(VLO) Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương (giáo viên Mỹ thuật của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long) có năng khiếu bẩm sinh và đam mê vẽ tranh ngay từ nhỏ. Rồi khi vào trường sư phạm cô chọn ngành sư phạm mỹ thuật, để thỏa niềm đam mê vẽ và cũng là nghề giáo mà cô yêu thích.
Đôi đồng nghiệp chung nhà bên tác phẩm “Cánh diều tuổi thơ” triển lãm tại Trà Vinh năm 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cô gặp nên duyên với anh Nguyễn Minh Thanh chung lớp Sư phạm Mỹ thuật tại Trường ĐH Đồng Tháp. Với lợi thế là đồng nghiệp chung nhà, hai vợ chồng hỗ trợ cho nhau trong nghề giáo và còn có chung niềm đang mê sáng tác tranh nghệ thuật. Ý tưởng của hai người cũng gần như giống nhau trong phong cách vẽ, cùng chung ý tưởng vẽ tranh tả thực và ký họa.
Tả thực là một loại hình nghệ thuật phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực nhiếp ảnh và vẽ tranh. Một bức tranh tả thực sử dụng các chi tiết rõ ràng, đáng tin cậy để tái hiện một cảnh quan, một bối cảnh hoặc một chủ đề cụ thể. Các họa sĩ tranh tả thực thường sử dụng kỹ thuật như ánh sáng, bóng, màu sắc, chi tiết và góc nhìn để thể hiện cảm xúc và nội dung của tác phẩm.
Các bức tranh tả thực thường được sử dụng để tạo ra các bức tranh chân dung, tranh phong cảnh, hoặc cảnh vật. Tranh tả thực thường được xem là phản ánh đời sống thực tế một cách chân thực.
Các bức tranh tả thực có thể thể hiện rõ ràng chi tiết về cảnh vật, tạo ra sự sống động và hấp dẫn cho người xem. Tuy nhiên, tranh tả thực thường yêu cầu họa sĩ có khả năng kỹ thuật tốt để tạo ra các chi tiết chính xác và có thể tốn nhiều thời gian để hoàn thành một bức tranh tả thực. Điều này có thể làm cho nó trở thành một công việc phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì và tập trung từ họa sĩ.
Với cô giáo Thu Hương cũng vậy, những bức tranh của cô cũng mang chi tiết rõ ràng, chân thực. Như bức tranh “Nghề gốm”, được cô Thu Hương tái hiện chủ đề cụ thể về nghề làm gốm, phản ánh ra tất cả các động thái về tinh thần, những công đoạn làm ra sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long.
Tuy chỉ gói gọn trong một bức tranh, nhưng người xem cũng hiểu được những vất vả của người làm gốm, đồng thời cách sử dụng màu sắc, chọn màu chủ đạo để làm toát lên vẻ đẹp màu gốm đỏ đặc trưng của Vĩnh Long.
Nét vẽ của Thu Hương sử dụng lối vẽ hiện thực, chú trọng vào tính chân thực, cái hồn và ý nghĩa của các sự vật trong tranh. Những bức tranh tả thực miêu tả một cách chính xác, chi tiết nhất về những gì được vẽ.
Tranh nghề gốm. |
Bức tranh “Mẫu tử” cô Thu Hương cũng chọn màu chủ đạo có độ ấm mát, làm người xem cảm xúc với hình ảnh mẹ con và nét biểu cảm ấm áp, hạnh phúc của cả mẹ và con. Cũng như vậy, tác phẩm “Cánh diều tuổi thơ” cũng được sử dụng sắc độ màu ấm mát, tạo cảm giác vui tươi, thanh bình, hạnh phúc…
Với tranh ký họa, cô Thu Hương cũng tập trung vào việc sử dụng các biểu tượng đơn giản, hình dáng cơ bản, cách bố trí thông tin ghi chép trở nên dễ nhìn, sinh động và dễ hiểu để truyền đạt ý nghĩa một cách trực quan và hấp dẫn.
Trong đó, bộ ký họa nghề gốm với đường nét đơn giản, nhưng lại sinh động trong từng động tác của người lao động nghề gốm.
Tranh của cô Thu Hương đã được giới thiệu và triển lãm nhiều năm liền trong khu vực ĐBSCL, được nhiều người thưởng lãm yêu thích.
Cô Thu Hương cho biết: “Tôi thích tranh của cô Ánh Hồng và chú Đặng Can. Đặc biệt là tranh của chú Đặng Can vẽ rất nhẹ nhàng, nhưng thể hiện được tình cảm, không gian thanh bình, đầm ấm. Và từ đó tôi cũng có phần ảnh hưởng phong cách trong sáng tác của các cô, chú!”
HẠNH UYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin