(VLO) Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin- Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-TT-DL) được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8 hàng năm là ngày truyền thống của ngành.
Thông qua việc đưa hát bội và các di tích vào tour du lịch, Vĩnh Long góp phần phát huy vai trò văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội. |
Ngay trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có bản Đề cương về Văn hóa (VH) Việt Nam (năm 1943), văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác VH, văn nghệ. Trong đó chỉ rõ “Mặt trận VH là 1 trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, VH)”.
Sau khi giành được chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đến tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị VH toàn quốc lần thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.
Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Bác Hồ đã đưa ra luận điểm: “VH phải soi đường cho quốc dân đi” khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của VH, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể nói, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với khẩu hiệu “VH hóa kháng chiến, kháng chiến hóa VH”, “xây dựng đời sống mới”, VH Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực, mang đến thắng lợi cho hai cuộc kháng chiến.
Chúng ta thấy rằng, dù trong bối cảnh đất nước đang phải tập trung cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Đảng đã rất quan tâm đến VH. Điều đó đã thể hiện VH có một vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, trong niềm vui và phấn khởi ấy, chúng ta cũng cần xem lại VH đã có những bước phát triển gì trong chặng đường 79 năm qua.
TS Nguyễn Viết Chức- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định: Đối với chặng đường cách mạng, chúng ta cũng đã rõ, khi nào VH được đề cao, được chú ý đúng mức thì bao giờ cũng có thành công lớn.
Có thể thấy, với quan điểm đúng đắn của Đảng đã dẫn dắt tiến trình cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và phải khẳng định VH cũng là một trong những yếu tố quyết định góp phần vào thắng lợi đó.
Đây cũng là một nhân tố khiến các nước đế quốc không thể hiểu được tại sao thất bại tại Việt Nam, mặc dù sức mạnh về quân sự, sức mạnh về kinh tế Việt Nam kém rất xa. Mãi về sau, họ mới nhận ra rằng, thua Việt Nam vì sức mạnh VH Việt Nam. Đó chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Còn cho đến giai đoạn hiện nay, VH đã có một chặng đường phát triển rất tuyệt vời, những người làm VH cũng như Nhân dân đã biết kế thừa một cách sáng tạo những truyền thống VH lâu đời của dân tộc ta.
Dân tộc Việt Nam dù trong giai đoạn nào cũng đã phát huy rất tốt tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái. Người dân Việt Nam chúng ta đều đoàn kết, chia sẻ với nhau khiến cho bạn bè quốc tế phải nể phục và ngưỡng mộ.
Cùng với đó, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cũng luôn được dân tộc Việt Nam phát huy, đối với những người có công với cách mạng, với đất nước, Đảng và Nhà nước, Nhân dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn.
VH Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã cho thấy những lĩnh vực then chốt của VH chuyển biến tích cực… VH đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, vị trí, vai trò của VH lại càng được khẳng định.
Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển VH trong thời kỳ mới. VH được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; VH phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trên một số lĩnh vực, VH vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển đất nước, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Rồi các vấn đề như: bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tệ nạn mại dâm, ma túy vẫn chưa được ngăn chặn triệt để trong thời gian qua. Những vấn đề đó sâu xa đều liên quan đến VH, chuẩn mực của con người.
Vậy cho nên, cái gốc của VH vẫn phải là xây dựng con người VH chuẩn mực trong thời kỳ mới. Xây dựng con người và phát triển VH cùng song hành, từ đó mới tạo sự phát triển xã hội một cách hài hòa, cân đối và bền vững.
Nếu như trước đây khi đất nước còn chiến tranh, VH được coi như một mặt trận xung kích, tham gia trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thì ngày nay, khi đất nước hòa bình, nhiệm vụ phát triển kinh tế được ưu tiên thì đòi hỏi VH phải phát huy vai trò của mình để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
VH cần có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa để thực sự trở thành mục tiêu và động lực phát triển xã hội. Đặc biệt những người làm VH phải tiếp nối và phát huy phẩm chất cách mạng của thế hệ đi trước, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, VH.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin