Tranh minh họa: Trần Thắng |
Đức ngồi trước cửa phòng làm việc, mắt ám khói, nhìn ra phía quốc lộ, nơi xe cộ vẫn tấp nập chạy qua. Tiếng xe tải, xe ô tô con, lẫn trong tiếng xe máy cứ vù qua trước mặt anh. Trong lòng chợt dâng lên một cảm xúc khó tả. Anh miên man suy nghĩ về một dự tính xa xôi nào đó. Về con đường quốc lộ này. Và một sự đổi thay, mong muốn để cải thiện tình hình hiện tại.
Ánh nắng lọt qua cây sa kê trước mắt, le lói tia nắng tròn xoe vắt qua chiếc áo quân phục đang treo. Tối qua anh không về nhà, mặc dù không phải là ca trực của mình nhưng Đức cố nán lại để theo dõi tình hình anh em trực ban hôm nay. Dạo này diễn biến tội phạm phức tạp đang diễn ra trên địa bàn toàn xã. Hôm rồi anh cùng anh em trong đội điều tra huyện trực tiếp bắt một tụ điểm đánh bạc ngay trên địa bàn Ấp 1, cách đơn vị công tác của anh không xa. Còn sáng hôm nay, khi cơn mưa nặng hạt vừa dứt, tiếng chỉ đạo của trưởng công an xã đã vang lên phía đầu dây bên kia. “Chú cho anh em ra km104 đi, có người báo lại xảy ra tai nạn giao thông rồi”. Đức nhanh chóng điều động anh em, lên xe và đến điểm xảy ra tai nạn. Phía trước mặt là một chiếc xe tải hạng nặng, đang vận chuyển rau hướng về thành phố. Chiếc xe máy quặt quẹo nằm ngay sát mé đường, người bị nạn đang ngồi ngay vệ đường, miệng lầm bầm: “Xe tải chạy ẩu kiểu này có ngày tông chết người ta”. Nhiều người vây quanh kiểm tra xem người chạy xe máy có bị thương nặng hay không. Anh tài xế vội vàng nhảy xuống, đến gần người bị nạn để hỏi thăm. Cả một quãng đường dài, bắt đầu có dấu hiệu ùn tắc cục bộ. Anh em công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tham gia bảo vệ hiện trường, đánh dấu vị trí ban đầu của phương tiện và báo cáo về Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện đến xử lý. Nhìn ánh mắt thất thần của anh lái xe tải, Đức vừa chỉ đạo anh em làm việc vừa cảm thấy xót xa. Ở cung đường này, người ta vẫn thường gọi nó là “quốc lộ tử thần” khi mà mỗi một ngày thông tin tai nạn giao thông diễn ra như cơm bữa.
Từ ngày nhận công tác về đây, đêm nào Đức cũng thao thức. Mỗi khi có xe tải hạng nặng đi qua, chiếc giường sắt trong phòng anh rung lên. Nghe tiếng rèn một cái, rồi âm thanh dịu dần. Chưa hết xe này lại đến lượt xe kia. Suốt một tháng như thế, Đức không tài nào ngủ được. Bây giờ anh mới hiểu tình trạng của anh em trong đơn vị mình vất vả như thế nào. Mỗi đêm ngoài giờ đi tuần, canh gác thì các đồng chí công an viên còn phải mặc thường phục lặng lẽ ở các tụ điểm nghi vấn để theo dõi tình hình đánh bài, đá gà hay buôn bán ma túy, mại dâm trên địa bàn. Lúc cần kíp cấp trên gọi lại phải có mặt kịp thời để xử lý công việc. Anh em vất vả là thế nhưng không một lời than vãn. Nhìn ánh mắt của những công an viên, anh không khỏi chạnh lòng. Anh về đây cũng đã được tháng hơn, thời gian tiếp cận công việc mới đã cuốn anh đi. Để bây giờ khi có một chút thời gian suy nghĩ, anh lại thấy xon xót ở ngực. Phải chăng trước kia, khi còn là thành viên trong đội điều tra hình sự huyện, anh chưa hiểu hết những gì ở địa phương. Thỉnh thoảng làm án, anh có về các đơn vị, theo chân thủ trưởng để nắm bắt theo dõi tình hình. Nhưng có lẽ việc sâu sát thì chưa.
Nhiều đêm sau ca trực ban, mệt nhoài. Trở về cơ quan lúc hai ba giờ sáng, lúc đó nhìn anh em cán bộ hào hứng với những gói mì tôm bốc khói, anh vừa mừng, vừa thương. Mừng vì các đồng chí, đồng đội của mình luôn tận tâm, tận lực, cống hiến sức mình để bảo vệ bình yên cho xóm làng, cho quê hương. Thương vì cũng là cán bộ như nhau nhưng riêng với lực lượng công an địa phương, cũng còn rất nhiều thiệt thòi nhất định. Một tháng ba mươi ngày, ngày nào cũng như ngày nào, anh em chiến đấu với nồi mì gói to đùng. Được bữa may mắn thì có nồi cháo gà, cũng là gà mà bà con thương mến mang đến cho.
***
“- Em xin ý kiến chủ động làm băng rôn, khẩu hiệu và một số bảng biểu trực tiếp để trên quốc lộ để cảnh báo người dân nâng cao nhận thức tham gia giao thông”- Đức đã mạnh dạn ý kiến như thế tại một cuộc họp giao ban cấp huyện. Mặc dù anh biết đó là vượt thẩm quyền vì anh chưa đưa ra ý kiến này đối với cuộc họp giao ban hàng tuần tại xã, xin ý kiến đối với đồng chí trưởng công an xã. Nhìn ánh mắt sắc lẹm của thủ trưởng, anh hơi lo lắng. Nhưng đây cũng là quyền lợi chính đáng cho bà con Nhân dân trên tuyến quốc lộ, khi hàng ngày đối diện với nhiều mối nguy hiểm khi tham gia giao thông. Nhìn những gia đình có nạn nhân thiệt mạng trong những vụ va chạm, làm án và hàng ngày chứng kiến con đường đầy những vệt trắng, anh không khỏi ám ảnh. Có lẽ thời gian công tác ở huyện chưa cho anh cơ hội để trực tiếp làm việc nhiều với bà con cấp xã. Có đi cơ sở rồi mới hiểu, chính họ là những người hàng ngày đang phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát.
Đồng chí trưởng công an huyện nhẹ nhàng:
- Vấn đề nhức nhối mà bao năm nay chúng ta, những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ trên tuyến đường này đều biết, đó là một điểm đen về an toàn giao thông mà đến nay chưa có hướng xử lý hiệu quả. Dự án đầu tư mở rộng nâng cấp tuyến giao thông này đã có, nhưng từ nay đến khi thi công là cả một quá trình dài, những chiến sĩ cảnh sát phải chờ. Trong thời gian đó, xe trên quốc lộ vẫn lưu thông với mật độ dày đặc. Nhất là vào dịp cuối tuần, xe du lịch gia đình rất đông. Gần sáng thường xuyên có xe tải chở hàng hướng về thành phố. Nếu như thực hiện phương án treo băng rôn, khẩu hiệu hay các bảng cảnh báo dày đặc thì có thức tỉnh được cánh tài xế hay không. Hiện nay các biển báo cảnh báo tai nạn trên tuyến đường này không phải là ít. Và bây giờ, kinh phí đầu tư thêm là con số không nhỏ đâu các đồng chí ạ.
Cả hội trường im lặng. Đức trở nên bối rối. Anh cũng chưa nghĩ ra phương án nào khả thi hơn.
Có một đồng chí đơn vị xã bên lên tiếng:
- Thay vì cách đó tốn quá nhiều kinh phí, chúng ta có thể tuyên truyền trên loa, đài phát thanh và bằng xe lưu động chạy dọc quốc lộ.
- Liệu có khả thi không? Ai sẽ lắng nghe chúng ta?
- Dạ khả thi chứ ạ, miễn là chúng ta kiên trì, mưa dầm thấm lâu mà anh.
Hội trường bắt đầu rôm rả hơn, những ý kiến đóng góp bắt đầu. Chưa bao giờ Đức thấy một cuộc họp căng thẳng, cam go nhưng có nhiều đóng góp thiết thực đến vậy. Có lẽ đưa ra tập thể thì mới đón nhận được những ý kiến sát thực với tình hình an ninh trật tự địa phương lúc này. Nhiều khi không mạnh dạn đề xuất ý kiến thì người chịu nhiều thiệt thòi là bà con Nhân dân, những người đang từng ngày góp công, góp sức xây dựng đất nước.
Với Đức, được gần dân, lan tỏa ý thức cộng đồng vẫn luôn là nỗi lo canh cánh trong anh. Đợt điều động công tác về địa phương này không biết cấp trên sẽ duy trì thời gian bao lâu. Nhưng anh tin, với sự cố gắng, nỗ lực của mình và tập thể đồng chí, đồng đội công an viên, mọi nhận thức về an toàn giao thông, công tác phòng chống tội phạm và ý thức công dân sẽ được thay đổi.
Phương án tuyên truyền lưu động được phê duyệt của thủ trưởng. Hôm sau, đội công tác tuyên truyền của huyện đã về xã, triển khai phương án làm băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền bằng loa di động và phát thanh hàng ngày. Công tác được triển khai nhanh chóng. Được sự giúp sức của toàn bộ lực lượng trong đơn vị, chỉ một ngày sau, in ấn và chuẩn bị bài cơ bản đã xong. Đơn vị xã Đức được chọn làm đơn vị điểm thực hiện tuyên truyền, nếu đạt hiệu quả cao, huyện sẽ đồng ý triển khai cho các xã lân cận trên địa bàn, đặc biệt những xã có “điểm đen” tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội.
***
Tổng kết công tác những tháng đầu năm, lần đầu tiên Đức được xướng tên khen thưởng. Bước lên bục nhận bằng khen cấp tỉnh, anh run run, một niềm vui khó tả dâng đầy. Phần thưởng cao quý này chính là bước ngoặt đánh dấu cho thành công của anh trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, an toàn, an ninh địa phương trong thời gian qua.
Những đêm không ngủ, về nhà muộn, để vợ chờ cửa cũng làm anh áy náy. Nhưng anh tin với nỗ lực phấn đấu từng ngày của mình, mọi thứ sẽ dần thay đổi. Ngoài kia nắng tháng tám nhẹ rơi đều trên tán sa kê, lấp lánh một mùa thu dịu dàng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin