53 năm chiến thắng trận chống càn 6 ngày đêm: Tự hào chiến công, dựng xây quê hương đổi mới

09:08, 15/12/2024

(VLO) Trước lực lượng địch hùng hậu gấp 140 lần, nhiều vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng du kích (DK) xã Hòa Hiệp (huyện Tam Bình) đã anh dũng làm nên chiến công đặc biệt xuất sắc. Đó là chiến thắng trận chống càn 6 ngày đêm (27/6-2/7/1971). Đây là điểm sáng, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự chiến đấu và đường lối Nhân dân DK chiến tranh của Đảng ta.

Quê hương Hòa Hiệp hôm nay không ngừng vươn mình đổi mới.
Quê hương Hòa Hiệp hôm nay không ngừng vươn mình đổi mới.

Phát huy truyền thống của Đội DK xã Hòa Hiệp, các thế hệ hôm nay đã không ngừng vun đắp xây dựng quê hương Hòa Hiệp ngày càng đổi mới.

Chiến thắng lịch sử

Tại mảnh đất Hòa Hiệp, hơn 53 năm trước, với ý đồ “Không còn chỗ nào cho Việt cộng ẩn náu, dung thân”, quân đội Sài Gòn đã tạo ra mạng lưới đồn bót dày đặc với 1 đồn “mẹ”, 2-3 đồn “con”. Trong đó, xã có nhiều đồn bót nhất huyện Tam Bình là xã Hòa Hiệp, với tổng cộng 24 đồn, khoảng cách 2 đồn chưa đầy 1.000m.

Năm 1971, sau gần 2 năm tổ chức nhiều cuộc hành quân để đóng đồn bót, thực hiện kế hoạch bình định toàn xã Hòa Hiệp, nhưng chính quyền ngụy ở huyện Tam Bình vẫn chưa tiêu diệt được đội DK xã nên rất cay cú. Quân địch quyết tâm tiêu diệt lực lượng DK xã, biến xã Hòa Hiệp trở thành “vùng trắng” về an ninh- do vị trí chiến lược cùng ý nghĩa chính trị của cuộc chiến.

Từ đó, quận trưởng Tam Bình quyết định mở cuộc càn để phát quang dọn sạch khu vực Mười Xồi (còn gọi là ngọn Giữa) thuộc Ấp 8- nơi có căn cứ lõm và trận địa của DK xã Hòa Hiệp.

Từ 27-29/6/1971, căn cứ DK Hòa Hiệp trở thành tâm điểm của cuộc tấn công dữ dội và kéo dài. Quân địch với sự yểm trợ của pháo binh và không quân, đã liên tục dội bom, bắn phá vào trận địa của DK.

Mưa đạn pháo dày đặc rơi xuống, làm rung chuyển cả vùng. Dù phải đối mặt với hỏa lực mạnh mẽ và sự tấn công liên tục, DK Hòa Hiệp vẫn kiên cường bám trụ. Các chiến sĩ đã đào hầm, xây dựng công sự, đặt bẫy mìn để đối phó với các cuộc tấn công của địch.

Ngày 30/6/1971, quân địch tăng cường lực lượng, quyết tâm phá vỡ phòng tuyến của DK. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: tấn công vào lúc rạng sáng, lợi dụng địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, DK Hòa Hiệp đã chủ động đón đánh, gây cho địch những tổn thất nặng nề.

Ngày 1/7/1971, tình hình chiến trường căng thẳng. Quân địch sử dụng cả máy bay trực thăng để tấn công vào căn cứ của DK. Dù vậy, DK vẫn kiên cường chống trả, khiến cho âm mưu của địch bị phá sản. Trước sức kháng cự mạnh mẽ của DK, đến ngày 2/7/1971, quân địch buộc phải rút lui.

Theo ông Võ Văn Hưng: Đội DK xã chỉ có 12 đồng chí với vũ khí thô sơ, đã anh dũng chiến đấu giữ vững trận địa, bảo vệ căn cứ suốt 6 ngày đêm, đánh bại 6 đợt đổ quân và bẻ gãy 32 đợt tấn công của địch có lực lượng đông gấp 140 lần, gồm nhiều binh chủng cùng với vũ khí và phương tiện chiến đấu hiện đại.

Qua 6 ngày, trận địa căn cứ của DK Hòa Hiệp vẫn sừng sững đứng vững như tượng đồng, vách sắt. DK chỉ có 1 người hy sinh, 2 người bị thương nhẹ. Ngụy quân phải trả giá rất lớn, có tới 130 tên chết và bị thương, trong đó có 1 tên cố vấn quân sự Mỹ.

Với chiến thắng lịch sử này, DK xã Hòa Hiệp được Mặt trận Giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng huân chương Chiến công Giải phóng và danh hiệu “Đội DK Phạm Văn Cội”.

Thời chiến, xã Hòa Hiệp đã tạo dựng nhiều chiến công, thời bình xã tập trung kiến tạo, xây dựng quê hương.
Thời chiến, xã Hòa Hiệp đã tạo dựng nhiều chiến công, thời bình xã tập trung kiến tạo, xây dựng quê hương.

Trận chiến 6 ngày đêm đã làm thất bại kế hoạch bình định nông thôn. Quân đội Sài Gòn dù được Mỹ viện trợ tối đa, vũ khí rất hiện đại, lực lượng tuy đông nhưng không mạnh.

Kể từ trận đánh này, các lính nghĩa quân trong đồn bót, lính “nhân dân tự vệ” rất sợ DK xã Hòa Hiệp, nên chúng an phận chỉ co cụm, chui rút trong đồn, không dám ngang tàn bắt dân đi phát hoang, phá địa hình, đe dọa, uy hiếp gia đình cán bộ cách mạng hoặc đi phá trận địa ấp chiến đấu của DK.

Người dân xã Hòa Hiệp từ đó an tâm trở về ruộng vườn sản xuất trồng trọt chăn nuôi, lo cuộc sống gia đình và đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

Hòa Hiệp phát triển, đổi mới

Bước sang trang sử mới, đất nước thống nhất, xã Hòa Hiệp nhanh chóng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định mọi mặt đời sống Nhân dân. Trải qua bao thăng trầm, khó khăn, thử thách, nhưng Đảng bộ, quân và dân xã Hòa Hiệp đã phát huy truyền thống cách mạng tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động và không ngừng vươn mình đổi mới.

Ngày 6/11/1978, Hòa Hiệp là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1980, Đảng bộ xã Hòa Hiệp được thành lập, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy Tam Bình.

Ông Võ Văn Hưng (đeo kính, ngồi giữa) nhân chứng lịch sử bày tỏ: “Vì lòng yêu nước, yêu đồng bào, chúng tôi một lòng theo Đảng để giải phóng cho nước, cho dân”.
Ông Võ Văn Hưng (đeo kính, ngồi giữa) nhân chứng lịch sử bày tỏ: “Vì lòng yêu nước, yêu đồng bào, chúng tôi một lòng theo Đảng để giải phóng cho nước, cho dân”.

Với ý chí thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tinh thần chủ động đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quê hương Hòa Hiệp ngày càng phát triển.

Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng về hạ tầng, diện mạo không ngừng đổi mới, đời sống người dân không ngừng nâng cao. Về đích xã NTM vào cuối năm 2017 (sớm hơn kế hoạch 2 năm), đến cuối năm 2021, Hòa Hiệp được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Bà Phạm Thị Kim Liên- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp, nhận định: Với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần tự hào từ trận chống càn 6 ngày đêm của DK xã Hòa Hiệp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và Nhân dân về lịch sử của quê hương huyện Tam Bình nói chung và xã Hòa Hiệp nói riêng, hơn 10 năm qua, UBND xã đã tạo điều kiện và tổ chức vận động Nhân dân hiến đất (khoảng hơn 9.000m²) nhưng chưa được đầu tư để hoàn thành khu di tích.

Thông tin về những đề xuất của cử tri, Nhân dân và thế hệ trẻ đã gửi gắm thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, kiến nghị: Hỗ trợ xây nhà bia truyền thống chiến thắng 6 ngày đêm xã Hòa Hiệp với diện tích khoảng 200m², để có nơi ghi nhận chiến công của trận đánh, tri ân và giáo dục truyền thống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.

Tại Hội thảo khoa học 53 năm chiến thắng trận chống càn 6 ngày đêm của DK xã Hòa Hiệp, các đại biểu cho rằng: Với chiến công trận đánh 6 ngày đêm và truyền thống nhiều năm đánh địch phá chiến lược bình định của chi bộ Đảng và lực lượng DK xã, rất xứng đáng được dựng bia và làm khu lưu niệm tại địa điểm trận chống càn diễn ra nhằm giáo dục truyền thống cách mạng hôm nay và các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- PHÚC CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh