Truyện ngắn: Nhờ Google nói hộ tình yêu

07:45, 25/08/2024

(VLO) Treo lại cái ống nghe tim phổi quanh cổ, cho mặt nghe vào túi áo Blouse, cô Năm Hạnh- người thầy thuốc có đức tính giản dị, nhiệt tình và năng nổ vừa cằn nhằn: “Khổ quá! Bị tai nạn do đánh phá quàn trong đám tang nữa”, vừa thủng thẳng đưa đôi tay dịu dàng của “từ mẫu”, nắn bóp sau lưng, vùng bị chấn thương của chú Út Đạm- anh bạn học thời tuổi thơ áo vá, chiến tranh ngập trời bom đạn của mình. Cha, cha! “Làm việc bằng khối óc, săn sóc bằng trái tim” đây mà.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Chẳng khác chi nhõng nhẽo, chú Út Đạm ẹo qua bên phải, ẹo sang bên trái, ưỡn ngược ra phía trước, kêu trời và than đau om sòm như trẻ nhỏ bị đè ra nặn cồi mụn nhọt ở mông.

Cô Năm Hạnh tủm tỉm cười, vẻ cợt ghẹo, giả đò đắc chí, hả hê. Rồi hóm hỉnh trình bày phương pháp điều trị, thời gian cạn bệnh một cách rạch ròi, dứt khoát và tự tin:

- Nếu chích thuốc thì mau khỏi bệnh, còn uống thuốc thì hơi lâu một chút bệnh mới lành! - Đếm bước đến chiếc bàn có nhiều ngăn kéo, cô Năm Hạnh bày dụng cụ và thuốc men ra để chuẩn bị tiêm.

Trên giường bệnh, chú Út Đạm liền lồm cồm ngồi dậy. Đớn đau, mỏi mệt, âu lo... tức tốc chạy té khói, để nỗi sợ sệt hiện ra chần vần. Và vụt bay qua cửa miệng bằng một câu nói trống không, chẳng có đuôi không có đầu:

- Hơi lâu một chút, hơi lâu một chút đi!

- Cái gì?- Cô Năm Hạnh trợn ngược mắt long lên rờn rợn, cao giọng chì chiết- Vậy là không chích mà uống phải không? Hồi nãy nói đi, tí nữa là cưa ống thuốc, ống thuốc ngoại rồi. Bộ muốn tôi “bỏ của” hả ông nội? Hứ, trông bặm trợn vậy mà... dạn dữ ta, thấy mắc thương ghê à!

- Ừ, ờ... tại, tại... Tôi nhút nhát mới sống độc thân tới giờ nè! Út Đạm điếng cả người, lúng túng, thẹn thùng, ngượng ngập... nói ấp úng ấp a.

Thôi hết chối cãi rồi! “bệnh cũ” của chú Út Đạm lại tái phát, khi có cơ hội tiếp xúc, tỏ bày tình cảm với người mình đã phải lòng xưa nay là vậy.

Nhưng thật bất ngờ, có lẽ lời nói ấp a ấp úng của chú Út Đạm đã chạm tới chiều sâu thẳm nhất của trái tim cô Năm Hạnh khiến cô như bị hớp hồn; ra dáng suy tư đầy tâm trạng và cất giọng khẽ khàng, uốn éo, làm câu nói bị cong queo:

- Tôi, tôi... cũng sống độc thân và... có trẻ hơn ai đâu?- Mặt cô Năm Hạnh bừng đỏ, tim rộn ràng đập mạnh, những ngón tay vặn vẹo liên hồi.

Ôi! Cập đôi “quá lứa lỡ thì” mới hé mở được cánh cửa của trái tim yêu từ lâu bị kẹt cứng thì trời đã trôi về chiều. Một buổi chiều quê thoảng thơm mùi nắng ấm, ngỡ có thể sờ mó được mà vô hình.

Dưới bến sông xa, rưng rưng bao giọt nắng rơi nghiêng xuống rặng bần trổ bông trắng xóa một góc trời, làm lòng hai kẻ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” đều thổn thức và ký ức thuở xa xôi ào ạt ùa về.

***

Ngày ấy, vùng tự do oanh kích- Rạch Bà Tam phần đông những đứa trẻ trong độ tuổi cắp sách đến trường, đã theo gia đình tản cư ra thị thành, tránh trốn đạn bom, tiếp tục bắt bướm hái hoa, kiếm tìm thêm con chữ.

Một số gia đình vì có người thân đang tham gia kháng chiến nên bám trụ lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như gia đình Út Đạm, Năm Hạnh. Không, khi đó gọi là thằng Đạm và con Hạnh. Ngoài ra còn có dăm ba gia đình của những đứa trẻ khác nữa.

Tội nghiệp! Người lớn thì không nói chi, bắt bớ dọa dẫm thiếu thốn gian lao đã từng nếm trải. Chỉ thương cho tụi nhỏ, việc đến trường bữa đực bữa cái bởi đạn bom thì đã đành rồi.

Song, còn phải vất vả đối đầu với manh áo chén cơm và những lời hạch sách hoạnh họe của bọn tề, lính.

Một đêm, trời đầy sao và lạnh lẽo vô cùng. Tiếng máy bay trinh sát L19 gầm rú hỗn loạn trên cao. Ngoài vàm sông đầy gió, một thôn nữ dáng xinh như mộng bất chấp hiểm nguy, thản nhiên cất vó cho ánh sáng hỏa châu đâm ngang qua mắt lưới.

Đạm và Hạnh trộm nghe các bác, các chú từng ôm súng lao qua làn ranh sinh tử nói với nhau rằng: Mỹ và bọn tay sai đã ký hiệp định Paris ngừng chiến sự, lời dạy của Bác Hồ mấy năm về trước được dân tộc ta thực hiện được một nửa: “Đánh cho Mỹ cút”.

Nhưng trời ơi! Sao Rạch Bà Tam quê hương của cô và cậu đất vẫn còn rung lên vì bom trộn pháo bầy?

Phải chăng địch cố đeo đuổi tham vọng lấn chiếm và bình định, để xương máu của những người dân hai sương một nắng, cần cù, nhân hậu, lãng mạn và bất khuất tiếp tục thấm đẫm khắp bờ tre, mái rạ, gò bãi, ruộng vườn?

Và còn xót xa hơn đối với bọn trẻ, trường làng bị máy bay khu trục dội bom cháy rụi, để lại một mảng trời điêu tàn sặc mùi khói tro khét lẹt. Hàng phượng vĩ trước sân trường cũng gãy đổ tan hoang, xơ xác nhánh cành.

Mấy chú ve sầu thôi khóc mỗi bận hè về, bởi xác thân bị cát đất dập vùi biến thành bụi bặm, cuộn bay mịt mù theo làn khói súng của những chiếc trực thăng vũ trang thường xuyên quần đảo bắn phá.

Nhưng có một điều vượt ra ngoài khả năng tư duy của hạng người thích dùng bom đạn đè bẹp khát vọng hòa bình của những người lương thiện: Ánh sáng văn hóa luôn được thắp lên ở mọi nơi mọi lúc, thơ ca và phép đại số chưa gác lại bao giờ.

Trường lớp không còn, bọn trẻ vẫn ngồi học dưới hiên nhà, hàng ba, chái bếp. Và những căn chòi đứng trơ trọi ngoài đồng, đầy ắp tiếng côn trùng vọng lên từ lòng đất, tiếng chim muôn kêu hoảng hốt như cầu cứu rớt xuống; tiếng đạn rú bom rền bủa vây.

Tất cả những âm thanh chồng chất giai điệu và tiết tấu đó nghe rùng mình, nhờn nhợn sống lưng tựa tiếng thở dài gớm ghiếc, ghê rợn của tử thần!

Ngoài chuyện ngày đêm cần mẫn với sách đèn, dãi nắng dầm mưa mò cua bắt ốc kiếm cái ăn lay lắt qua ngày ra, đôi bạn nhỏ Hạnh và Đạm còn phụ các má các chị may cờ cho du kích các ấp đồng loạt cắm khi kẻ thù chưa kịp thực hiện việc cắm cờ lấn đất, tràn ngập lãnh thổ, không ngừng bắn và nói chuyện với Việt cộng.

Chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu đi đến thắng lợi, chiến tranh đã kết thúc. Út Đạm và Năm Hạnh mừng vui phấn khởi ngập tràn, lòng lâng lâng, phơi phới, rạo rực nhảy chân sáo đến trường, để cùng bè bạn đến gần hơn với bến bờ tri thức.

Những tháng năm Út Đạm và Năm Hạnh sống gần gũi dưới mái trường cấp 2 và cấp 3 Trà Ôn. Hạt giống yêu thương đã len lén nẩy mầm, tình cảm chớm nở, e ấp, dịu ngọt và lặng câm của họ cứ lớn dần lên qua bao mùa hoa phượng thắm sắc tỏa hương lung linh trong gió.

Đến năm học cuối cấp 3 một quyết định sừng sững mọc lên trong đầu Út Đạm: Anh đường hoàng gặp Năm Hạnh nói lời chan chứa yêu thương, lời thề non hẹn biển, lời hứa hẹn chờ đợi đến khi hai đứa có nghề nghiệp hẳn hoi mới nên nghĩa vợ chồng.

Nhưng ngặt một nỗi! Khi được tiếp xúc với người mình đã yêu đến chết mệt chết mê, thì không biết mắc ông bà ông vải gì mà Út Đạm thấy lòng bồn chồn quay quắt rối bời mất tự tin, cử chỉ, nét mặt đầy ngượng ngùng, đôi chân như bắt rễ xuống đất, cứ đứng đực ra như phõng vậy trời?

Còn Năm Hạnh lúc nào cũng hân hoan đón đợi, những lời tỏ tình có cánh, vì trái tim cô học trò nhỏ nhu mì, e lệ nhưng vẫn toát lên dáng điệu kiêu sa, đài các này mãi dành nhịp đập cho Út Đạm rồi. Nhưng... ”Con trai gì mà hiền như cục đất. Thiệt thà như đếm.

Chả biết “thả thính” là chi, ế vợ tới già cho biết! Cái đồ ngốc, chẳng lẽ “cột đi tìm trâu?”. Nghĩ vậy, Năm Hạnh bèn cất tình yêu ở tuổi thần tiên của mình vào hộc bàn, nỗ lực học tập và không chỉ nhận được bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi mà còn thi đỗ vào Trường ĐH Y khoa có chất lượng đào tạo tốt nhất ở phía Nam.

Đó, người ta “học hành vất vả kết quả ngọt ngào”. Út Đạm thì ngược lại, mải miết trộm nhớ thầm thương Năm Hạnh đến chểnh mảng cả việc học hành, suýt hỏng thi tốt nghiệp THPT thì còn lâu mới với tới ĐH!

Thôi rồi, “cái đồ ngốc” không khoác lác, màu mè, khách sáo Út Đạm từ đây sẽ chui vào mặc cảm, cô đơn, chán chường và đã nghiệm thấy, lòng tự trọng và tự ty là cái khoảng trống vô hình sâu hun hút giữa mình và Năm Hạnh.

Nên anh ta bằng lòng buộc chặt đời mình với cánh đồng làng, với dòng sông nhẫn nại chảy chở về xa những giấc mơ thời đi học, và mối tình đầu quá xá đắng cay bởi yêu mà không dám ngỏ.

Lẽ ra công việc đồng áng, giúp Út Đạm chôn vùi thật sâu mối tình thuở áo trắng trên thửa ruộng mảnh vườn, để lũy tre làng níu chặt chân anh lại.

Nhưng tại vì có một nỗi lo sợ vu vơ, không cần thiết, khiến cuộc sống nặng nề không đáng cứ đau đáu ngồi trong đầu Út Đạm.

Đó là nét văn hóa mang bản sắc đặc trưng của vùng Nam Bộ: Nghi thức đánh phá quàn trong tục cúng ma chay sẽ bị mai một theo thời gian, nên Út Đạm lội bộ qua tận làng bên, xin được thụ giáo ông Chín Đờn- người đàn ông cao lớn vạm vỡ, hiểu rõ lễ nghi động quan, di quan, luôn thủ vai múa phá quàn (đánh phá quàn) trong tang lễ ở khắp thôn xóm xa gần.

Chắc “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, uống chưa hết một tuần trà, Chín Đờn đã “kết” và nhận ngay Út Đạm làm đệ tử. Ngày này tháng nọ tận tình chỉ dạy, hễ có “chầu” là Chín Đờn dẫn Út Đạm theo để thực tập và “lấy le” với cánh đàn bà giá.

Trước kia chỉ có một mình, khi diễn hoạt cảnh đánh phá quàn, Chín Đờn vào vai Nhựn Quan- Theo tích xưa là tên cướp Điền Hoành giỏi võ nghệ, về chịu tang và đánh cấp quan tài của mẹ đem về núi, để tiện bề chăm sóc phần mồ thì Chín Đờn vẽ mặt dữ dằn, mặt tướng cướp mà.

Nay có thêm đệ tử, Chín Đờn không muốn vẽ mặt cho nó giống mặt mình, vì chẳng lẽ có hai Nhựn Quan lận? Không hợp lý!

Do vậy, Chín Đờn đeo mặt nạ Tề Thiên cho Út Đạm để tránh thắc mắc của người xem và khỏi tốn công vẽ vời chi cho mệt. Ừ, Tề Thiên cũng trừ diệt yêu quái, trong truyện Tây Du Ký đó!

Thấy lạ và mắc cười, các bậc cao niên cắc cớ hỏi Chín Đờn:

- Ê, độ rày trong lúc đánh phá quàn sao lại xuất hiện ông Tề nữa?

Chín Đờn cười khà, khà...

- Thời buổi hiện đại, quân số yêu quái đông, võ công thâm hậu. Một mình Nhựn Quan ta đây đánh sao thắng nổi?

Ta mới tốc hành đến quán tạp hóa con mẹ Tư Ù chồng vừa “đi bán muối”, bỏ ra 2.000 đồng bạc để nhờ cái điện thoại bàn, điện cho Tề Thiên cấp tốc hạ thế hỗ trợ cứu nguy!

Đến khi Út Đạm thạo nghề thì Chín Đờn lâm trọng bệnh, do chấn thương lục phủ ngũ tạng không tiền trị chữa cho dứt điểm nên dẫn tới biến chứng nghiêm trọng.

Trong một buổi chiều rét nhẹ, bụi tre sau nhà cứ hát mãi những khúc ca buồn của gió. Chín Đờn nắm tay Út Đạm, hai mắt như muốn khép kín nhưng môi vẫn cố động đậy:

- Theo sư phụ nghĩ, phong tục đánh phá quàn tới đây sẽ biến tướng theo thời gian, để phù hợp với cuộc sống đương thời. Con ráng linh hoạt đeo theo nghề nếu “kiếm cơm” không đặng thì mình cũng “kiếm được cháo”.

Bởi nét văn hóa này không ảnh hưởng chi đến đời sống xã hội nên đâu ai cấm đoán làm gì? Nói xong, gương mặt méo mó của Chín Đờn thoáng một nụ cười mếu, hơi thở lịm dần, rồi ông “đi luôn“!

***

Thời gian qua nhanh, mới đó hơn 30 năm rồi. Cô Năm Hạnh cũng chưa chịu lấy chồng, đã nghỉ hưu và về quê mở phòng mạch ngoài chợ xã. Chú Út Đạm vẫn nghiêm túc thực hiện lời trăng trối của sư phụ mình: ...

Ráng linh hoạt đeo theo nghề. Nếu “kiếm cơm” không đặng thì mình cũng “kiếm được cháo”... Chắc chú Út Đạm chỉ “kiếm được cháo” nên chẳng ai chịu làm vợ hay chú mãi dưỡng nuôi một cuộc tình câm thuở tóc xanh ngây ngô, nhút nhát?

Ôi! Cái bi kịch cuộc đời chính là đây, Út Đạm và Năm Hạnh phải ân hận, hối tiếc, khổ đau gần hết cuộc đời chỉ vì cái sự nhút nhát yêu mà không dám nói ra.

Cách nay chưa tròn một tuần lễ, chú Út Đạm đi đánh phá quàn cho đám tang ở tận xẻo Ông Hời. Bởi tuổi cao nên sức khỏe sa sút, chú Út Đạm không thực hiện đạt cái pha “lộn mèo” trên không, xém một chút nữa đi theo “dấu chân” của sư phụ mình!

Nhưng sống ở trên đời trong cái rủi thường có cái may. Rủi vì lộn quá đà nên té ngửa, nện tấm lưng to bè xuống đất phải nhặt nhạnh khổ sở ốm đau.

Còn may là được sự ân cần chăm sóc đặc biệt của cô Năm Hạnh. Rồi lời nói và hành động của người phụ nữ lỡ thì, có cái nhan sắc về chiều dễ làm trái tim các ông sống đơn thương độc mã xúc động đến nhũn mềm này, đã mách nhỏ cho Út Đạm biết: “Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”.

Út Đạm “chưa vào” được “vườn hồng” vì một lẽ đáng thương, “bệnh cũ” lại tái phát như đã thấy khi chú đến phòng mạch cô Năm Hạnh khám và điều trị bệnh cách nay ba bốn bữa. Vậy là... “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ” rồi nghệ nhân Út Đạm ơi!

Nằm nhà uống thuốc dưỡng thương, Út Đạm đành phải chối từ mấy “chầu” thỉnh cầu đi diễn mà lòng xót xa tiếc hùi hụi! Chỉ gỡ gạc bằng cách nhờ cái điện thoại thông minh để đắp bồi thêm kiến thức.

Nghĩ như thế Út Đạm sốt sắng gõ Google, để tìm hiểu ngóc ngách của sự đời và nghiền ngẫm nhân tình thế thái.

Đột nhiên, cô Năm Hạnh xuất hiện với mùi nước hoa thoang thoảng ngất ngây. Ô! Trông Năm Hạnh tuyệt đẹp, vẻ đẹp kín đáo và thánh thiện như loài hoa trắng; những nét nguyên sơ hồn nhiên, đam mê, trong sáng của tuổi học trò trường huyện vẫn còn sống mãi trong cô kìa!

- Anh Út! Bộ hết bệnh rồi sao không thấy đến phòng khám của tôi mua thuốc uống thêm?

- Dạ, dạ... Rồi, rồi! Coi cái mòi “bệnh cũ” tái phát nữa! Nỗi bối rối hiện rõ trên gương mặt sượng sùng của chú Út Đạm. Trông kìa, chú kịp lấy lại bình tĩnh, khắc phục ngay nhược điểm của mình: Chìa cái điện thoại về phía cô Năm Hạnh. Vắt cạn kiệt can đảm nói thật mùi như hát trong múa phá quàn:

- Xem đi! Để cùng anh cúi đầu nhận đặc ân của thượng đế ban cho và tụi mình cố tìm hơi thở chung ngọt ngào em nhé!

Trời trời! Cô Năm Hạnh hoàn toàn bất ngờ, sửng sốt, ngỡ ngàng, dán mắt lên những dòng chữ trải ra trên màn hình điện thoại:

- “... Bẽn lẽn, thẹn thùng, ngượng ngùng, xấu hổ... là những cung bậc cảm xúc đẹp nhất, đáng xúc động nhất, đáng tự hào nhất mà chỉ có con người mới có được. Đây là đặc ân của thượng đế ban cho chúng ta... “

Ôi! Năm Hạnh đỏ mặt khiến cho sắc màu của đức hạnh chảy tràn vào tim Út Đạm. Thế rồi, hai đôi mắt rực lửa yêu thương của hai con người từng trải, dày dặn nhưng chưa hề chai sạn thảng thốt dạt vào nhau và không biết tự lúc nào, họ đã ngồi sát bên nhau, ủ ấp cho nhau, còn hôn nhau nữa đó!

HỒNG SƠN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh