(VLO) Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa (VH), con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Vĩnh Long đã có sự phối hợp đồng bộ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân để triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực; tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với việc xây dựng, phát triển VH, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đoàn lãnh đạo, cán bộ nữ đến thắp hương Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, phát huy truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn. |
Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người
Qua 10 năm, sự nghiệp xây dựng và phát triển VH, con người của tỉnh Vĩnh Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tư duy lý luận về VH có bước phát triển; đời sống VH của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị VH truyền thống của dân tộc được phát huy, chuẩn mực VH, đạo đức mới được hình thành.
Đồng thời, nhiều sản phẩm về VH, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Các di sản VH vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng.
Công tác xã hội hóa hoạt động VH ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế VH. Công tác quản lý nhà nước về VH được tăng cường, thể chế VH từng bước được hoàn thiện.
Đặc biệt, tỉnh quan tâm xây dựng môi trường VH lành mạnh, xây dựng VH trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình.
Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường VH, làm cho VH trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách.
Đến nay, xây dựng hộ gia đình VH đạt 98,82%; xây dựng ấp, khóm, khu đạt chuẩn VH đạt 100%; xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 85%; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn VH trên 95%.
Bên cạnh, tỉnh đã chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các thiết chế VH bảo đảm xây dựng và phát triển VH, con người Vĩnh Long trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đến nay, 100% huyện, thị, thành phố có trung tâm VH, thông tin, thể thao; có 90 trung tâm VH- thể thao cấp xã và 94 nhà VH, khu thể thao ấp, liên ấp.
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, ngành VH tỉnh nhà đã đoàn kết, phấn đấu, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế VH, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, phục vụ tốt các nhiệm vụ tuyên truyền cổ động chính trị, tổ chức đa dạng các loại hình sinh hoạt VH, văn nghệ, thể thao.
Chú ý đưa VH về cơ sở, nâng dần mức hưởng thụ VH của người dân.
Tập trung đầu tư phát triển về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích gắn với phát huy các giá trị di tích, di sản.
Sở Văn hóa-TT-DL kiến nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về chế độ chính sách, ban hành các nghị quyết đặc thù cho các hoạt động VH, văn nghệ, các loại hình nghệ thuật biểu diễn kể cả truyền thống và hiện đại.
Chỉ đạo khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển VH; đồng thời đảm bảo yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động VH, giữ gìn bản sắc VH dân tộc.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Vĩnh Long phát huy du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với quảng bá ẩm thực miền sông nước. |
Xác định xây dựng môi trường VH là cơ sở để hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng phải là một môi trường VH lành mạnh.
Trong đó, phát huy truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc là nội lực giúp nhau giảm nghèo, nâng cao vai trò, vị trí của gia đình và cộng đồng; củng cố tình làng, nghĩa xóm ở nông thôn và khu dân cư.
“Chú trọng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách VH và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình VH tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng chung thủy, nghĩa tình, anh em hòa thuận, sẻ chia.
Đó là mục tiêu, định hướng tỉnh Vĩnh Long đã và đang hướng tới”- bà Nguyễn Thị Minh Trang- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết.
Để thực hiện nội dung trên, những năm qua, Vĩnh Long đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường VH lành mạnh trong nhà trường.
Xây dựng mỗi trường học, cơ sở giáo dục thực sự là trung tâm VH giáo dục, rèn luyện con người phát triển toàn diện; coi trọng giáo dục lịch sử, VH truyền thống của đất nước cho thế hệ trẻ.
Song song đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng đời sống VH ở địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh; xây dựng nếp sống VH tiến bộ, văn minh gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh có 75/87 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 35 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có 3/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Kịp thời ban hành các chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh đạt 64%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 0,63 %/năm.
Theo ông Trương Kế Truyền- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Ôn, qua thực hiện Nghị quyết số 33, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của VH, phát triển con người được nâng lên rõ rệt.
Môi trường VH có chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các thiết chế VH trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm đầu tư xây dựng; việc giao lưu về VH được duy trì và phát triển.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH và xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng được đồng bào các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng.
Nhiều hộ gia đình người Khmer được công nhận là gia đình VH, nhiều ấp có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống được công nhận ấp VH. Hoạt động VH, văn nghệ, thể dục thể thao của đồng bào Khmer có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực xây dựng VH, con người.
Ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, yêu cầu toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các giá trị về VH và chuẩn mực con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chú trọng tới các chuẩn mực về nhân cách, đạo đức, lối sống; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng VH con người. Huy động sức mạnh toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy giá trị VH truyền thống của tỉnh.
Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, giữ gìn và phát huy giá trị các thiết chế VH phục vụ Nhân dân nâng cao đời sống tinh thần.
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin