(VLO) Dù trong hoàn cảnh, thế cuộc nào đi nữa, thì hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn hiện lên trong thơ ca nhạc họa.
Là nguồn cảm hứng, là đề tài vô tận của văn nghệ sĩ trong sáng tác, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Với những phẩm chất cao quý như tám chữ vàng của Bác Hồ tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Thiếu nữ.Tranh: ĐẶNG CAN (TP Vĩnh Long) |
Người phụ nữ dù xuất hiện trong thơ của một chính trị gia, hay trong một ngòi bút của người nghệ sĩ- chiến sĩ hoặc bằng cảm xúc của một người “điên”… vẫn toát lên vẻ đẹp “bất tử” của người phụ nữ.
Cho dù trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, trong hòa bình xây dựng hay bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, họ vẫn xuất hiện trong tư thế người mẹ kiên trung sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ đàn con, là người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó lo chồng, nuôi con và ngay cả khi họ chưa thuộc về ai đi nữa… thì thơ ca vẫn dành cho phụ nữ những tình cảm trân quý như dành cho một người yêu mà mình trộm nhớ thầm thương.
Người mẹ trong bài thơ “Bà má Hậu Giang” của nhà thơ Tố Hữu là một hình mẫu khá tiêu biểu cho người phụ nữ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp với sự hội tụ của nhiều phẩm chất cao quý: tần tảo việc nhà, kiên trung bảo vệ cách mạng, dũng cảm, gan góc trước quân thù:
…Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây…
…Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!…
(Bà má Hậu Giang- thơ Tố Hữu)
Đối với những người thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lược họ cầm súng lên đường bảo vệ quê hương, khi hòa bình lập lại cũng là lúc họ nghĩ đến hạnh phúc gia đình, một mái nhà có chồng có vợ và con. Và sau những năm chung sống bên nhau, đã đúc rút những cảm xúc chân thành về người hiền nội của mình:
… Xin nhân danh một thằng đàn ông
Tôi quỳ xuống giữa làng
Để nói mà không sợ mất lòng
Ngoài những điều biết ơn
Còn phải biết ơn cả vợ…
(Hãy làm người biết ơn- thơ Trúc Phương)
Và ngay cả một nhà thơ “điên điên, tỉnh tỉnh” như nhà thơ Bùi Giáng, thì dù cho trong khối óc ngổn ngang trăm mối, đau đớn dằn xé tột cùng, thì ông vẫn dành bút lực để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ:
…Em nõn nà đẹp như thiên tiên từng đẹp
Em tươi xinh như vạn thuở xuân xanh
Anh không dám nhìn em trong chớp mắt
Vì điêu linh là mộng tưởng không thành.
(Chào em vô tận- thơ Bùi Giáng)
Chỉ bấy nhiêu đó chắc chắn là chưa đủ, nhưng nếu càng viết thêm, càng kể thêm ra thì lại thiếu, rất thiếu… so với những gì mà thơ ca đã dành cho phụ nữ.
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 xin mạn phép viết đôi dòng, để nhắc và nhớ về chị em phụ nữ- những người mẹ yêu kính, người vợ chịu thương chịu khó, mà người đời thường gọi là hậu phương vững chắc.
Nhắc để mỗi ngày cảm thấy thật hạnh phúc khi trở về bên mái ấm gia đình. Nhắc để vươn lên dù cho trên đường đời có lắm chông gai thậm chí “thất trận” gục ngã não nề… thì gia đình vẫn luôn là tổ ấm. Và người phụ nữ luôn là bến đợi để cùng san sẻ nỗi riêng chung!
ANH TIẾN (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin