Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong những vần thơ mãi nhớ

05:54, 15/10/2024

(VLO) 60 năm trước đây, vào ngày 15/10/1964, người chiến sĩ quân báo Nguyễn Văn Trỗi đã lẫm liệt hy sinh trên trường bắn Chí Hòa. Tấm gương hy sinh anh dũng đó đã gây xúc động lớn cho mỗi một người Việt Nam yêu nước và cả bạn bè quốc tế có tình cảm với cuộc kháng chiến của Nhân dân ta.

Những phút cuối cùng oanh liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường Khám Chí Hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Những phút cuối cùng oanh liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường Khám Chí Hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Hình ảnh cao đẹp đầy dũng khí của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ngay lập tức đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho lớp lớp văn nghệ sĩ ngợi ca trong tất cả các loại hình nghệ thuật- trong đó có những vần thơ đầy dấu ấn.

Có lẽ bài thơ đầu tiên ngợi ca khí tiết của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đó chính là bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu. Vâng chỉ hơn 1 tuần sau ngày anh Trỗi hy sinh, ngày 23/10/1964, trong sự xúc động đặc biệt, nhà thơ Tố Hữu- ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng, đã rút sợi tơ lòng, nhả hồn vào con chữ hoàn thành tác phẩm thơ có sức sống đi cùng năm tháng:

“Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người từ chân lý sinh ra!/ Nguyễn Văn Trỗi!/ Anh đã chết rồi/ Anh còn sống mãi/ Chết như sống, anh hùng, vĩ đại/ Hỡi người anh, đã khép chặt đôi môi/ Tiếng anh hô: Hãy nhớ lấy lời tôi!/ Đang vang dội. Và ánh đôi mắt sáng/ Của anh đã chói ngời trên báo Đảng…”.

60 năm đã trôi qua, nhưng những phút giây trên pháp trường của anh Trỗi như vẫn còn hiển hiện trước mắt ta. Còn đó mãi trong ta là hình ảnh của anh, ý chí như được tôi luyện bằng thép của anh và những lời nói bất diệt trước khi hy sinh của anh vẫn hằn in, ngân vang mãi trong tim bao thế hệ những người con dân đất Việt:

“Hãy nhớ lấy lời tôi! Nguyễn Văn Trỗi/ Lời anh dặn, chúng tôi xin nhớ: Hãy sống chết quang vinh/ Trước kẻ thù không sợ/ Vì Tổ quốc hy sinh/ Như lời anh, người thợ”…

2 tháng sau ngày anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, thầy giáo Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) rời giảng đường lên đường trở về Nam để trực tiếp tham gia chiến đấu. Từ khi đặt chân lên chiến trường Nam Bộ, Lê Anh Xuân đã có ý tưởng viết một tác phẩm dài hơi về người anh hùng liệt sĩ này.

Vừa dựa theo tập nhật ký “Sống như anh”, vừa trực tiếp gặp chị Quyên (vợ anh Trỗi) và chị Châu ở căn cứ Lãng Bạc (mật danh của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam) để có thêm nguồn tư liệu sống động, chân thực, nhà thơ đã thai nghén và cho ra đời đứa con tinh thần của mình- Trường ca Nguyễn Văn Trỗi- một bản anh hùng ca ca ngợi người anh hùng hy sinh trên trường bắn ở Chí Hòa, ca ngợi tập thể những người chiến sĩ trong nhà tù, ca ngợi tinh thần cách mạng của Nhân dân TP Sài Gòn... Trường ca đã dành cho người anh hùng liệt sĩ “có cái chết hóa thành bất tử” đó những vần thơ thật đẹp:

“Khi anh gọi Bác ba lần/ Lòng anh như thấy được gần Bác thêm/ Anh chưa được tận mắt nhìn/ Nhưng hình ảnh Bác trong tim vẫn ngời/ “Cháu yêu Bác lắm, Bác ơi!/ Những năm kháng chiến từ hồi còn thơ/ Trung thu gặp Bác trong mơ/ Kính yêu cháu hát: “Bác Hồ Chí Minh”.../ Giờ đây trước phút tử hình/ Cháu như thấy Bác đang nhìn cháu đây/ Bác hôn cháu, Bác cầm tay/ Cháu hôn lại Bác sáng nay ba lần/ Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!/ Triệu người đáp lại ầm ầm bốn phương/ Tiếng hô gặp núi, núi vang/ Gặp sông, sông hát, gặp rừng, rừng ca/ Bác Hồ khi hiện vào ta/ Như tên bật ná, thác sa khỏi ghềnh/ Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh!/ Đã thành vũ khí, đã thành niềm tin/ Đã thành lời hứa thiêng liêng/ Lửa thiêu chẳng cháy, đá nghiền chẳng tan…”.

Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, nhưng dáng đứng của anh trên trường bắn thì như đã đóng đinh lên tấm ván thời gian, đóng đinh vào trong trang thơ Lê Anh Xuân:

“Như anh đứng đấy trẻ tươi/ Tạc hình thế kỷ muôn đời không tan”…

Chế Lan Viên- một nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới, người góp phần đưa nền thơ dân tộc lên đỉnh cao. Ông đã đem đến sự hài hòa cho Thơ mới và cho tiến trình thơ Việt từ 1945 đến nay. Sau ngày anh Trỗi hy sinh, trong tháng kỷ niệm 4 năm ngày mất của anh Trỗi, nhà thơ Chế Lan Viên đã cho ra đời chùm thơ tuyệt hay về anh Trỗi.

Mỗi bài thơ như một lát cắt giúp ta hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn về người thợ điện anh hùng. Mở đầu chuỗi bài thơ đó là những vần thơ đầy trăn trở về chiếc nhẫn cưới của anh Trỗi- một chiếc nhẫn cưới ở cái thời “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”: “Chiếc nhẫn trên tay anh Trỗi/ Không sống đời bình yên những chiếc nhẫn thường/ Không ở lâu cùng anh được in một dấu hằn/ Một ngấn hạnh phúc trên tay, dù ngắn vội/ Ra đi đổi lấy một dây bom ở dưới chân cầu/ Chiếc nhẫn bây giờ đâu bây giờ đâu/ Chưa ai tìm lại được/ Nhưng sau nó, từ nay trên cả nước/ Không một chiếc nhẫn nào/ Lại yên tâm sống cuộc đời như trước”.

Anh Trỗi hy sinh trước những họng súng của quân thù và “Máu tim anh nhuộm đỏ đất anh nằm”; “Nhưng mẹ ơi, ơi Quyên đừng khóc vội/ Phút xa ta Trỗi rất tươi cười/ Vẫy vẫy đôi tay gọi người thân cả nước/ Và đáng lẽ gọi “mẹ ơi”, “Quyên ơi”, anh đã gọi đời, gọi Bác/ Gọi tiếng gọi muôn lần thắm thiết “Việt Nam ơi!”.

Thật cao đẹp biết bao tấm gương người thợ điện- một con người mà “Trước khi máu ngấm im vào đất mẹ/ Đã cất lời lên hát một tiếng vô cùng/ Cái chết khiến người này cao lên, kẻ kia hèn mạt xuống/ Anh đã chết ngang tầm khi anh sống/ Anh đi rồi. Đời ở thế tấn công”.

Hỡi những con người hôm nay đang sống một kiếp người đốn mạt, quên đi mình là ai mà sống như những loài cầm thú gặm nhấm, bòn rút của công, vơ vét cho riêng mình.

Hãy xin đọc lại và suy ngẫm những vần thơ về anh Trỗi: “Vượt qua máu mình, Trỗi nhìn thấy chúng ta/ Vượt lên đầu bọn đao phủ hành hình, anh nhìn thấy hết/ Cái nhìn xuyên thẳng ấy bọn giết người không thể giết/ Nó thành lời thành ánh sáng ta ca/…/ “Hãy nhớ lấy lời tôi!”/ Nếu ta không quên mà đưa chân lý vào lòng/ Thì anh Trỗi đâu cần nhắc nữa…”.

Mãi mãi muôn đời anh Trỗi là kết tinh của sự sống, là hình tượng đẹp vô cùng để bao thế hệ noi gương… Mãi mãi “Anh là chất bột, chất rau tươi/ Câu Kiều, suối trong, ánh sáng của đời/ Ở đâu con chim đập vỏ trứng mà kêu chiêm chiếp/ Hạt nảy mầm, cái vỏ tách thành đôi/ “Hồ Chí Minh muôn năm”/ “Việt Nam muôn năm”/ Chỗ anh hô đạn dứt nửa chừng, tiếng nối theo lại nối cao trên đất Pháp/ Bị giết tại Sài Gòn, Trỗi tái sinh trên đường phố La Havan/ Xa muôn dặm Trỗi nhìn về Tổ quốc/ Hướng chân trời chân lý Việt Nam”. 

Đọc thơ Chế Lan Viên, nhiều lúc tôi cảm thấy người như lên cơn sốt và chợt nghĩ rằng, ta sẽ sống tốt hơn, nhân văn hơn, đầy chất “Người” hơn khi siêng đọc những tiếng thơ như những tiếng lòng này: “Khi anh Trỗi hô tên Người trước giặc/ Danh hiệu yêu thương làm giặc kinh hồn/ Bác là suối trong- lại là chất thép/ Là lửa ấm sinh thành... và hủy diệt/ Nếu sinh ra, không có lũ côn đồ/ Chắc Bác đã yên lòng viết sử, làm thơ” (Nếu quên thanh gươm ta chẳng hiểu Người”…

Rồi còn đó một nhà thơ khá đặc biệt và cá biệt, một nhà thơ luôn đóng đinh thơ mình lên tấm ván cuộc đời- nhà thơ Phùng Quán.

Ông cũng có những vần thơ về anh Trỗi với giọng thơ không hề trộn lẫn- giọng thơ “rất Phùng Quán”: “Ơi cô ơi bác/ Ơi chị ơi anh/ Ơi trái dừa xanh/ Ơi con chim trắng/ Ơi Ba Vì nắng/ Ơi Cửu Long mưa/…/ Ơi nhạc, ơi thơ/ Ơi… ơi… ơi… ơi/ Ai muốn tìm chi/ Thì tôi xin chỉ/ Ai muốn tìm đất/ Lên miền khai hoang/ Tìm chí không sờn/ Thì lên Việt Bắc/ Tìm rừng chôn giặc/ Thì vào Tây Nguyên/…/ Tìm trăng kháng chiến/ Thì vào miền Nam/ Tìm người kiên trung/ Gan vàng dạ sắt/ Mười họng súng giặc/ Chĩa thẳng vào tim/ Vẫn lấy niềm tin/ Làm gươm chém trả/ Lấy mắt làm lửa/ Tiếng nói làm cờ/ Tấn công kẻ thù/ Thì tìm anh Trỗi/ Ơi ai muốn tìm/ Một người Việt Nam/…/ Vì yêu sâu sắc/ Vì thù nấu nung/ Đau nỗi Nhân dân/ Sống thì xả thân/ Chết thì chiếu sáng/ Thì tìm anh Trỗi!...”.

Có rất nhiều những vần thơ viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có những vần thơ viết bằng máu của một người công nhân ở Hải Phòng nhân 2 năm ngày anh Trỗi hy sinh (10/1966): “… Tôi viết bài thơ mặc niệm anh/ Ngày này năm ấy giữa Sài thành/ Anh hiến tuổi xuân cho Tổ quốc/ Đem đổi thịt xương lấy hòa bình/…/ Kẻ thù nghe tên anh từ đấy/ Một người con đất Việt anh hùng/ Giữa súng gươm vẫn hô vang dậy/ Đạn nổ rồi còn gọi: “Bác muôn năm”/…/ Cả nước nhớ tên người liệt sĩ/ Đã gây nên chấn động địa cầu/ Máu của anh, của người đồng chí/ Viết tiếp vào trang sử đời sau” (Lê Nhân Liên- Viết về anh bằng máu của tôi).

NGUYỄN THỊ THỌ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh