Truyện ngắn: Thầy giáo về hưu

07:14, 18/11/2024

(VLO) Hơn 2 giờ sáng, Thành giật mình tỉnh giấc vì tiếng rơi của vật gì đó đánh thức. Thành nheo mắt ngáp dài cố ngồi dậy xuống giường đi ra ngoài kiểm tra. Vừa mở cửa phòng Thành đã nhìn thấy phòng của nội sáng đèn, mùi trà Bắc cũng thoang thoảng trong không khí.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Thành bước ra sau bếp bắt gặp nội đang thu dọn mảnh vỡ trên nền nhà, bã trà cũng nằm vương vãi. Thành nhíu mày bước nhanh đến:

- Nội có bị bỏng ở đâu không?

Ông Tám đầu đã pha sương, trên mặt đầy vết chân chim, nở nụ cười hiền từ:

- Nội không sao, nội phá giấc ngủ của con rồi đúng không? Thôi con về phòng ngủ tiếp đi để mai còn lên trường sớm dự lễ, để đó nội tự dọn được.

Thành không nói lời nào, nắm tay ông, đỡ ông đứng dậy đi lên nhà trên, rồi quay lại nhà sau tự mình thu dọn sạch sẽ, sau đó pha lại cho ông một bình trà mới.

Đặt bình trà lên bàn, Thành cũng không vội về phòng, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh ông rồi nhỏ giọng hỏi han:

- Nội lại khó ngủ hả? Hay sáng mai con đưa nội đi khám.

Ông Tám xua tay:

- Càng lớn tuổi càng ngủ ít mà con. Con về phòng ngủ đi, không cần ở đây với nội.

Thành bất chợt nhớ đến chuyện gì, anh thử dò hỏi:

- Ông nội nhớ trường lớp phải không? Hay mai nội lên trường dự lễ với con đi.

Ông Tám cười buồn lắc đầu:

- Nội về hưu lâu rồi, giờ tụi học trò nhỏ có đứa nào biết nội đâu con.

Thành bùi ngùi xúc động. Thành đã đoán ra vì sao tâm trạng của ông nội lại buồn bã và trằn trọc khó ngủ hơn mọi ngày khác.

Bình thường 3, 4 giờ sáng ông cũng thức dậy để pha trà nhâm ly buổi sáng nhưng hôm nay lại đặc biệt sớm hơn rất nhiều. Có lẽ vì sắp đến ngày Hiến chương Nhà giáo nên ông thao thức nhớ về quá khứ đứng bục giảng của mình.

***

Ông Tám năm nay đã ngoài 70 là thầy giáo về hưu. Những năm mới về hưu, đến dịp lễ Tết hay ngày nhà giáo đều vẫn còn có học sinh cũ đến thăm ông. Thế nhưng thời gian lẳng lặng trôi nhanh, 5 năm, 10 năm, rồi thời gian về hưu bao lâu ông cũng không còn nhớ. Vì đã rất lâu không có học trò nào đến thăm ông nữa.

Dù tuổi đã cao, từng đưa không biết bao nhiêu chuyến đò sang sông, dạy dỗ không biết bao nhiêu lớp học trò nhưng ông vẫn còn miên man nhớ mặt vài học trò.

Có hôm đang cùng ngồi xem bóng đá với Thành, ông Tám chỉ vào một vị huấn luyện viên tên tuổi của một đội bóng rồi phấn khích cười lớn:

- Đó đó, huấn luyện viên này là học trò của nội ngày xưa đó. Ngày xưa trò này học cũng giỏi mà đá banh cũng rất giỏi.

Niềm tự hào tràn ngập trong ánh mắt của người thầy. Thành cũng cảm thấy vui mừng với ông. Và cũng hy vọng trong số những học trò của Thành sau này sẽ có được nhiều người thành công như thế.

Gia đình Thành có truyền thống làm nghề giáo, từ ông nội rồi đến ba mẹ và cả hai chị gái Thành cũng đều là giáo viên. Thế nhưng trong căn nhà tổ ở quê chỉ có mỗi Thành và ông nội sinh sống. Ba mẹ và chị gái thứ ba đều chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp và ba người đều là giảng viên đại học. Chị gái thứ hai lấy chồng về xứ Bắc cũng làm giáo viên mầm non ngoài kia.

Ông nội chỉ có mỗi ba Thành là con. Nhiều năm qua, ba mẹ Thành luôn muốn đón ông lên thành phố để phụng dưỡng nhưng nói thế nào, thuyết phục ra sao ông cũng đều từ chối.

Ông bảo đi rồi thì nhà cửa ở quê ai trông coi. Hơn nữa ông muốn ở lại quê để hàng ngày hương khói bầu bạn với bà. Ông làm nghề giáo, làng xóm gần xa đều gọi ông là thầy Tám.

Học trò cũ gặp ông ngoài đường cũng gật đầu chào thưa thầy Tám. Nghe mà hoài niệm về ngày tháng đứng trên bục giảng của ông. Ông hạnh phúc biết bao. Ông sợ lên thành phố nơi đất khách quê người, không ai biết ông là ai thì cái tên thầy Tám cũng mất theo.

Thành thấu hiểu nỗi lòng của nội nên sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, Thành chọn về quê dạy học để sớm hôm kề cận chăm sóc cho ông.

***

Ông bảo Thành về phòng ngủ mỗi khi Thành ngáp dài, mi mắt mấy lần híp lại rồi theo tiếng gọi của ông mà giật mình gật gù sắp ngã. Thành lại ương bướng cố sức gắng gượng ngồi lại với ông. Bỏ ông một mình, cô đơn giữa đêm vắng lặng Thành không nỡ. Ông thở dài rồi nở nụ cười bất lực với Thành:

- Con làm nội nhớ thằng học trò cũ ngày xưa quá!

- Nội kể đi con đang nghe đây.

Thành vỗ vỗ mặt mình rồi tự rót cho mình ly trà nóng nhấp một ngụm cho tỉnh táo. Thành rất thích nghe ông nội kể chuyện đi dạy ngày trước. Qua lời kể của ông, Thành hiểu hơn về tâm lý của học trò và cũng rút ra nhiều kinh nghiệm dạy dỗ học trò của mình sao cho phù hợp. Kinh nghiệm của người đi trước lúc nào cũng quý giá.

Ông Tám nhấp ngụm trà rồi chậm rãi kể lại. Ông không nhớ cậu học trò kia tên gì vì cũng đã qua thời gian khá lâu. Nhưng ông lại nhớ như in kỷ niệm về cậu học trò nhỏ hay đi học muộn và ngủ gật trong lớp.

Ông bảo có lần ông rất giận vì nhắc nhở mãi cậu học trò không sửa chữa, không chịu tranh thủ thời gian đến lớp đúng giờ. Ông giận quá bắt phạt trò đứng bên ngoài cửa lớp suốt buổi học. Cứ nghĩ phạt đứng trò sẽ không ngủ gật được, nào ngờ cậu ta vẫn ngủ gật, thậm chí ngủ đến nằm ngã ra đất đến u đầu.

Sau hôm đó ông tìm đến tận nhà của cậu học trò để tìm hiểu, nhưng không ngờ đến nơi mới biết rõ nguyên nhân vì sao trò đi học muộn. Vì sao cậu luôn ngủ gật trong giờ học và cho dù bị phạt cũng không viện lý do gì để biện minh. Hóa ra ba của trò bị liệt nửa người do tai nạn lao động, mẹ cậu phải đi lượm ve chai nuôi cả gia đình.

Hàng ngày cậu phải dậy sớm phụ mẹ nấu cơm, chăm sóc bữa cơm cho ba để mẹ được nghỉ ngơi. Vì hôm nào mẹ cậu cũng phải đi lượm ve chai đến tối muộn mới về đến nhà.

Cậu nhóc cũng phụ mẹ phân loại ve chai nên cũng thức đến khuya. Kể đến đây thì ông dừng lại nhìn Thành đang đỏ mắt nhìn ông, ông lại cười nhắc nhở Thành:

- Mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, phải có hoàn cảnh đặc biệt thế nào mới tạo nên tính nết và hành động của người đó. Con nít nó chửi thề thì chắc chắn nó nghe người lớn nói nên học theo, nó ngang ngược hống hách vì được cưng chiều quá độ.

Thành ngồi bên cạnh ông nội đến hơn 3 giờ sáng thì không thể gắng gượng được nữa. Đành xin lỗi ông nội rồi trở về phòng ngủ. Nếu không sáng ngày mai lên trường với đôi mắt cú mèo, có khi bị mấy đứa học trò tinh nghịch cười cho.

Ông Tám ngồi một mình ở nhà trên một chút rồi quay vào phòng lục lọi tìm lại cuốn album đã nhuộm màu thời gian. Ông đem ra lật giở từng tấm ảnh, những nụ cười ngây thơ trong sáng cho đến nụ cười của người thành công và cả những nụ cười gượng gạo được chụp gần đây.

Đây là cuốn album ông trân quý nhất, là những hình ảnh được ghi lại giữa ông và các học trò của mình. Từ lúc ông còn trẻ đến khi về hưu. Gió lạnh thổi qua phất phơ mái tóc bạc trắng, ông cười buồn vuốt nhẹ lên tấm ảnh nhỏ giọng lẩm bẩm một mình:

- Phải mà con chịu nghe lời thầy thì bây giờ con đâu phải đối mặt với tù tội.

Trong ảnh là chàng trai trẻ với nụ cười thiện lành. Lúc trở thành kế toán trưởng một công ty lớn và vẫn thường đến thăm ông vào dịp Tết Nhà giáo. Ấy vậy mà, không lâu sau cậu học trò giỏi lại vướng vào vòng lao lý vì không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền.

Tuổi xế chiều nhìn lại cả chặng đường dài đã đi qua. Nhìn học trò của mình khôn lớn thành danh làm ông này bà nọ mà ông vui mừng khôn xiết. Cũng như nghe tin đứa này đi vào con đường tội lỗi, ông đau đớn tự trách mình đã không thể dạy dỗ tốt cho học trò. Gấp quyển album lại ông thở dài nhìn về phía màn đêm tĩnh lặng.

***

Sáng ra, thầy giáo Thành lên lớp. Một mình ông Tám ngồi ở nhà lúc thì mở tivi xem tin tức, lúc thì đi ra sân tưới hoa tỉa cây. Đang đứng đùa vui với con chim sáo trong lồng mà Thành vừa mua về vài hôm trước, dạy nó nói vài câu chào hỏi thì bên ngoài có chiếc xe máy chạy vào sân. Ông ngẩn người nhìn người đang đến gần mình. Người đàn ông đỏ mắt:

- Thầy không nhớ con sao thầy? Con là đứa không nghe lời thầy dạy nên đã sa vào vũng lầy tù tội.

Ông Tám giật mình không kiềm được xúc động bước đến ôm lấy người đàn ông, cũng là cậu học trò ông đã thương quý năm nào. Có lẽ năm nay là Tết Nhà giáo đáng nhớ nhất của ông.

TUYẾT LUÔN VÕ (Mang Thít)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh