Sơ đồ diễn biến trận chống càn 6 ngày đêm của du kích xã Hòa Hiệp năm 1971. |
Sau Tết Mậu Thân 1968, cục diện chiến tranh tại miền Nam chuyển sang bước ngoặt mới bất lợi cho cách mạng miền Nam. Vào các năm từ 1969-1973, được sự chỉ huy và viện trợ về mọi mặt của Mỹ, chính quyền, quân đội Sài Gòn tiến hành bình định cấp tốc nông thôn tỉnh Vĩnh Long để giành lợi thế, trong đó xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình là trọng điểm.
“Việt Nam hóa chiến tranh” tại tỉnh Vĩnh Long
Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ chủ trương từng bước giảm dần sự can dự trực tiếp của quân đội Mỹ tại miền Nam nhưng viện trợ tối đa cho chính quyền và quân đội Sài Gòn để họ đảm đương nhiệm vụ chiến đấu chống lại quân giải phóng, chống Nhân dân và cách mạng miền Nam. Đó là dùng “người Việt đánh người Việt”. Tổng thống Mỹ Nixon còn sử dụng các thuật ngữ “Chiến tranh giành dân”, “Chiến tranh hủy diệt”, “Chiến tranh bóp nghẹt”… với mục tiêu bình định cấp tốc nông thôn để tách dân ra khỏi cách mạng.
Tại tỉnh Vĩnh Long, chúng tiến hành đóng đồn trên các trục lộ, tuyến sông, trong đó sông Măng Thít là trọng điểm và thành lập các “ấp đời sống mới” giữa 2 đồn đóng quân để dễ dàng kiểm soát. Sau đó, chúng bắt buộc người dân có nhà rải rác trong đồng bưng sâu vào cất nhà sinh sống; hỗ trợ vật liệu cất nhà, phân loại và lập hồ sơ dân cư; thành lập lực lượng tự vệ tăng cường kiểm soát qua tuần tra, canh gác kết hợp xây dựng lực lượng mật báo, chỉ điểm… gây cho cán bộ cơ sở của ta vô vàng khó khăn. Một số chi bộ Đảng và cán bộ, du kích một số xã phải tạm thời lánh sang xã bạn trú ngụ, chờ đêm xuống trở về hoạt động.
Chính quyền tay sai tỉnh Vĩnh Long xác định xã Hòa Hiệp có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt nên chọn làm trọng điểm bình định. Trên địa bàn xã, với diện tích gần 29km², chúng đóng tổng cộng 24 đồn trên tuyến lộ số 7 (nay QL53, tuyến lộ từ Long Hiệp vào Tam Bình, Trà Ôn (nay là ĐT904), tuyến sông Măng Thít và các kinh rạch ngang dọc qua xã. Vì vậy, Hòa Hiệp thời gian này trở thành xã có nhiều đồn quân sự nhất huyện Tam Bình, chưa kể các loại xe thiết giáp vũ trang tuần tra ngày- đêm trên trục lộ giao thông bộ và tàu quân sự tuần tra trên sông Măng Thít.
Tỉnh ủy kịp thời ra nghị quyết chống bình định
Tháng 10/1970, đồng chí Nguyễn Ký Ức- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, triệu tập hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn chấn chỉnh tình hình. Tỉnh ủy ra nghị quyết xác định: Lúc này là giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng. Do đó, nhiệm vụ là phải tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu, thấy được khó khăn chỉ là khó khăn tạm thời.
Địch đánh mạnh nhưng đang ở thế thụt lùi bởi Mỹ chịu ngồi đàm phán với ta và muốn rút quân về nước. Đây là điều bất lợi cho chính quyền Sài Gòn, là thời cơ của ta. Do đó, chúng ta phải giữ vững tinh thần, giữ vững ý chí chiến đấu, tìm kẽ hở của địch mà đánh.
Hội nghị chủ trương phải tiếp tục củng cố lại lực lượng, kiên trì thực hiện “Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Kiên quyết làm thất bại âm mưu bình định của địch”.
Chấp hành nghiêm nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tam Bình chủ trương kiên quyết bám trụ dựa vào dân, bám đất chiến đấu; những nơi có điều kiện, thời cơ thì tổ chức đánh tiêu diệt ác ôn, diệt một số đồn bót để gây uy thế và tạo lòng tin trong Nhân dân.
Hòa Hiệp thực hiện nghiêm “du kích bám dân, bám địch để đánh, dân bám đất sản xuất”
Mặc dù còn nhiều khó khăn, phong trào chiến tranh du kích được củng cố dần và phục hồi khá mạnh qua một số trận tiêu diệt được địch. Các địa phương trong huyện điển hình trong phong trào phục hồi cơ sở cách mạng, thực hiện khẩu hiệu “du kích bám dân, bám địch để đánh, dân bám đất sản xuất”, có kết quả, tạo tiếng vang.
Trong đó, trận chống càn bảo vệ căn cứ lõm 6 ngày đêm tại xã Hòa Hiệp cuối tháng 6/1971, được đánh giá là bước đột phá, khẳng định tinh thần chiến đấu mưu trí, quả cảm của du kích quân ta. Từ chiến thắng này, một bài học lớn được rút ra là: bám đất, biết dựa vào dân, dám đánh và biết cách đánh sẽ đánh thắng.
Chiến công nối tiếp chiến công, những năm sau đó từ 1972-1974, với phương châm “hai chân ba mũi” là chính trị, binh vận và quân sự, Chi bộ Hòa Hiệp lãnh đạo thực hiện rất hiệu quả phong trào Nhân dân đấu tranh chống bắt lính, không chịu đi phát hoang phá địa hình, không gia nhập lực lượng phòng vệ dân sự, đòi được về nơi cũ sinh sống làm ăn,… Các phong trào này làm thất bại dần dần, đi tới phá sản sách lược bình định của địch.
Song song với mũi chính trị, mũi quân sự và binh vận cũng được Chi bộ xã Hòa Hiệp lãnh đạo thực hiện thắng lợi qua chiến công du kích xã chủ động đánh đồn Long Hạ 1, diệt tên phó trưởng đồn và 2 lính, thu được 2 khẩu súng. Tháng 11/1972, qua công tác binh vận, du kích xã lấy được đồn Ba Sắc ở Ấp 4, diệt trưởng đồn ác ôn tên Tốt, thu nhiều vũ khí.
Đến tháng 12/1972, du kích xã tiếp tục bao vây và bứt rút đồn Long Hạ 2 (đóng giữa Ấp 4 và Ấp 9).
Cụ thể, du kích chủ yếu phục kích bắn tỉa, lợi dụng đêm tối xâm nhập vòng rào gài lôi, lưu đạn lối ra vào.
Theo lệ, mỗi sáng, lính từ đồn ra đi tuần tra vấp nổ gây thương vong, hoặc từ xa dùng giàn thung bắn lựu đạn vào đồn. Du kích vừa tấn công vũ trang vừa tiến hành binh vận, mời thân nhân binh sĩ vào đồn kêu gọi binh lính chống lệnh không đi tuần. Cách đánh phối hợp này của du kích rất có hiệu quả, binh lính trong đồn dần dần bị cô lập, thiếu vũ khí, lương thực do đường tiếp tế khó khăn dẫn đến dao động, hoang mang.
Sau một thời gian bị du kích Hòa Hiệp bao vây, đồn Long Hạ thiếu lương thực, thực phẩm phải kêu cứu đến chi khu quận. Ngày 24/8/1973, một đại đội bảo an từ Chi khu Cái Nhum đưa đạn dược, lương thực vào tiếp tế đồn. Xã đội Hòa Hiệp cử 6 chiến sĩ du kích phục kích các hướng chặn đường đánh quyết liệt.
Bị chặn đánh bất ngờ, toàn bộ lính đại đội bảo an rút chạy, bỏ lại toàn bộ hàng chi viện. Du kích thu được 3 khẩu súng AR15 và toàn bộ lương thực chi viện. Sau đó, ta vận động và cử thân nhân của tên trưởng đồn và của nhiều lính vào đồn kêu gọi bỏ đồn. Kết quả, toàn bộ lính bỏ đồn tháo chạy, du kích giải phóng được đồn mà không tốn viên đạn nào.
2 năm 1973 và 1974, Chi bộ và Xã đội Hòa Hiệp nỗ lực vận động Nhân dân đấu tranh với binh lính, đòi chúng thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, tạo sức ép chống binh lính mở các trận càn. Vì vậy, tuy đồn bót vẫn còn nhưng lính rất ít đi càn như trước, địa bàn của du kích ngày một rộng, tạo thế đưa Hòa Hiệp trở thành căn cứ đứng chân cho nhiều cơ quan TX Vĩnh Long và tỉnh đóng quân.
Đường giao liên thủy vượt sông Măng Thít từ Hòa Hiệp sang Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn) hoạt động chuyển người, vũ khí tấp nập về đêm cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Du kích Hòa Hiệp dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ xã đã tiến hành giải phóng toàn xã trong đêm 30/4/1975, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến gian khổ, giải phóng quê hương.
Nói đến du kích xã Hòa Hiệp, không quên người du kích gan dạ, dũng cảm Võ Văn Tưởng. Trong 8 năm tham gia lực lượng vũ trang xã Hòa Hiệp, từ du kích lên Xã đội trưởng, đồng chí Tưởng trực tiếp tham gia chiến đấu 141 trận. Đồng chí Võ Văn Tưởng 4 lần được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ- Ngụy” và năm 1978, liệt sĩ Võ Văn Tưởng, xã Đội trưởng Hòa Hiệp được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
• HOÀNG KHẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin