(VLO) Tặng của hồi môn (CHM) đã “biến tướng” thành trào lưu khoe của chăng? Khi CHM là một phong tục truyền thống với nét đẹp văn hóa cưới hỏi, mang đầy ý nghĩa của người Việt Nam.
CHM là quà của cha, mẹ tặng con gái khi về nhà chồng, có thể là tiền bạc, trang sức, đồ dùng sinh hoạt hoặc đất đai… Như bà nội tôi, lúc nội chưa đi xa, hay đem ra đưa cho chúng tôi xem CHM của nội đó là đôi bông tai mù u. Nội gìn giữ cẩn thận vì đó là kỷ vật thiêng liêng của nội mà.
Tâm lý người đời có nhiều điểm thật khó hiểu. Cha mẹ tặng quà cho con gái khi về nhà chồng với CHM “siêu khủng” làm xôn xao dư luận. Nói chi xa, ở miền Tây mình thôi này. “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu”… với vợ chồng đại gia thủy sản đã tặng con gái CHM tới 500 tỷ đồng.
“Đi qua Đồng Tháp thấy bạt ngàn bông sen”, một cô gái xứ sen nhận hồi môn từ mẹ 1.050 lượng vàng và 9,9 tỷ đồng. Mới mấy ngày nay thôi, “Kiên Giang nồng ấm chạnh lòng hoàng hôn” lại được nghe chuyện tặng CHM cho con 600 công đất tương đương 90 tỷ đồng. Người đồng quan điểm, người ta có của thì người ta cho con thôi.
Người bảo, cho sao cho khéo, cho tế nhị. Không nên màu mè, không nên làm ra vẻ. Chỉ tặng như bao gia đình khác được rồi. Chỉ cần khay trầu rượu, đâu cần xếp đầy trên bàn những khay đựng vàng và tiền nhìn rất kệch cỡm. Còn tặng tài sản lớn thế để con làm ăn thì khi thích hợp, rồi tặng có muộn mằn chi đâu.
Khoe khoang trở thành lố bịch. “Người khoe khoang cũng giống như con gà, nó cứ tưởng rằng mặt trời lên là để nghe nó gáy”- G.Eliot đã từng nói như thế. Khoe phát sinh từ nhiều lý do. Một trong những lý do phổ biến nhất là khi ta khoe khoang, đặc biệt khoe của, tức thì ta nhận được sự ngưỡng mộ của những người xung quanh.
Còn nếu cứ khoe hoài mà chẳng ai mảy may đếm xỉa, thậm chí còn coi đó là lố bịch thì người khoe sẽ mất hẳn hứng khoe. Để thấy được rằng, càng khiêm tốn giá trị con người càng cao thêm. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là nhiều”, Karl Marx đã rút ra từ cuộc sống.
CHM thể hiện tình cảm của cha mẹ giành tặng và chúc phúc con gái, con rể trong ngày vui. Gia đình có điều kiện, CHM nhiều như thế thì giúp con cái có điều kiện vật chất hơn, giúp vợ chồng trẻ có vốn làm ăn. Tuy nhiên, CHM không phải là điều kiện tiên quyết để đánh giá một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
“Tiền bạc có khả năng tạo dựng nên một nền văn hóa vật chất, nhưng người ta không tự kiềm chế lấy tâm hồn mình, không để tinh thần hướng thượng, thì tiền bạc cũng có khả năng hủy hoại tâm hồn trong sáng của mọi người”, tôi từng đọc ở một quyển sách nằm trên kệ của một nhà sách.
Nghĩ, vậy chi vậy ta. Họ muốn khoe của hả? Mà khoe đâu mang gì lợi ích cho bản thân, đâu đem cái gì mới lại cho bản thân, cho ai đâu. Thật ra, việc khoe khoang của cải nhà mình mục đích là để mọi người biết được sự giàu có của bản thân, muốn nhận được sự khen ngợi, ngưỡng mộ của những người xung quanh nhưng coi chừng trái ngược, sẽ bị chê ấy.
Đôi khi khoe khoang chuốc lấy họa mà thôi. Làm xấu đi những giá trị tốt đẹp truyền thống, cha mẹ tặng CHM cho con cái cần khéo léo, tế nhị để không để lại hệ quả cho cặp đôi trẻ.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin