(VLO) Trên chặng đường đi tìm những cảm hứng để sáng tác về quê hương xứ sở, cách đây khoảng một tháng, đoàn văn nghệ sĩ gồm các nhạc sĩ, soạn giả sân khấu đã có một chuyến hành trình về miền di sản gạch, gốm Mang Thít. Đây là hoạt động không lạ lẫm gì đối với các văn nghệ sĩ, bởi đi thực tế là nhằm giúp văn nghệ sĩ có cái nhìn chân thực, khách quan về cuộc sống quanh mình: Thực tế cuộc sống- thông qua người nghệ sĩ- tác phẩm.
Về miền di sản. Ảnh: TRẦN THANH SANG (TP Vĩnh Long) |
Mặt khác, chuyến đi còn nhằm mục đích tìm tác phẩm có chất lượng về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật phục vụ cho sự kiện Festival Gốm đỏ Vĩnh Long năm 2024 với chủ đề “Điểm hẹn bên dòng Cổ Chiên”, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch dự kiến diễn ra cuối tháng 11/2024 tại TP Vĩnh Long và làng nghề gạch, gốm dọc kinh Thầy Cai, huyện Mang Thít.
Để phục vụ cho các hoạt động văn hóa- văn nghệ diễn ra tại Festival Gốm đỏ Vĩnh Long, trong ngày khai mạc các đại biểu và Nhân dân sẽ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc với thiết kế sân khấu nổi trên mặt nước kinh Thầy Cai để các nghệ sĩ biểu diễn với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc, vọng cổ… ngợi ca truyền thống hào hùng của dân tộc, vùng đất, con người Vĩnh Long và làng nghề gốm đỏ Mang Thít.
Soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn, đơn vị Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long có mặt trong chuyến đi này, do thời gian thực tế không nhiều, nên khi trở về anh đã tích cực tìm hiểu thêm tài liệu về vùng đất, con người nơi đây, qua ngôn ngữ, điệu thức của bài vọng cổ nhằm kể một câu chuyện đầy ý nghĩa về vùng gạch gốm Mang Thít quá khứ và hiện tại với bài vọng cổ tựa đề “Bên dòng sông sắc đỏ” soạn giả mượn hơi hướm điệu hò Nam Bộ, hòa quyện cùng các điệu lý như Lý chim quyên, Lý đêm trăng, Lý Năm Căn.
Bài vọng cổ có đoạn (trích câu 2):“… Quê hương trong mỗi trái tim dịu dàng như giấc ngủ. Như miền cổ tích xưa, mẹ kể những đêm dài. Câu chuyện có những bàn tay biến khó thành giàu. Người nông dân tạo sắc hồng trên ruộng đồng xanh ngát “Thanh xuất ư lam, nhi thanh ư lam”. Có nghĩa:“Gạch từ đất, nhưng nó mang đời sống riêng. Đời sống ấy do bàn tay của nghệ nhân tạo tác…”
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm, tuy lớn tuổi hàng U.70 nhưng vẫn còn sung sức, ông viết liền 2 tác phẩm, gồm ca cảnh “Vĩnh Long điểm hẹn” theo điệu Tây Thi, Xuân Tình, Cổ bản và ca cảnh “Ru lòng người viễn xứ” là câu chuyện của đôi nam nữ.
Chàng là du khách phương xa, còn nàng là công nhân lò gốm, họ tình cờ vừa gặp nhau giữa miền di sản sông Măng “… Để cho đất sông Măng dòng Cổ Chiên êm ả, vườn cây cánh đồng duyên dáng với trăng thanh. Mặt nước long lanh in hình cổ tích, có bao tình cô thợ gốm An Hương. Thương lắm Mỹ An nặng tình Nhơn Phú, thách thức thời gian lò gạch ngói bao đời…”
Soạn giả Lê Minh Hùng, cũng góp mặt 2 tác phẩm với ca cảnh “Về miền di sản” và bài vọng cổ “Bóng cha bên lò nung”, tác giả với tâm trạng của một người con luôn hướng về miền quê Mang Thít, với mái ấm gia đình có mẹ, có cha.
Đoạn kết bài vọng cổ “Bóng cha bên lò nung” là một hình ảnh đẹp, là cảm nghĩ của đứa con về người cha yêu thương, cần cù, lao động, giữ lửa truyền nghề, dạy dỗ con cái nên người “… Cha là đêm sáng trăng sao. Soi nghề hướng nghiệp con vào bến mơ. Cửa lò in mãi bóng cha. Tìm trong di sản đậm đà nghĩa nhân”.
Còn với soạn giả trẻ Trương Minh Thuận, bút danh Cổ Chiên anh đã chịu khó tới lui miền di sản để tìm tư liệu và chỉ sau vài ngày anh đã cho ra đời bài vọng cổ “Hồn quê”- đó là câu chuyện của một đứa con xa quê nay trở lại quê nhà, lòng có chút bâng khuâng khi chứng kiến những đổi thay của làng nghề trăm tuổi, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ gạch gốm, nhưng bên cạnh đó là niềm vui, sự đổi thay của vùng quê NTM, vùng đất bên bờ sông Măng luôn dang rộng vòng tay đón khách xa gần (trích câu 1) “… Mẹ ơi! Đất khách chiều nay nhìn nhà ai tươi hồng mái ngói.
Con chợt nhớ về làng gốm quê hương vấn vương sợi khói, nhớ những chiếc lò gốm xinh xinh như những cây nấm mối giữa lưng… trời…
Hồn đất hồn quê nguồn cội bao đời. Gạch, gốm trăm năm mang hình hài xứ sở. Mang Thít đất với người nên nợ nên duyên.
Đất dạy người sống gần gũi với thiên nhiên. Qua nắng qua mưa vẫn chất phác thảo hiền. Qua hơi nóng lửa lò vẫn vẹn nghĩa chung riêng. Qua những đôi tay đất đi khắp miền khắp chốn…”
Các văn nghệ sĩ ngồi đò chạy dọc kinh Thầy Cai. Ảnh: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Cùng tham gia chuyến đi còn có 2 nhạc sĩ là nhạc sĩ Hoàng Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và nhạc sĩ Mai Trung Nghĩa.
Nhạc sĩ Hoàng Lộc cho ra đời ca khúc “Sắc đỏ kinh Thầy” với giai điệu hào sảng, phong cách miền Tây: “Từ dòng Cổ Chiên từ sông Măng Thít sáng ánh lửa bừng đất nở nên hoa. Đây đó dáng rồng bay xa sắc đỏ. Đất lửa qua tay người đất đã lên ngôi…”
Đặc biệt anh còn viết thêm một bài vọng cổ “Về miền di sản sông Măng” (trích câu 2) “… Xuôi kinh Thầy Cai êm ả dịu dàng thơ mộng, điệu lý Cái Mơn ngọt câu hát gọi mời. Xem gốm đỏ nơi đây sắc thắm tuyệt vời.
Đã một thời vượt sóng khơi ra biển lớn, danh tiếng lẫy lừng xứ sở Vĩnh Long. Ghe lớn khẳm đầy xe to nặng trĩu, rạng rỡ những nụ cười vầng trán đẫm mồ hôi. Những viên gạch hồng trao gởi muôn nơi, xây dựng công trình vững chắc tương lai…”.
Đối với nhạc sĩ Mai Trung Nghĩa- Phân hội phó Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, nguyên giảng viên Âm nhạc Trường CĐ Sư phạm tỉnh, nay đã nghỉ hưu.
Anh là một người vốn kiệm lời, trong suốt chuyến đi anh thường tìm một góc riêng để quan sát, chiêm nghiệm, hỏi han một vài người biết chuyện rồi sau đó tiếp tục tìm một góc để lặng lẽ suy tư.
Ngồi trên chuyến đò chạy dọc theo con kinh Thầy Cai anh dõi mắt vào những lò gạch hai trên bờ như để tâm hồn chìm vào quá khứ, thời hoàng kim của làng nghề hơn trăm tuổi.
Hơn 2 tuần sau anh công bố “đứa con tinh thần” của mình với bản nhạc tựa đề: “Chiều bên dòng Cổ Chiên” nhịp vừa khoan thai, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng: “Chiều về quê hương đi cùng em qua khắp nẻo đường.
Bên dòng Cổ Chiên ôi tuyệt vời màu mỡ phù sa. Thấp thoáng xa xa gió đưa khói bay lưng trời. Trong ánh nắng chiều đẹp sao hoàng hôn buông xuống.
Làng nghề quê ta ôi yêu sao gạch ngói quê mình. Kinh dòng Thầy Cai ven đôi bờ in bóng lung linh. Yêu lắm quê hương dẫu bao tháng năm thăng trầm. Thương những lò gạch phơi mình mưa nắng rong rêu…”.
Ai đó dù đã hơn một lần ghé qua Mang Thít, đã từng xúc động, bồi hồi khi ngắm hoàng hôn dần buông trên miền di sản với hình ảnh những lò gạch trong nắng chiều như những tòa lâu đài cổ kính soi bóng nước kinh Thầy… chắc hẳn sẽ càng luyến lưu, yêu mến hơn miền quê này khi được thưởng thức những ca khúc, những bài vọng cổ của các nhạc sĩ, soạn giả đã rút ruột nhả tơ, gởi cả tấm lòng mình cho miền di sản đất sông Măng.
TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin