Truyện ngắn: Chuyến phà cuối ngày

06:41, 22/09/2024

(VLO) Chiều dần buông, những tia nắng yếu ớt cuối ngày không còn đủ sức nóng để làm sạm da người. Hàng quán hai bên đường dẫn xuống phà không còn nhộn nhịp. Nhất là từ khi bến phà An Bình phía TP Vĩnh Long được dời về bến tạm thuộc Xóm Chài. Vài mươi người đang tập trung tại bến phà về cù lao.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Họ tháo những vật dụng chống nắng bỏ vào trong cốp xe gọn gàng. Những đôi mắt đang cùng nhìn về phía đuôi cồn, nơi mà chiếc phà quen thuộc sẽ xuất hiện dần tiến vào phía bờ rước khách.

Con nước triều cường ngập cả cây cầu dẫn xuống phà. Ngọn bần xanh ngắt ven sông lắt lay theo chiều gió. Gió sông hiền hòa đùa mặt nước nhấp nhô, mang theo hơi mát của làn nước thổi vào người mát rượi.

Nhưng có lẽ rất ít người có mặt tại bến phà nhiệt tình đón nhận không khí mát lành này, dù có cũng chỉ là một thoáng qua, bởi vì họ đang nôn nóng trông chờ sự xuất hiện của chiếc phà cuối cùng từ phía bờ bên cù lao qua rước những hành khách cuối ngày.

Những người đang chờ đợi phà đa phần còn rất trẻ. Họ là những người vốn được sinh ra ở cù lao nhưng trưởng thành ở thành thị, một số ít kinh doanh mua bán, còn số đông là công nhân những khu công nghiệp.

Thỉnh thoảng họ mới về thăm quê. Có lẽ cuộc sống nhộn nhịp nơi thị thành cộng với tác phong công nghiệp đã khiến cho họ nhìn mọi sinh hoạt ở miền sông nước quá ư là chậm chạp.

Một chiếc ghe to di chuyển trên sông cùng với tiếng động cơ vọng ra khá lớn nhưng vẫn không đi nhanh bằng tốc độ của chiếc xe máy di chuyển trên đường bộ; một chiếc xuồng chèo thì làm sao mau hơn chiếc xe đạp; và một chiếc phà to bự sao nhanh bằng chiếc ô tô. Họ càng so sánh càng lộ vẻ ngao ngán, chữ “nhẫn” có lẽ không dành cho họ (ít nhất là trong trường hợp này).

Cái điện thoại thông minh thường trực trên tay cũng không giúp họ quên đi thời gian chờ đợi, chốc chốc mắt họ rời màn hình ngước nhìn về phía rặng bần xanh trông ngóng, rồi lại nhanh chóng nhìn vào màn hình điện thoại, kèm theo những tiếng phàn nàn:

- Sao lâu quá rồi mà hổng thấy phà trở qua vậy?

- Có khi nào phà hổng qua luôn hôn?

- Còn một chuyến cuối nữa mà, bà con yên tâm đi!

Giọng nói của chị bán nước mía rõ to, như cố ý để trấn an mọi người. Chị bán thường xuyên ở đây, giờ giấc hoạt động của phà chị đều nắm rõ.

Nhưng giao thông đường sông cũng giống như đường bộ, có đôi khi ngoại lệ mà người tham gia giao thông không lường trước được.

Đó là những khi thời tiết xấu, giông bão hoặc những mùa nước chảy xiết sẽ làm hạn chế tốc độ của phà. Đôi khi hành khách ít quá, phà cũng chậm lại chưa rời bến để chờ thêm vài người nữa “cho đủ tiền dầu”.

Những lời giải thích có phần biện hộ cho sự chậm trễ chiếc phà cuối ngày của chị bán nước mía có tác dụng tích cực, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, điều lo lắng không còn phà đưa qua sông đã được giải tỏa, chuyện còn lại là chờ phà tới sớm hay muộn mà thôi.

- Bà Hai vô đây ngồi ghế chờ phà, có ghế dựa cho đỡ đau lưng bà ơi.

Nghe lời mời của chị bán nước mía, nhiều ánh nhìn đổ dồn về “bà Hai”, một bà lão độ tuổi hơn tám mươi, trông rất điềm đạm, từ tốn. Bà mặc chiếc áo ấm bằng len, đội chiếc khăn màu bã trầu, ôm một cái giỏ trông gọn nhẹ.

Điều làm cho mọi người ái ngại đó là bà chỉ đi một mình mà không thấy một người trẻ nào đi bên cạnh. Trái hẳn với bọn trẻ đang nôn nóng chờ phà, bà không bộc lộ một chút gì sốt ruột, mặc cho mặt trời đã tắt nắng và khuất hẳn sau đường chân trời tự khi nào.

- Cảm ơn con, bà đứng đợi được rồi!- Bà vừa trả lời vừa mỉm cười.

- Ghế trống bà cứ ngồi, con đâu tính tiền mà bà sợ.

Vừa nói, chị bán nước mía vừa bước tới nắm tay bà Hai dìu vào khu vực bán nước mía của chị, tay kia chị vịn một chiếc ghế trống rồi ấn nhẹ bà Hai ngồi xuống, bộ dạng xởi lởi nhiệt tình của chị làm cho bà Hai bớt ngại ngùng. Giờ này thi thoảng mới có người kêu nước mía, chị cũng rảnh rỗi nên ngồi xuống trò chuyện với bà. Chị thắc mắc:

- Con, cháu bà đâu sao bà đi có một mình vậy?

Bà chống chế, con cháu thương bà lắm chứ hổng có bỏ, tại bà tự dưng nhớ quê quá nên đòi về. Tụi nó bận lắm, kêu đợi chủ nhật sẽ đưa về, nhưng bà không đợi được, con gái đưa về đến đây, rồi con trai chút nữa theo phà qua đón bà.

Con gái bà cũng đợi anh nó qua rước bà rồi mới chịu quay trở về, nhưng mà thấy mặt trời lặn rồi nên bà kêu con gái về đi, anh nó cũng qua tới bây giờ.

Chị bán nước mía thở phào:

- Phải vậy chứ, bà lớn tuổi rồi qua sông, qua phà một mình sao được.

- Dân cù lao mà cô, sợ gì sông nước.

Thấy bà hiền từ, dễ mến, chị bán nước mía cùng ngồi trò chuyện với bà cho bà quên thời gian chờ phà.

Bà kể, cù lao là nơi bà sống từ nhỏ, nhưng không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Thời chiến tranh, bà không được ở trong một cái nhà đúng nghĩa bởi vì nhà bà có đến mấy lần bị Tây đốt.

Mỗi lần đốt xong, Tây rút đi, vài hôm thấy yên ắng thì ba má bà dắt díu đàn con về cất lại cái chòi tạm che nắng, che mưa.

Nhiều lần như vậy, bước ngoặt đưa đến quyết định gia đình bà phải ly hương, đó là, một lần ba má bà đi làm đồng, ở nhà chỉ còn bà chăm nom hai đứa em nhỏ.

Một trái bom dội sát nhà, bà bị văng ra sau hè, ôm gốc dừa xoay mấy vòng rồi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy thấy máu ra lỗ tai quá nhiều. Không thể ở yên ổn với mảnh đất gắn bó máu thịt này, ba má bà đưa con xuống xuồng đi tản cư.

Lúc đó, chẳng biết đi đâu, cứ lênh đênh trên sông, chèo miết, chèo miết, cho đến khi tấp vào mảnh đất cù lao này, thấy bình yên, gia đình bà dừng lại, chọn nơi này là quê hương thứ hai của mình.

Chị bán nước mía chậc lưỡi nghe “chốc chốc”, chị nhíu mày nhìn bà Hai tỏ vẻ thương cảm:

- Chiến tranh khổ quá hén bà Hai!

- Mà sao hồi đó bà hổng tản cư ở đất liền, ở cù lao chi cho qua sông mà phải lụy phà như vầy nè bà?

Đôi bạn trẻ một nam, một nữ ngồi trên chiếc xe máy dựng cạnh chỗ bà Hai ngồi, mắt dán vào chiếc điện thoại nhưng vẫn nghe bà Hai và chị bán nước mía trò chuyện nên cũng tham gia vào câu chuyện của bà Hai. Bà Hai cảm nhận được trong câu nói của bạn trẻ ấy dường như không yêu thích về nơi ở của mình.

- Ngày xưa từ cù lao muốn qua đất liền là cả vấn đề. Bây giờ mà được đi phà vầy là tốt lắm rồi cháu, chờ chút chứ cũng không lâu lắm đâu.

Bà Hai nghĩ thầm, lớp trẻ được sinh ra trong thời bình, chúng đâu biết được khi đất nước chiến tranh người dân chỉ có một sự chọn lựa duy nhất là tìm nơi bình yên tránh bom đạn, còn những chuyện khó khăn khác nào có đáng gì.

Đôi bạn trẻ chỉ tay về phía đuôi cồn mừng rối rít:

- Kìa! Kìa! Phà qua rồi kìa!

Gương mặt mọi người giãn ra, sự lo lắng đã nhường chỗ cho những nụ cười khi họ sắp gặp lại người thân. Họ sắp xếp hành lý cho gọn ghẽ rồi ngóng chiếc phà đang tiến dần vào bờ.

Bà Hai tạm biệt chị bán nước mía với lời “cảm ơn” rồi đi ra cầu bến phà, bà hướng mắt về dãy bần xanh xa xa để tìm một hình bóng quen thuộc. Nơi đó, ngày xưa, bà cùng chồng thuộc làu từng cái rễ bần vì hàng ngày chài, lưới bắt cá, tép nuôi đàn con khôn lớn. Đôi mắt bà nhòa lệ.

THANH HUYỀN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh