“Việt Nam- điểm đến mới của điện ảnh thế giới”

05:47, 17/09/2024

(VLO) Phát biểu tại buổi tọa đàm chủ đề “Việt Nam- điểm đến mới của điện ảnh thế giới”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, phân tích: “Hệ thống lại những điểm nhấn trong thể chế, kết quả về du lịch (DL) và sự kết hợp giữa điện ảnh- DL, có thể thấy đây là lĩnh vực có dư địa nếu biết cách khai thác. Cùng với đó, nếu truyền thông vào cuộc, hỗ trợ thêm, các “bước đi” sẽ bài bản, căn cơ, quảng bá hiệu quả DL Việt Nam”.

Hình ảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ảnh: Chụp màn hình
Hình ảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ảnh: Chụp màn hình

DL Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch. Năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt (vượt mục tiêu ban đầu 8 triệu lượt). Khách DL nội địa cả năm 2023 ước đạt 108 triệu lượt.

Tất cả đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chỉ tính trong 7 tháng của năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, khách nội địa đạt trên 95 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ DL, lữ hành đều tăng trưởng từ 4-5,6% ở nhiều địa phương.

DL Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, và vấn đề về thể chế đã được xác lập. Trong đó, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau khi có Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa nghị quyết này thông qua các công cụ pháp luật, chính sách.

Luật DL được ban hành và có hiệu lực vào năm 2018 đã làm cơ sở, động lực cho sự phát triển DL của Việt Nam. Đến nay, những nội dung cơ bản của Luật DL vẫn phù hợp với xu hướng phát triển, theo kịp với xu thế chung của thế giới.

Sau khi có luật, Chính phủ đã có chương trình hành động để thực hiện Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2030.

Bên cạnh đó, trong quá trình quảng bá, xúc tiến DL, cùng với quản trị điểm đến, tạo ra sản phẩm mới, ngành DL Việt Nam đã chủ động liên kết các ngành trong văn hóa; luôn xác định sản phẩm DL phải mang đậm sắc màu văn hóa.

Qua khảo sát, du khách quốc tế đều khẳng định họ đến Việt Nam để được trải nghiệm nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của Việt Nam. Điều đó cho thấy, những định hướng của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.

Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ cũng đã xác định điện ảnh, DL văn hóa là 2 ngành trọng tâm. Vì vậy, sự liên kết giữa 2 ngành là cầu nối thúc đẩy sự phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” quay tại Phú Yên đã giúp Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn khi bộ phim được phát hành. Bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” quay tại Ninh Bình cũng đã giúp nơi đây trở thành điểm đến thu hút du khách.

Ngoài ra, bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách đã đưa khán giả đến khám phá 5 địa điểm của Việt Nam. Nhiều khách DL quốc tế đã đến với Việt Nam sau khi theo dõi bộ phim.

Nhiều năm trước, sau những bộ phim “Đông Dương”, “Người tình”… đã tạo nên làn sóng khách DL đổ về miền Tây, chứng tỏ sức mạnh của hiệu ứng điện ảnh.

Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt 2 hình thái liên kết phát triển DL từ điện ảnh là “bên trong và bên ngoài”. Tức là những tác phẩm điện ảnh Việt Nam cần đủ sức đi ra nước ngoài, tạo thành nền công nghiệp điện ảnh như các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…

Lúc này, điện ảnh đóng vai trò như “đại sứ văn hóa, DL” giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa con người Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần tạo sức hút, tạo điều kiện để các tác phẩm kinh điển, “bom tấn” của thế giới có thể chọn Việt Nam làm cảnh quay chủ đạo của bộ phim, qua đó, sức lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.

Chỉ cần một bộ phim của nước ngoài quay tại Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người.

Chưa kể, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sắp được Quốc hội thông qua, trong đó có các dự án về trường quay hiện đại, đẳng cấp khu vực và quốc tế cũng là cách để Việt Nam giới thiệu và hợp tác với các nhà làm phim quốc tế trong sản xuất các bộ phim tại Việt Nam.

Theo đề nghị của một số chuyên gia, trong lúc chờ có trường quay hiện đại, chúng ta cần có giải pháp tận dụng “trường quay tự nhiên” mà các địa phương hiện nay đang có sẵn như: Hạ Long, Quảng Bình, Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Nội, ĐBSCL…

Vấn đề là chính quyền các địa phương cần sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ các nhà làm phim; có sự thống nhất về nhận thức để hành động nhất quán, mạnh dạn triển khai tổ chức thực hiện. Từ đó, xây dựng được các sản phẩm DL điện ảnh.

“Trong đó, việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về tiềm năng DL qua điện ảnh là một hướng đi của chúng ta. Nếu thực hiện bài bản, vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu thì chắc chắn công tác quảng bá, xúc tiến DL của chúng ta sẽ đạt được hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh