chiến công của tinh thần tiến công cách mạng, sử dụng binh vận một cách hiệu quả, khéo léo, đúng thời điểm, kết hợp với sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ địa phương, du kích xã cùng sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân đã tạo điều kiện cho việc lấy đồn địch mà không tốn một viên đạn.
* Theo sách “Nhân vật tiêu biểu, di tích, sự kiện lịch sử huyện Vũng Liêm”, do Ban Thường vụ Huyện ủy Vũng Liêm, xuất bản tháng 12/2020.
ANH TIẾN (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin