DI TÍCH LỊCH SỬ, DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA:
Tôn vinh cội nguồn dân tộc

08:06, 14/09/2024

 

Di tích lịch sử cấp quốc gia Văn Thánh miếu và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Văn Thánh miếu góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tôn vinh cội nguồn dân tộc.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Văn Thánh miếu và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Văn Thánh miếu góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tôn vinh cội nguồn dân tộc.

Di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng các lễ hội truyền thống có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 di tích lịch sử cấp quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ và rà soát thực trạng các di tích bị xuống cấp, hư hỏng để bố trí các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác để trùng tu, tôn tạo. Qua đó, đã đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân địa phương và góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.

Bà Lê Ngọc Anh- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, khẳng định: “Di tích lịch sử là tài nguyên, là một điều kiện thuận lợi cho du lịch Vĩnh Long trở thành điểm sáng về loại hình du lịch văn hóa. Hình thành các cụm, tuyến du lịch tại các di tích chắc chắn tạo nên sự thú vị cho du khách, nổi bật có thể kể đến là Văn Thánh miếu Vĩnh Long; Công Thần miếu Vĩnh Long; Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (huyện Tam Bình) với diện tích rộng lớn cùng nhiều dấu ấn lịch sử sâu đậm chứa đựng trong khu căn cứ; Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) cùng Khu lưu niệm Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ), Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, (huyện Tam Bình) với quy mô và tầm cỡ bật nhất của tỉnh, đã và đang khai thác du lịch với những tín hiệu tích cực...”.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức trang trọng các lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và danh nhân trên địa bàn tỉnh, khai thác các vùng lân cận hướng đến thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội dân gian trong văn hóa đình làng. Song song với việc hoàn thiện hồ sơ khoa học và đề nghị Bộ Văn hóa-TT-DL xem xét, ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận trước đó: Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn ở huyện Trà Ôn; Làng nghề làm tàu hủ ky, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh; Lễ hội Văn Thánh miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long đã góp phần lưu giữ công sức, nét đẹp văn hóa truyền thống của các thế hệ trước và tạo tiền đề để các thế hệ sau tiếp tục phát triển, tái tạo. 

Ông Nguyễn Bách Khoa- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: “Việc các lễ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và vinh danh tinh thần nho học trong phụng sự, xây dựng đất nước. Mà chúng ta thấy có những người đã đóng góp rất nhiều cho nền học vấn của vùng Nam Kỳ này như cụ Phan Thanh Giản- tiến sĩ đầu tiên ở đất Nam Bộ. Và thứ hai là khẳng định đất Vĩnh Long là một vùng đất học. Ví dụ như người ta nói: Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuẫn Thần (tức Phan Thanh Giản). Đấy cùng là khẳng định lại vị thế của Vĩnh Long trong lịch sử và sự tiếp nối của Vĩnh Long ở hiện tại đến tương lai”.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, nhấn mạnh: “Thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn cũng được quan tâm gìn giữ. Đặc biệt, là nghệ thuật đờn ca tài tử khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã phát huy rất tốt các giá trị trong đời sống tinh thần của người dân. Riêng 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng được cộng đồng rất quan tâm. Sắp tới, Sở Văn hóa-TT-DL sẽ phối hợp với các viện, trường, các nhà nghiên cứu tiếp tục đưa ra các giải pháp để bảo tồn, gìn giữ lâu dài”.

Nghệ thuật trình diễn dân gian- Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2024.
Nghệ thuật trình diễn dân gian- Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2024.
 

 

Mặc dù hiện nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, như: nguồn kinh phí thực hiện tu bổ, trùng tu di tích chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước; công tác nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích lịch sử văn hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nguồn nhân lực quản lý, đội ngũ công chức, viên chức mỏng và còn một số hạn chế trong công tác nghiên cứu, tham mưu. Thành viên của ban quản lý một số di tích chủ yếu là tự nguyên, tự chủ, chưa có sự hỗ trợ chính sách phù hợp.

Thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế kể trên và phát huy các giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống Văn Thánh miếu và Đề án Bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan soạn thảo quy chế phối hợp quản lý di tích theo quy định để tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành.

Di tích lịch sử là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh chính là thể hiện tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU-NGUYÊN KHÁNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh