Ca cổ: Tình quê hương

07:14, 18/11/2024

Hò Nam Bộ

Nữ: Hò... ơ... Chèo lên Mang Thít, chèo xuống Vũng Liêm

Thấy em đẹp nết, có duyên

Anh đây ưng ý, không biết cha mẹ đôi bên thế nào?

Nói lối

Nam: Ơ, cô gì đó ơi! Làm ơn cho tôi quá giang một đoạn.

Nữ: Thôi anh ơi, đừng thấy gái quê rồi buông lời chọc ghẹo. Đang đi xe hơi mà lại muốn xuống xuồng, đi ngược nước, nắng nôi.

Nam: Là tôi nói thiệt lòng mà... Tôi muốn ngược dòng kênh Thầy Cai, nơi với tôi đong đầy biết bao kỷ niệm.

Nữ: (Nhìn kỹ) Ủa, anh Phước! Chèn ơi! Không gặp mấy năm nên em nhìn không ra anh liền...

Nam: Bạn học thuở xưa... Nay gặp lại tưởng đâu em làm lơ chứ!

Nữ: Ai làm lơ hồi nào! Tại thấy anh sang trọng quá chứ bộ...

Nam: Có sang trọng gì đâu, vẫn là cậu học trò xứ kênh Thầy Cai- xứ làm gạch ngói. Tuy làm ăn xa nhưng nỗi nhớ quê luôn đong đầy trong ký ức, nay anh trở về đây là tìm về kỷ niệm, nơi bến sông xưa lắng đọng những trưa… hè.

I- Vọng cổ

Nam: Ngọt nước phù sa xanh mát đất quê nhà. Anh muốn hòa vào dòng sông để lòng mình trải rộng, chân ngấm đất bùn thắm bao nỗi gian lao.

Dặm

Nữ: Dân xứ lò gắn với đất mấy mươi năm; vất vả, nắng mưa nên đất không phụ công người. Sắc hồng tươi ngời lên bao niềm hạnh phúc. No ấm đổi đời từ những viên gạch nhỏ.

Nam: Lúc anh rời quê đi học ngành du lịch. Lòng mong ước một ngày, được trở lại phục vụ cố hương.

Nữ: Mãi lo học... Nên quên luôn cô bạn học ngày xưa chứ gì...!

II- Vọng cổ

Nam: An ơi! Anh đi xa nhưng luôn nhớ quê, nhớ màu gạch đỏ, nhớ cuộc sống ấm no nhờ lò lửa sáng hồng. Nhìn quê hương khang trang mà niềm vui, hạnh phúc khôn cùng.

Nữ: Với bàn tay tài hoa, những người thợ hai sương, một nắng; đã biến đất vô tri thành tác phẩm nghệ thuật bay xa. Gốm đỏ quê mình từng vượt đại dương, để làng quê nơi đây thành vùng di sản. Gốm đương đại, gạch vang danh cùng cả nước. Mốc son tuyệt vời, ơi Mang Thít sáng tương lai.

Nói lối

Nam: An ơi! Mải mê nói chuyện quê hương mà tôi quên hỏi thăm: An đi đâu về mà chèo xuồng nước ngược vậy?

Nữ: À, em mới vừa đưa đoàn khách du lịch tham quan vùng di sản. Du khách rất thích ngồi xuồng chèo để ngắm xóm lò soi bóng xuống dòng sông.

Nam: Hổng giấu gì em, anh về đây là để liên kết làm du lịch. Mong góp sức cùng quê mình phát triển vươn xa.

Nữ: Chắc chỉ vậy thôi, chứ... chứ đâu còn chuyện gì nữa, phải không anh!

Lý qua cầu

Nam: Có chứ! Người ơi, thương nói sao cho vừa. Ân tình sâu thẳm, nơi làng quê, chan chứa trong tim.

Nữ: Dù thời gian trôi, kỷ niệm xưa vẫn mãi đong đầy. Thuyền đi muôn hướng, bến sông xưa một lòng son sắt.

Nam: Anh đã về đây cùng em. Sẽ bên nhau nguyện ước xây đời. Nắng mới về trên lò cao, sẽ tươi hồng… màu ngói… quê nhà.

Nữ: Anh ơi, màu gốm quê hương như tấm lòng son của người Mang Thít, dẫu lắm gian nan, thăng trầm nếm trải nhưng mãi còn đây hình dáng của quê… mình.

V- Vọng cổ

Nữ: Những dải lò cao vẫn duyên dáng soi mình.

Nam: Thương bàn tay cô thợ nâng niu từng tấc đất; khéo tay in, théc gạch để cho ra lò những sản phẩm đẹp tươi. Gạch, ngói quê mình đã đi xây dựng khắp muôn nơi, những tổ ấm bình yên, những công trình đất nước. Biết bao giọt mồ hôi thấm vào trong đất là những trăn trở, nghĩ suy giữ truyền thống một làng nghề.

VI- Vọng cổ

Nam: Anh sẽ về cho thắm nghĩa quê hương. Cũng là để trọn tình cùng kỷ niệm.

Nữ: Câu chuyện trẻ con chơi trò bên lò gạch cũ, để hôm nay thành cổ tích một tình yêu. Đẹp mãi tình ta lồng trong tình quê mẹ. Trân trọng, giữ gìn thành quả của tiền nhân.

Nam: Viên gạch ngày xưa, ta ước xây lâu đài hạnh phúc. Viên gạch ngày nay ta chung sức xây quê hương này.

Nữ: Mang Thít quê hương mình ngày mới đang lên. Cuộc sống tươi màu, thủy chung tình người với đất.

Nam: Ráng chiều dần buông trên dòng kênh kỷ niệm. Tương lai rạng ngời vùng di sản anh yêu.

Tác giả: Minh Sơn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh