Tản văn: Một thời cam cao giá

14:55, 03/11/2024

(VLO) Nó có cảm giác cả người chìm hẳn xuống dưới mặt nước, cũng may một lúc ngụp xuống nước thì một lát ngoi lên thở được rồi lại ngụp xuống. Có lúc nó lại bay lên đến tận mây xanh. Cái chuyện vui buồn khi nó lội lặn mạng á mà.

 

Nó đang ghé trang Facebook, lúc lại tấp vào Zalo của các anh, chị chủ vựa cam sành giới thiệu “Hàng bấm cuốn nha anh em 345 giá 5k”, “Nước da bụi mỏng vỏ nha anh em 3k5 tại vựa”, “Xô lô vườn ra lộ giá 2k5”... Thì khỏi cần hỏi giá cam tại vườn, giá rẻ bèo như chiếc bánh bèo rồi.

Vùng đất đồng bằng này với những lợi thế và tiềm năng khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng và đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp với các loại cây chủ lực có múi.

Với nhiều tỉnh trồng cam sành, đếm sơ sơ như Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang và Vĩnh Long. Vĩnh Long đã trở thành “thủ phủ cam sành”, với trái cam vàng, ngọt, nhiều nước.

Mùa này Hựu Thành xứ quê ngoại nó đang mùa thu hoạch cam sành, trên các tuyến đường không khó bắt gặp những liếp cam trái sai oằn nhánh. Có vườn cây cam lão, có vườn mới trồng cho trái vụ một, vụ hai. Về xứ cam, nó nghe người thân loay hoay bên câu chuyện cây cam và giá cam.

Ngồi bên bàn trà nóng mà giá cam lạnh ngắt. Độ rày giá cam đang giảm sâu, xót ruột vườn cam quá. Cậu mợ nó vừa kêu thương lái vào bán vườn cam 7 công. Cam có giá lái tự tìm tới, còn giá cam như vầy thương lái chỉ mua nhỏ giọt hà. Kiếm một mối tối ngày.

Chăm bón đổ mồ hôi, vốn đổ bạc trăm triệu vậy mà đến cam chín thu hoạch kêu lái, lái còn chê lên chê xuống thấy giận trong bụng gì đâu.

Lái ấn định dứt khoát vườn cam 17 triệu đồng, cậu mợ thấy tiếc nên bỏ mối này tìm mối khác, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ai dè mấy ngày sau tìm mối khác họ trả giá còn 13 triệu thôi vì giá cam đang rớt chứ không muốn nói là lao dốc không phanh.

Vườn cam chín mùa bán có bao nhiêu đâu, vườn cam cậu nó chưa được chăm sóc đúng cách, dẫn đến da cam không được đẹp, da nám nên bán chưa tới 20 triệu đồng là vậy. Cầm tiền trên tay mà mợ nó buồn thiu, lỗ liên miên mấy vụ liền rồi, vụ này xem như gần thua trắng chớ nói tiền phân, tiền công gì.

Bỏ tiền ra bạc trăm triệu mà thu vào bạc chục triệu là thấy khổ rồi. Mà hên là đất nhà à nghen, chớ thuê đất là còn lỗ “tới xương” luôn. Phải trên mười ngàn thì mới có lời, còn giờ cam đẹp loại 1 có giá chỉ hai ba ngàn thôi, đây là một mùa cam “đắng” đối với người dân trồng cam sành.

Cậu nó nhấp miếng trà nóng: “Cái giá rẻ chưa hề có từ khi cậu trồng cam đến nay”. Cậu nó kể, có những chủ vườn chịu khó họ bỏ công nhà cắt bỏ mối lẻ, cho đỡ tốn tiền công cắt lại được thêm chút giá, vì cắt mỗi ký cam cũng tốn từ tám trăm đến một ngàn đồng, bán lẻ thì được bốn năm ngàn một ký.

Anh mua cam cũng đầy tâm trạng chứ có khác gì, “Ai có làm nghề lái cam mới hiểu cảnh khổ, chứ nhiều người không rành họ bảo tại sao mua trong vườn có hai ba ngàn mà đến tay người mua thì tăng lên năm bảy ngàn, buôn một đồng vốn bốn đồng lời”. Anh thở dài: “Khổ lắm người ơi”.

Thật tình thì anh lái cam có vui gì đâu khi giá cam bèo như thế này, lo vừa ngã giá, mai chiều lại sụt mất hai ba trăm đồng thì coi như lỗ rồi.

Anh lái cho biết, thị trường chủ yếu ở miền Bắc, giờ các miền Trung và Bắc cũng đang vào mùa thu hoạch các loại cây có múi nên khiến cam sành tiêu thụ rất hạn chế, càng khiến giá cam giảm sâu và ứ đọng. Cho nên không khéo bán không chạy là ôm hết một mớ.

Rồi họ nhớ lại những năm về trước, bán cam thấy ham. Anh lái nói, mấy năm cam có giá từ mười mấy đến cao ngất ba mấy ngàn, lúc đó lái tụi tui cùng nhà vườn lời nhiều.

Chứ mấy năm nay lời meo lắm. Rồi mợ tiếp thêm câu chuyện thời “huy hoàng” của xứ cam, bỏ công và phân phướn ra cho 7 công cam hết tầm 650 triệu đồng, tới mùa thu hoạch cậu mợ thu vào hơn 1 tỷ đồng.

Có vườn cam đẹp lời mấy tỷ đồng. Lời thấy ham. Lúc ấy nhiều ngôi nhà cao, đẹp mọc lên, xe tay ga, xe hơi chạy vù vù.

Đó là những năm về trước, chứ còn bây giờ người dân lại khổ vì cam. Cam đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, trồng dừa và trồng màu biết bao nhiêu lần nên người ta ùng ùng chuyển sang trồng cam.

Rồi diện tích trồng cam tăng nhanh chóng mặt nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu vì cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa. Mấy năm nay giá cam cao lắm chưa lúc nào lên đến 7.000-8.000 đ/kg. Chỉ nằm ở khoảng 4.500-6.500 đ/kg.

Giờ cam rớt giá, không biết trồng gì thay chỗ cho những cây cam. Không ít người nhổ cam trồng mít ruột đỏ. Người thấy giá lúa 8.500 đ/kg nhiều người tiết muốn quay lại với lúa.

Người thấy dừa khô bán 110.000 đ/chục có người lại muốn quay lại trồng dừa. Cái chuyện chặt bỏ cây này, trồng cây nọ để cố gắng tìm một cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn có lạ gì đâu, nghe cây gì bán lời ngon thì bứng bỏ các loại cây đang trồng để trồng cây đó, rồi cung vượt cầu nó rớt giá. Làm sao để chọn một cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao trong bền vững?

Trên đường về lại nhà, nó mong mùa cam sau cậu mợ điện với giọng mừng rơn: “Cậu mợ trúng mánh rồi bây ơi”. Để người trồng cam, không “cam khổ” mà vui với mùa cam được giá.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh