(VLO) Đối với người Khmer, Phật giáo được xem là tôn giáo chính. Nhiều ngôi chùa Phật giáo được người Khmer ở Vĩnh Long xây dựng thờ đức Phật Thích Ca. Nhưng trước khi Phật giáo trở thành tôn giáo chính của người Khmer, lịch sử tôn giáo của đồng bào Khmer từng ghi nhận có sự tồn tại và phát triển của Bà La Môn giáo từ những thế kỷ đầu công nguyên.
Hình tượng lá bồ đề được tạo tác trên đỉnh nóc sala chùa Cũ, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn. |
Tuy đạo Bà La Môn ngày nay đã lùi sâu vào lịch sử, nhưng hệ thống giá trị về văn hóa tôn giáo Bà La Môn vẫn còn in dấu đậm nét ở khắp vùng người Khmer cư trú, ẩn tàng trong tín ngưỡng dân gian và được khắc họa thành nhiều biểu tượng khác nhau trong các ngôi chùa Phật giáo của đồng bào Khmer như hình tượng liên quan đến thực vật, động vật, các hình tượng về linh vật và hình tượng nhiên thần.
Những biểu tượng này vừa có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, vừa đại diện cho niềm tin tín ngưỡng của người Khmer. Lá bồ đề là một biểu tượng điển hình như vậy.
Nghiên cứu từ các tài liệu cho thấy, đức Phật Thích Ca đắc đạo dưới cội bồ đề, nên ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy hình tượng lá bồ đề được nghệ nhân, thợ xây dựng sử dụng dùng làm hình tượng trang trí trên một số công trình kiến trúc của chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Vĩnh Long.
Cụ thể như lá bồ đề được đắp nổi ở hai bên cổng chùa Phù Ly 1, thuộc xã Đông Bình, TX Bình Minh. Còn đối với chùa Kỳ Son, huyện Tam Bình, cổng của chùa được tạo tác bằng hai bức tường; cả mặt trước và mặt bên trong đều được các kiến trúc sư tạo không gian trống như cánh cổng tam quan, trên mỗi cánh cổng có trang trí phân nửa vòng tròn cách điệu như chiếc lá bồ đề với màu đỏ chủ đạo.
Không những được tạo tác ở những hạng mục cổng chùa, hình tượng lá bồ đề còn được nghệ nhân trang trí phổ biến xung quanh cổng chánh điện và trên các công trình sala, với nhiều sự khác biệt, tạo nên sự đa dạng, phong phú về nghệ thuật, thẩm mỹ.
Đơn cử như nóc sala chùa Cũ, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, hình tượng lá bồ đề được tạo tác thành biểu tượng chính của sala, ngay trên đầu nóc cửa chính ra vào sala. Biểu tượng lá bồ đề được đúc thành 3 khối lớn.
Hình tượng lá bồ đề ở vị trí trung tâm lớn hơn hình tượng lá bồ đề hai bên, viền lá bồ đề trung tâm được trang trí thân rồng uốn lượn, tạo thành hình tam giác, bên trong có đắp nổi hình tượng đức Phật Thích Ca với tư thế đứng phổ độ chúng sinh.
Lá bồ đề hai bên nhỏ hơn, bên trong lá bồ đề là hình tượng nữ thần trong tư thế ngồi chắp tay, hầu cận đức Phật Thích Ca.
Biểu tượng lá bồ đề được điêu khắc trên cổng của chùa Kỳ Son, huyện Tam Bình. |
Đối với sala chùa Phù Ly 1, xã Đông Bình, TX Bình Minh, nóc cổng sala được trang trí màu sắc sặc sỡ hơn. Đỉnh nóc được đắp nổi 2 con rồng hai bên, đầu hướng về hai phía Bắc, Nam.
Hai thân và đuôi rồng cong lên tạo thành hình lá bồ đề cách điệu rất bắt mắt, mặt trong của lá bồ đề có đắp nổi hình dây lá giống những đám mây và tượng đức Phật Thích Ca trong tư thế đản sanh.
Cây bồ đề có tên khoa học là Ficus religiosa, được phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, có nghĩa là sự tỉnh thức, sự thông suốt đạo lý. Trước khi Phật giáo xuất hiện, cây bồ đề được coi là một loài cây thiêng liêng và người dân lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về nó.
Loài cây này tượng trưng cho học vấn, khả năng sinh sản, giác ngộ, và bảo vệ. Cây bồ đề đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ tôn giáo và vẫn được trồng ở một số nơi trên thế giới để mang lại may mắn và hạnh phúc.
Còn theo truyền thuyết Phật giáo, vào khoảng 500 năm trước công nguyên, Hoàng tử Gautama Siddhartha (Thích Ca Mâu Ni) đã đi khất thực và đã đến bờ sông Falgu (thuộc bang Bihar, phía Bắc Ấn Độ).
Tại đây, Ngài đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề suốt 3 ngày, 3 đêm và đã đạt được giác ngộ, thành chính quả. Cũng từ đó, cây bồ đề từ cây cổ thụ bình thường như bao cây cổ thụ khác trở thành biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo.
Cây bồ đề gắn liền với cuộc đời tu hành, đắc đạo của đức Phật Thích Ca. Đây cũng là nơi chứng tri cho thời gian đức Phật nhập niết bàn, do vậy cây bồ đề là biểu tượng thiêng liêng đối với phật tử chúng sinh, được người dân Khmer ở tỉnh Vĩnh Long mang vào trồng nhiều trong các chùa Phật giáo vừa tạo bóng mát khuôn viên chùa, vừa thể hiện nét thâm nghiêm chốn thiền môn, lá bồ đề được sử dụng làm hình tượng thờ tự, qua đó để mọi người thể hiện lòng tôn kính, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp đối với cuộc sống.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin