Kỷ niệm 70 năm tiếp quản thủ đô (10/10/1954-10/10/2024): Nhớ ngày về lịch sử năm 1954

06:22, 06/10/2024

(VLO) Chia sẻ những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Trung tướng Phạm Hồng Cư- nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nói: “Với tất cả mọi người đó là ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng đối với chúng tôi thì đó là ngày về lịch sử”.

Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca Vũ Huy Hậu qua cầu Đuống về Hà Nội ngày 8/10/1954. Ảnh tư liệu
Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca Vũ Huy Hậu qua cầu Đuống về Hà Nội ngày 8/10/1954. Ảnh tư liệu

Thế hệ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” bảo vệ Thủ đô Hà Nội, đã thực hiện thành công cuộc rút lui thần kỳ bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài.

Ra khỏi Thủ đô, trong tâm tưởng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn da diết một nỗi nhớ Hà Nội khôn nguôi.

“Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu

Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội…

…Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng...”

(Chính Hữu)

Thế rồi đến năm 1954, ngày 10/10, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình của Đại đoàn Quân tiên phong 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Ngày Giải phóng Thủ đô đã diễn ra như ngày hội. Không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ để “làm một Điện Biên” và “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến kết quả giải phóng miền Bắc và giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Ngày 8/10/1954, đúng 80 ngày sau khi ký kết Hiệp định Genève (20/7/1954), Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng.

Một đoàn cán bộ dân chính hơn 200 người do đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu đã vào Hà Nội ngày 2/10/1954. Ngày 8/10/1954, quân viễn chinh Pháp làm lễ hạ cờ. Ngày 9/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội.

Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đấy. Đến 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên. Ngày 10/10/1954, đại quân ta tiến vào trong sự đón tiếp tưng bừng của Nhân dân Hà Nội.

Tiểu đoàn chọn 215 người, trong số hơn 400 cán bộ chiến sĩ, chia làm 35 tổ vào tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Mỗi tổ có ít nhất 3 người, riêng 2 tổ vào tiếp quản nhà máy nước và nhà máy điện, mỗi tổ 13 người do đại đội trưởng và chính trị viên đại đội chủ công 261 chỉ huy.

Ngoài công tác bảo vệ, anh em ta còn chủ động tiếp xúc tuyên truyền địch vận dưới nhiều hình thức như cắm hoa đầu súng để tỏ thiện chí hòa bình, xem ảnh vợ con lính Pháp rồi ra hiệu nên về nước. Đồng chí nào biết tiếng Pháp thì nói: “Paix! Rapatriement!” (Hòa bình! Hồi hương!).

Quân địch sợ nhất lúc chiến sĩ ta hát: “Bao chiến sĩ anh hùng...”, “Vì Nhân dân quên mình”. Viên sĩ quan Pháp đề nghị với anh Hậu: “Chỉ còn 2 ngày nữa là Hà Nội thuộc về các ông. Xin các ông đừng hát”.

Nhân dân phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.Ảnh tư liệu
Nhân dân phất cờ, tung hoa, reo mừng, chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.Ảnh tư liệu

2 ngày cùng canh gác chung với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ nguyên vẹn 35 địa điểm an toàn. 2 ngày căng thẳng và có bộ phận bị đói, nhưng Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tiễn” quân Pháp đi, đón Đại đoàn vào giải phóng Thủ đô.

Cuộc sống bình thường của Hà Nội vẫn giữ vững: Xe điện vẫn leng keng, nước vẫn chảy, điện vẫn sáng trong mỗi gia đình... Đó là chiến công của các cơ sở cách mạng trong lòng Hà Nội và của các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca.

5 giờ sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà thờ mở cửa chào đón ngày mới, ngày Giải phóng Thủ đô. Phố xá trang điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, trang trí thêm cổng chào. Mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về.

8 giờ sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong lòng Nhân dân Hà Nội giữa một rừng cờ hoa trong sự đón mừng nồng nhiệt của
đồng bào.

Anh hùng Nguyễn Quốc Trị- Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Từ phía Nam một đội hình bộ binh khác gồm Trung đoàn Tu Vũ và Đại đoàn do Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ chỉ huy từ Việt Nam Học xá lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy.

Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Hơn 100 xe Molotova nước sơn màu lá mạ còn mới tinh khôi, cánh cửa in phù hiệu sao vàng trên nền đỏ, nối đuôi nhau tiến vào nội thành. Trên xe, các chiến sĩ ngồi ngay ngắn, súng dựa trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng.

Dẫn đầu đội hình cơ giới là một đoàn xe com-măng-ca mui trần. Trên xe đầu tiên, Tướng Vương Thừa Vũ- Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố, giơ tay chào đồng bào. Tiếp theo đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng- Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn là Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh.

Sau đoàn Molotova chở bộ binh là đội hình pháo binh. Những khẩu đội pháo cao xạ nòng súng vươn thẳng trời cao với các chiến sĩ ngồi nghiêm trang trên mâm pháo.

Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười ánh mắt, tay vẫy, những giọt lệ.

BÌNH NGUYÊN (sưu khảo)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh