(VLO) Những ngày này, đồng bào Khmer Nam Bộ đang náo nức đón mừng lễ Sel Dolta (cúng ông bà), đi qua những địa phương có đông đồng bào Khmer các huyện: Tam Bình, Trà Ôn và TX Bình Minh, lồng ghép vào những câu chuyện đầy ý nghĩa của lễ cúng ông bà theo nếp truyền thống, bên cạnh những chuyện nhà, chuyện cửa sửa soạn trang hoàng, luôn là những chuyện làm ăn, những chuyển đổi nâng cao đời sống của từng hộ gia đình.
Chùa Phù Ly 2 (TX Bình Minh) đã chuẩn bị gói bánh tét, trang hoàng, vệ sinh cảnh quan chùa rực rỡ |
“Con cháu làm ăn khá giả, lễ cúng ông bà mới vui vầy”
Theo Đại đức Sơn Thắng- Sư phó chùa Phù Ly 2 (TX Bình Minh), lễ Sel Dolta diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là ngày cúng, bà con dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sửa soạn bàn thờ trang nghiêm và bắt đầu chuẩn bị gói bánh tét, làm một mâm cơm cúng thỉnh mời ông bà về nhà sum họp cùng con cháu.
Tối cùng ngày tại chùa sẽ tổ chức văn nghệ ca hát nhảy múa trong sân chùa. Ngày thứ hai mọi người sẽ thỉnh mời ông bà đến chùa để cùng nghe chư tăng đọc kinh cầu an, cầu siêu và thuyết pháp giáo huấn.
Nghi thức và lễ tục này chủ yếu tập trung tại ngôi chùa. Lễ Sel Dolta cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, sum họp với gia đình, thân tộc. Ngày thứ ba là ngày tiễn đưa, tức tiễn ông bà trở về quê nhà của các vị ấy theo cách hiểu của người Khmer.
Trước ngày vào lễ, chùa Phù Ly 2 trang hoàng rực rỡ, khuôn viên chùa dọn dẹp vệ sinh sạch đẹp, nhiều bà con lên chùa cùng nhau gói bánh tét chuẩn bị đón lễ.
Đặc biệt, chùa Phù Ly 2 còn canh tác hơn 1ha bưởi từ hơn 25 năm trước, các sư tự canh tác chăm sóc vườn bưởi nhiều năm nay và đã nhiều lần thay lớp bưởi mới.
Cùng sư Sơn Thắng ra thăm vườn lắng nghe câu chuyện từ những ngày đầu các sư trong chùa tự đào mương lên liếp làm vườn, một câu chuyện dài thấm đẫm gian nan vất vả để có được vườn bưởi xanh mượt mà trĩu quả như ngày hôm nay.
Trở lại những con đường len lỏi giữa những tàn cây mát rượi, nối liền 2 ấp Phù Ly 1, Phù Ly 2, xã Đông Bình, TX Bình Minh, lại chứng kiến những nét đổi thay tươi mới.
Ông Sơn Mỹ Duyên- Bí thư, Trưởng ấp Phù Ly 2, cho biết: Bây giờ bà con tập trung làm ăn dữ lắm, nên hôm nay vẫn còn ngoài đồng. Chiều về cả nhà sẽ tập trung dọn dẹp chuẩn bị mọi thứ. Không phải như hồi xưa mà vui chơi kéo dài qua nhiều ngày. Làm ăn khá giả lễ cúng ông bà mới càng vui.
Ông Sơn Mỹ Duyên chứng minh bằng những con số cụ thể: trong ấp có tới 127 người có trình độ ĐH, 400 người làm công nhân tại chỗ hoặc ở các tỉnh, thành xa, 700 lao động tự do.
Trong ấp giờ có nhiều người sản xuất giỏi, như: Thạch Thành Đức, Thạch Sơn Hiếu, Ché Thị Mỹ Hường… là những người canh tác từ 20 công lúa trở lên.
Bà con ấp Phù Ly 2 cũng rất nhanh nhạy chuyển đổi cây trồng, ngày trước con đường xuyên qua bạt ngàn những vườn cam sành, giờ đã được đa dạng hóa các loại cây trồng.
Đại đức Sơn Thắng- Sư phó chùa Phù Ly 2 thăm vườn bưởi do chùa tự canh tác hơn 25 năm nay. |
Cũng như kết hợp nhiều loại hình nuôi trồng ở từng hộ gia đình, như Sơn Kim Cương canh tác 11 công chanh không hạt; còn Lê Thành Lập thì kết hợp làm lúa với chăn nuôi 2.000 con vịt đẻ.
Ngay trong gia đình ông Sơn Mỹ Duyên, mấy năm trước canh tác toàn bộ mười mấy công cam sành, giờ thì đã chia nhỏ diện tích cho nhiều loại cây trồng, kết hợp chăn nuôi bò, dê, ếch…
Các con của ông đều đã lập gia đình xúm xít ở gần nhau, 3 người con trai làm nông, một người con gái làm giáo viên, ngày mai vào lễ tất cả con cháu sẽ tập hợp lại đón lễ Sel Dolta.
Con cháu làm ăn khá giả, thì mâm cúng càng tươm tất, không khí sum họp gia đình càng thêm ấm cúng, hạnh phúc, vui vầy.
Lo cho đời sống người dân ngày một nâng cao
Ở huyện Trà Ôn, các địa phương có đông người dân tộc Khmer đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để tất cả bà con đón lễ Sel Dolta vui tươi, đầm ấm.
Tại xã Tân Mỹ, chính quyền địa phương vừa phối hợp bàn giao đưa vào sử dụng 20 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer gặp khó khăn về nhà ở. Kinh phí xây dựng nhà do Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ mỗi căn 50 triệu đồng.
Năm nay, cùng với các hộ dân được bàn giao nhà, niềm vui của gia đình anh Thạch Huỳnh Thi (ngụ ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ) như được nhân đôi vì đón Sel Dolta trong ngôi nhà mới vừa xây dựng xong, với trên 120 triệu đồng.
Niềm mong ước có được ngôi nhà kiên cố nay đã thành hiện thực, cùng với hơn 100 gốc bưởi năm roi đang cho thu hoạch, bán được giá, giúp gia đình anh đón lễ Sel Dolta thêm phần sung túc hơn.
Ông Ngô Vĩnh Tuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, cho biết: “Xã Tân Mỹ đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong đồng bào dân tộc Khmer; vận động các phần quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo của đồng bào dân tộc Khmer; đặc biệt, nhân lễ Sel Dolta này phối hợp tổ chức bàn giao 20 căn nhà hỗ trợ 20 hộ người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Qua việc bàn giao, các hộ được nhận nhà rất là vui tươi và tiếp tục ổn định cuộc sống trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Trong thời gian tới, UBND xã Tân Mỹ sẽ tiếp tục rà soát vận động hỗ trợ, nhất là về nhà ở giúp các hộ đặc biệt là hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở của đồng bào dân tộc Khmer để các hộ có ngôi nhà an cư lạc nghiệp, phát triển cuộc sống nhằm góp phần công tác giảm nghèo ở địa phương”.
Cũng tại xã Tân Mỹ, lễ Sel Dolta năm nay, người dân ở 2 ấp Gia Kiết, Mỹ Thuận vui mừng, phấn khởi vì cây cầu mới bằng bê tông cốt thép thay thế cây cầu cũ vừa được đưa vào sử dụng.
Lễ khánh thành cầu và tặng quà hỗ trợ bà con ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. |
Cầu dài 18m, ngang 3m, tải trọng 1 tấn, trị giá xây dựng 140 triệu đồng, do gia đình phật tử Phúc Trí tài trợ thông qua sự phát tâm của Sư cô Thích nữ Đức Quang- Trụ trì chùa Thiên Phước, Khu 5, TT Trà Ôn.
Có được cây cầu mới kiên cố, vững chắc cùng với tuyến đường đan mới do Nhà nước đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, giao thông đi lại ở địa phương thuận tiện hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc.
Một mùa Sel Dolta nữa lại về với nhiều niềm vui mới. Sel Dolta năm nay, huyện Trà Ôn còn tổ chức nhiều đoàn đến thăm các chùa Khmer, tặng quà gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với ban quản trị các chùa tổ chức họp mặt và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đón lễ.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin