Hò Nam Bộ
Nữ: Hò ơ... sông Vĩnh Long như rồng uốn khúc
Đất Vĩnh Long ngoạn mục như mơ
Nam: Giàu lòng đất sử tình thơ
Dòng sông man mác... ơ...
Dòng sông man mác câu hò đêm trăng...
Lý đêm trăng
Nam- Nữ: Mình cùng về đây, tay nắm tay hòa chung tiếng hát
Đất phương Nam đồng xanh ngút ngàn
Dòng Cửu Long chảy chia đôi dòng.
Nam: Đất Vĩnh Long bao đời liệt oanh ớ ơ... toàn dân anh dũng
Chiều dần buông đứng bên dòng Thầy Cai
Nhìn bờ bên kia, nghe lắng trong lòng bao nỗi nhớ
Nữ: Bến sông quê chiều nghiêng tím dần
Giọng hò ai tỏa lan buông dài
Màu đỏ tươi ánh lên trong chiều... (2 lần)
Vọng cổ
1. Nam: Trắng cánh đồng xa mùa nước đổ về con cá linh giật mình nhảy xổm. Chiếc xuồng giăng ngang nối đôi bờ kinh nhỏ, mái dầm em khua làm lắc lay chòm bông điên điển, chiều buông lơi thong thả rơi những sợi tơ... vàng…
Xứ sở bình yên nên: chim đậu đất lành.
Nữ: Hò… ơ… sông Măng Thít có nước xoáy
Rạch “Ba Soi” nước chảy vòng cung
Nam: Người đi mang nỗi nhớ nhung
Sông này vẫn giữ thủy chung với người... (*)
Nữ: Như con kinh Thầy Cai cần mẫn bao năm
Ngấm nước phù sa nên đỏ hồng sắc gốm.
(Dặm) Lý Năm Căn
Nam: Chiều rơi êm ả dòng trôi
Xuồng ai chao sóng lắc lay
Khói tỏa lung linh trên kinh
Nữ: Người khơi đất kia thức dậy
Lò cao mái ngói tình quê
Hồng tươi trong nắng bình minh
Óng ánh màu son đỏ sắc kinh Thầy...
2. (Về vọng cổ)
Nam: Quê hương trong mỗi trái tim dịu dàng như giấc ngủ. Như miền cổ tích xưa, mẹ kể những đêm dài. Câu chuyện có những bàn tay biến khó thành giàu.
Nữ: Người nông dân tạo sắc hồng trên ruộng đồng xanh ngát:
“Thanh xuất ư lam, nhi thanh ư lam”
Có nghĩa: “Gạch từ đất, nhưng nó mang đời sống riêng
Đời sống ấy do bàn tay của nghệ nhân tạo tác”!(*)
Nam: Đúng vậy đó em: Ở xứ anh Long Hồ- Mang Thít
Đất nặng tình người- Gốm nặng tình đất em ơi!
Lý Chim Quyên
Nữ: Qua bao thăng trầm, thời gian dẫu mãi trôi nhanh
Đất vẫn luôn bên người, trăn trở trong cuộc đời
Biến khó thành niềm vui.
Nam: Em theo anh đi về dựng xây xứ sở thân yêu
Nơi máu xương bao người đã đổ trên đất này
Để gốm hồng hôm nay luôn rạng ngời tương lai...
Vọng cổ
5/ Nữ: Những hạt phù sa hòa trong nguồn nước Cổ Chiên xuôi ngược về đây đã ánh lên sắc đỏ. Hơn trăm năm một miền khói tỏa lắng đọng theo thời gian hóa thành những lâu... đài…
Nam: Giữa ngàn xanh, những lâu đài đỏ đã hòa quyện bao ngày.
Như con nước hai chiều lúc ròng, lúc lớn
Đời có lúc thăng trầm- Nghề cũng có lúc trầm thăng.
Nữ: Nay những cửa lò nhả khói trắng trong nắng mai.
Từng sợi khói đan xen phủ trên những lâu đài đỏ.
Dẫu thời gian đã làm gạch kia hóa đá.
Cây cỏ mọc loang, màu xanh phủ trên những thành lò.
6/ (Dặm) Đoản Khúc Lam Giang (cuối)
Nam: Dẫu đã trôi qua nhưng lòng còn
đọng bao dấu ấn thiêng liêng một thời sắc đỏ.
Nữ: Đôi bên kinh Thầy đỏ hồng hoàng hôn
Vẳng nghe trong chiều, ai ầu... ơ... ru con ngủ say.
(Về vọng cổ)
Nam: Ấu... ơ... Ai về Mang Thít thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn
Nữ: Ấu... ơ... Bao giờ cạn rạch Thầy Cai
Nát chùa Phước Hậu em mới sai lời nguyền!(*)
Nam: Lời ru con năm xưa bên lò gốm đỏ
Là ký ức quê hương anh giữ mãi trong lòng.
Mang Thít vú sữa thơm ngon
Long Hồ hương nhãn tiếng đồn bay xa... (*)
Nữ: Muốn xa cũng chẳng thể xa...
Bởi không quên được kinh Thầy Cai gốm hồng!
(*) Ca dao, tục ngữ Vĩnh Long.
HUỲNH THANH TUẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin