Tản văn: Đường học thênh thang

18:04, 06/10/2024

(VLO) Hiền Minh nhắn cô giáo xin thêm một buổi học nữa cho bé Châu Bảo vì rằng thời gian ở nhà, Châu Bảo sẽ không có gì làm ngoài việc chơi trên laptop. Cô giáo nhớ nhanh lịch công việc rồi chọn giờ học.

 Thực tế là cô có thể từ chối ai nhưng không từ chối được Hiền Minh- một người mẹ trẻ làm chủ cửa hàng cùng chồng.

Hiền Minh vừa xông pha thương trường lại vừa trực tiếp làm nội trợ vì An Bảo là trẻ đặc biệt và Minh Bảo còn quá nhỏ. Hiền Minh dồn kỳ vọng vào Châu Bảo nhưng thời gian thì lại dành gần như trọn vẹn cho An Bảo và Minh Bảo.

Châu Bảo ngồi đối diện với cô giáo. Ở tuổi 13, vẻ đẹp của một bé gái đã được định hình. Châu Bảo có dáng mảnh mai, nét mặt thanh tú và đôi mắt buồn sâu thẳm. Bé ngồi nơi bàn học, ngoan ngoãn thực hiện những yêu cầu của cô trong im lặng.

Cô giáo chỉ nhận dạy các bé đọc sách. Hôm nay, cô cho Châu Bảo đọc một chút về vụ đắm tàu Titanic. Bé đọc xong thì ngồi đó, chờ cô. Bé không có một động thái nào muốn nói gì về những điều vừa được đọc.

- Con thấy hay không?

- Dạ hay!

- Hay chỗ nào?

- Con không biết.

Cô nghĩ ngợi rồi hỏi rằng việc đến nhà cô học có phải là mong muốn của con không. Châu Bảo trả lời không. Mẹ con muốn vậy. Vậy sau khi đọc xong một câu chuyện hay như hôm nay, con có muốn được tiếp tục được đọc những điều hay như thế này nữa không. Châu Bảo nói dạ không.

Cô bồi hồi. Bên ngoài trời mưa lất phất. Mùa nước nổi lại về trên cái xứ mà bao đời vẫn được gọi là đất học. Cứ đến mùa nước, nhìn cảnh bao nhiêu bạn nhỏ bất chấp con nước mà đến trường, các cha mẹ bất chấp gió mưa rong ruổi đưa con đi học, cô vững dạ. Bao phận người bình đẳng trước gió mưa.

Bao phận người bình đẳng trước con chữ. Không ai tránh được gió mưa cũng như không ai muốn trưởng thành, muốn hiểu biết mà không học dù việc học hiểu theo bất cứ phạm vi nào.

Cô cho dừng việc đọc để trò chuyện với Châu Bảo. Bé nói cười huyên thuyên, hỏi cô xin báo cũ để làm mỹ thuật, kể cho cô nghe việc một bạn trong trường thiếu nợ nhiều tiền, một vụ đánh nhau vừa xảy ra.

Bé kể hồn nhiên đến mức cô thấy các vấn nạn xã hội chỉ là một cuộc chơi. Chắc cũng bởi cái kiểu nhẹ này mà con người vơi dần những trăn trở trước những nguy cơ mất mát giá trị.

Cô nhớ ngày xưa, để chị em cô lo học, cha ngày nào cũng nói ráng mà học để sau này sướng tấm thân. Vậy lẽ nào ai đã sướng tấm thân rồi thì khỏi cần lo học? Hiền Minh kỳ vọng Châu Bảo học giỏi, biết vẽ tranh, chơi đàn để cuộc đời con nhiều màu sắc.

Cạn cùng thì cũng là muốn đời con tươi sáng. Hiền Minh không bao giờ nghĩ tới chuyện một đứa trẻ học giỏi, vẽ đẹp, đàn hay lại có thể chẳng xúc động gì trước những chuyển động của cuộc đời.

Cô giáo nhớ lại buổi gặp với nhà khoa học Trịnh Quang Dũng- thầy là con cháu Chúa Trịnh ngày xưa. Thầy bàn nhiều về sự học. Cô giáo nhận ra nhiều điều căn cốt.

Hãy cứ làm cho trẻ ham học, ham hiểu biết, thấy chữ muốn đọc, thấy người muốn hỏi, thấy việc muốn làm, thấy những gì mơ hồ muốn khám phá. Đó là cái cốt của sự học, cái cốt của một tâm hồn ham học. Một khi có được một tâm hồn ham học rồi thì mọi nỗ lực ngăn cản trẻ đến với thành công đều bất khả.

Dần dần, Châu Bảo đã biết hỏi cô hoa khế như thế nào, hoa sấu ra làm sao, biết hỏi vị tha là gì, tình yêu là gì, tại sao một tỷ phú giàu thứ hai thế giới lại sẵn sàng nhường một người phụ nữ nông dân bình thường lên tàu cứu hộ khi tàu Titanic bắt đầu chìm.

Đó chính là sự khác biệt giữa những tâm hồn trong sự học. Khi việc học gắn với việc phát triển tâm hồn, người học biết hướng đến một cuộc sống đẹp. Còn khi việc học gắn với nhu cầu để được thành công sung sướng, người học sẽ hưởng thụ. Mọi con đường đi đến sự hưởng thụ đều cản trở việc rèn tâm.

Năm nay nước lên nhiều. Nhìn nước lên, người ta tưởng rằng đồng bằng đang được tưới tắm. Nhưng thực tế là nước vẫn lên mà phù sa thì ít dần vì những con đập, những bờ bao. Sự học cũng vậy, người người vẫn đi học đó nhưng bên trong sẽ nghèo nếu học chỉ để sướng thân.

HUỲNH NHỊ (Long Hồ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh