(VLO) Tùng xuống xe, đến bến đò vào lúc 6 giờ chiều. Chuyến đò cuối đã chạy trước đó 30 phút. Hơn 10 cây số đường đất vừa mới đắp cao lên để chuẩn bị lót đan, còn ướt nhẹp, làm sao đi bây giờ.
Anh vào quán nước, tính hỏi bà chủ xem ở đây có đò thuê bao hay không. Bao đò vào buổi chiều trời âm âm như vầy, dám bị “khía” (giá đắt) là cái chắc. Nhưng biết làm sao được. Gần 6 tháng trời cùng đồng đội lo phá án, giờ mới được mấy ngày nghỉ phép, giá nào cũng phải về.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Bà chủ quán như đọc được ý nghĩ của Tùng, hỏi:
- Nếu chú về xóm Bàu thì cứ ngồi uống nước, chút xíu tui nói nhỏ cháu cho quá giang. Nhà nó ở Xẻo Quýt, xóm Bàu.
Vậy là Tùng được quá giang. Mừng muốn hết lớn. Mà lớn gì nữa. Năm nay anh đã 26 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH An ninh được hơn 3 năm. Đã tham gia phá tới mấy vụ án. Kinh nghiệm vui buồn lũ khũ cùng mình. Lần này quá giang tam bản của cô gái trắng như bông bưởi, không biết sẽ rút ra bài học gì nữa đây.
Cô gái hỏi:
- Anh ở trên tỉnh về phải hôn?
Thấy anh gật đầu, cô gái lại hỏi:
- Mà ở trển anh làm gì cà?
- Tui làm việc cho Nhà nước.
- Hổng lẽ anh làm ráo trọi mọi việc sao?
- Tui làm một việc còn không xong, đâu dám bao đồng như cô hỏi. Mà… bộ cô là công an sao mà hỏi như điều tra vậy?
- Hổng dám đâu! Ngồi không thì hỏi cho đỡ buồn. Coi bộ anh cũng khó quá hà! Dòm mặt tưởng công an hình sự.
- Cứ cho là công an thì sao?
- Thì cũng người xóm Bàu như em chớ sao.
Tùng thấy thích cô gái. Chẳng biết cô con nhà ai mà bạo mồm bạo miệng. Vóc vạc như vầy, ở làng chắc nhóc nhách người chết mê chết mệt.
Tùng tò mò muốn hỏi cho biết cô tên gì, con ai, nhưng thấy ngài ngại. Nghiệp vụ khai thác lấy cung, anh được xếp vào loại giỏi, vậy mà trước bông bưởi non nõn này, anh thấy lúng túng như gà mắc tóc.
- Cô ba à?
- Em thứ năm, tên Năm Thắm.
- Ừa, cô Năm này, nhà cô khúc nào ở xóm Bàu vậy?
- Đã biết ở Xẻo Quýt rồi còn hỏi. Ngay bến cây cồng chớ đâu.
- Vậy cô con bà Tám à?
- Sao anh biết?
- Là tôi đoán vậy. Nhìn mặt chắc cô khoảng 18, 20 là cùng.
- Trật lất! Em hăm hai.
- Dạy học phải không?
- Sao anh hỏi vậy?
- Thì… coi mặt bắt hình dong mà.
- Vậy là đúng công an rồi nghen! Chắc công an chìm quá hà.
- Ừa, tui có nổi bao giờ đâu mà không chìm. Mắt cô Năm đẹp như hồ nước ấy.
- Bắt đầu tán rồi phải hôn? Trai xóm Bàu lên tỉnh làm việc, ai cũng tán dễ sợ luôn!
- Nói nghe trớt quớt. Tán giỏi thì tui đâu có ế vợ tới giờ.
- Khôn róc tổ chưa. Ai hỏi mà anh khai. Em đã có tới mấy đứa cháu lận.
- Tui cũng cháu trai, cháu gái nhóc nhách. Nói vậy là cô Năm còn “tư lệnh phòng không” chớ gì?
***
Cả hai đang vui chuyện thì trời chuyển giông vần vũ đen sầm, hơi nước lạnh ngăn ngắt như luồn vào da thịt mà xoa. Rồi mưa xối ầm ầm như nghiêng trời trút nước. Đã vậy chiếc ghe còn chết máy.
Quả là ông trời chơi ác. Mà có khi ông còn cố tình để hai người kéo dài thời gian làm quen. Chàng trung úy lúc này đã tự tin lắm. Ràng ràng là Năm Thắm còn gái son. Cổ là con bà Tám thì chắc ăn hổng bà con ruột rà gì.
Vấn đề là cần phải điều tra xem cổ có bồ chưa. Không khéo bé cái nhầm thì chết. Hồi còn học ngoài Hà Nội, có lần Tùng đến thăm một cô công nhân nhà máy dệt. Trời xui đất khiến thế nào cô lại đi chợ chưa về. Mẹ cô ở nhà.
Bà trẻ tới mức, Tùng cứ tưởng là chị của cô gái. Vậy là anh gọi chị xưng tôi, ngồi tán hươu tán vượn chuyện con gái Hà thành ai cũng đẹp.
Còn bà thấy anh mặc sắc phục, lại cứ tưởng Tùng là công an khu vực, mới được bổ nhiệm. Bây giờ người trong Nam ra Bắc làm việc thiếu gì. Chừng cô gái về tới, giới thiệu Tùng với mẹ, Tùng mắc cỡ muốn chết, nên đã tìm cách đánh bài chuồn. Hai người từ đó không gặp nhau nữa.
Lần này là người làng, về tới nơi hỏi thăm lối xóm, làm sao mà không biết Năm Thắm đã có nơi nào dạm hỏi hay chưa. Tháng này trời vẫn mưa giông. Mưa rớt vụ là năm nay trúng mùa hoa mai vàng rực.
Nhà Tùng có tới mấy cây mai thế, mai kiểng. Ông nội quý lắm, bởi nó là mai tổ, tuổi vài trăm năm có dư. Trong đó, có cây mai lò xo, cánh xoăn tít và duỗi dài ra như bông cúc đại đóa.
Nghe nói được thỉnh từ ngoài Trung vào từ đời cụ tổ đến xóm Bàu lập nghiệp. Cây mai đó có nhiều khách từ thành phố xuống dạm giá để mua, trả tới mười mấy cây vàng.
Ông nội không hề quý vàng như họ tưởng. Ông nói: nhờ linh cây mai tổ mà con cháu mới học hành đỗ đạt, mới nên người trong thiên hạ. Mười cây chứ cả trăm cây cũng không bán được.
Gió ngược, nước ngược, hai người ráng sức quạt mái dầm cỡ nào, chiếc tam bản cũng cứ ì ra. Cuối cùng Tùng bàn tấp ghe vô bờ để sửa máy.
- Cô Năm che áo mưa, để tui trị nó mới được. Tới máy xe đò tui còn trị nổi, nữa là máy dầu.
Năm Thắm cúi người che máy cho Tùng sửa. Nhưng gió giật dữ quá, cái áo mưa cứ tung lên phành phạch. Nhìn thấy cái chòi canh rẫy trên bờ, Tùng bàn với Năm Thắm khiêng máy lên đó để sửa.
Hai người hè hụi khiêng máy. Gần lên tới bờ đất, Năm Thắm bị trợt chân, chới với mấy cái rồi buông máy, té ùm xuống nước. Tùng bỏ chiếc máy, cúi xuống nắm tay Năm Thắm kéo lên. Anh kéo mạnh tới mức, Năm Thắm đổ sập vào người mình. Vậy là cả hai lại rơi tùm xuống nước.
Lúc leo được lên bờ, Năm Thắm nói:
- Mơi mốt em phải bắt thường anh tội làm em té xuống nước hai lần đó. Giờ phải lo sửa máy cho kịp, không thì hết thấy đường luôn.
Năm Thắm giúp Tùng tháo banh chiếc máy ra sửa. Té ra sự hỏng hóc cũng không ghê gớm gì. Chỉ lui cui một lúc, tiếng máy đã nổ giòn rộn rã.
- Cô Năm thấy chưa? Tội tui thì cô phạt, còn công của tui thì cô có thưởng hông?
Năm Thắm chẳng nói chẳng rằng, hôn chụt một cái vào má Tùng. Trời đất! Sao mà ấm nóng đến rần rật vậy trời! Làm như nụ hôn của con gái có điện hay sao ấy. Tùng đứng sững người ra một lúc, rồi chợt nhớ mình là con trai, anh nắm lấy tay Năm Thắm, nâng lên hôn.
Bất ngờ Năm Thắm nói:
- Anh Tùng, em là con dì Sáu, kêu anh bằng cậu lận. Nhà em có nghề xay bột và nấu tàu hủ, anh không biết sao. Hồi đó anh học 12, em học lớp 10; anh đâu có chơi với sắp nhỏ tụi em. Bởi biết anh nên em mới dạn chuyện.
Ôi trời ơi! Vậy là chết nữa rồi! Sao mình hậu đậu làm vậy! Ngoài đường ngoài sá, người ta hay nói giỡn chơi, làm sao mình vội tin Năm Thắm là con bà Tám. Mà kỳ thiệt.
Cơn cớ gì mình lại không biết dì Sáu nấu tàu hủ là bà con cà! Có khi mình đi học trường huyện từ nhỏ, lớn lên lại đi xa, nên không biết Năm Thắm là bà con. Chuyến này ràng ràng là mắc đại họa giữa đường rồi. Trung úy công an hình sự mà điều tra không tới nơi tới chốn.
Xìu xuống như cái bánh tráng nhúng nước, từ đó Tùng chìm luôn cho đến lúc về tới tận nhà.
Khi mấy đứa em đã tắt đèn đi ngủ, Tùng mới hỏi mẹ:
- Má à! Má có biết Năm Thắm con dì Sáu xay bột, nấu tàu hủ không?
- Biết chớ sao không! Con nhỏ đó tao rành sáu câu. Nó mới ra trường về dạy văn hơn nửa năm nay. Lắm chỗ nhắm nhe rồi mà nó chưa chịu chỗ nào.
- Cổ bà con với mình sao vậy má?
- Bà con gì! Ba mày họ Trần, tao họ Nguyễn; còn má nó họ Lê, tía nó họ Huỳnh. Có mà bà con từ thời khỉ mới hóa người thì có.
Trời ạ! Trung úy công an hình sự mà bị cô giáo mới ra trường gạt cho chìm lỉm. Khỉ thiệt! Tết này về quê, phải tìm cách “trả thù” cổ mới được!
Tùng lên giường, buông mùng nằm chong mắt, nhưng không thể nào ngủ được. Chỗ má được Năm Thắm hôn, cứ nóng lên rần rật.
HỒ TĨNH TÂM (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin