“Thổi hồn”gạch gốm quê hương

06:13, 24/08/2024

(VLO) Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng nghề gạch gốm Mang Thít vẫn lưu giữ nhiều giá trị, phản ánh nét văn hóa trăm năm của vùng đất này. Giữa những thách thức của thời đại, vẫn có những người dành nhiều tâm huyết, âm thầm “giữ lửa” và “thổi hồn” cho nghề gạch gốm truyền thống.

Làng nghề gạch gốm Mang Thít lưu giữ nhiều giá trị, phản ánh nét văn hóa trăm năm của vùng đất này. Ảnh: NGỌC LIỄU
Làng nghề gạch gốm Mang Thít lưu giữ nhiều giá trị, phản ánh nét văn hóa trăm năm của vùng đất này. Ảnh: NGỌC LIỄU

Không gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp gạch gốm

Cách cầu Kênh Thầy Cai rẽ vào ĐT907 (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) chừng 2km, nép mình bên dòng kênh Thầy Cai yên ả, quán cà phê Nhà gạch gốm đương đại đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thú vị để du khách có thể chiêm ngưỡng ngôi nhà 2 tầng có kiến trúc độc đáo làm từ gạch gốm.

“Nhà gạch gốm đương đại” hơn 60m2, không chỉ là nơi tiếp đón 30-40 lượt khách/ngày đến tham quan, mà còn tựa như một nơi “gắn kết” giá trị truyền thống của làng nghề gạch gốm trăm năm với nhịp sống hiện đại.

Ý tưởng xây dựng, kinh doanh quán cà phê nhà gạch có liên kết với các tour du lịch của anh Dương Chí Hiền đã bắt đầu khoảng 1 năm nay.

“Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm gạch, tôi muốn góp chút công sức vào việc giữ gìn nghề của cha ông, đồng thời lan tỏa giá trị và vẻ đẹp độc đáo của loại gạch này đến với mọi người”- anh Hiền chia sẻ.

Gắn bó với nghề gạch gốm hơn 30 năm, theo anh Hiền, gạch không chỉ là một chất liệu “vô hồn” chỉ để xây dựng, mà còn có thể tạo ra những món đồ trang trí chứa đựng những tình cảm đáng quý.

Từ viên gạch ngân lượng, cột gốm khắc hoa văn trống đồng đến những con vật đáng yêu làm từ gạch gốm được bày trên kệ đều được tạo tác bởi tình yêu của những người “yêu đất”.

Anh Hiền cho hay: “Hiện tôi vẫn có 3 miệng lò đang hoạt động và liên kết sản xuất với một số lò của người thân, chủ yếu cung cấp gạch cho các công trình, khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

Có sẵn kinh nghiệm làm gạch, tôi học trên mạng cách người Ấn Độ làm nhà gạch rồi bắt tay xây dựng quán cà phê, lúc đầu không có bảng vẽ, chỉ làm theo sở thích cá nhân, từng bước hoàn thiện.

Dần dà được du khách gần xa yêu thích, tìm đến check-in, có người đến ngắm bình minh, có người thích nhâm nhi cà phê mỗi khi hoàng hôn xuống”.

“Sắp tới, tôi sẽ mở thêm hoạt động làm bánh dân gian tại quán để thu hút du khách. Tôi hy vọng con đường phía trước quán sẽ sớm được cải tạo, nâng cấp để du khách đến tham quan làng nghề thuận tiện hơn.

Mong rằng mô hình du lịch tại làng nghề sẽ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, hướng dẫn người dân liên kết khai thác tiềm năng phát triển du lịch”- anh Hiền nói dự định ấp ủ.

Làm du lịch để lan tỏa vẻ đẹp gạch gốm

Khách đến tham quan quán cà phê Nhà gạch gốm đương đại có thể chiêm ngưỡng những lò gạch cổ kính bên dòng kênh Thầy Cai.
Khách đến tham quan quán cà phê Nhà gạch gốm đương đại có thể chiêm ngưỡng những lò gạch cổ kính bên dòng kênh Thầy Cai.

Với kim chỉ nam làm du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa bản địa, chị Nguyễn Ngọc Phương Oanh- chủ Mekong Pottery Homestay (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) luôn hướng đến việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động trải nghiệm được thiết kế bài bản và thú vị.

Dựa trên những nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương, Phương Oanh không chỉ mong muốn bảo tồn mà còn muốn phát triển những nguồn tài nguyên này ở tương lai.

Phương Oanh cho hay: “Tôi muốn dùng sự tự hào về quê hương mình để quảng bá cho những điểm đến mang nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử bản địa, trong đó có nét đẹp bình dị của làng gạch gốm Vĩnh Long”.

Qua những chuyến dẫn khách đến tham quan các lò gạch, Phương Oanh cho biết du khách nước ngoài rất yêu thích nét đẹp mộc mạc mà gần gũi của những lò gạch gốm.

Tại những buổi trải nghiệm làm gốm, du khách có cơ hội đắm mình trong không gian cổ xưa của những lò nung hàng trăm năm tuổi nằm dọc bờ sông Cổ Chiên. Bắt đầu chọn khuôn yêu thích, từ những loài động vật đáng yêu đến những chiếc bình gốm nghệ thuật, thử sức tạo hình bằng tay, đắp đất đến hoàn thiện sản phẩm.

Sản phẩm gốm đỏ được trưng bày bên trong quán cà phê Nhà gạch gốm đương đại.
Sản phẩm gốm đỏ được trưng bày bên trong quán cà phê Nhà gạch gốm đương đại.

Với tình yêu quê hương, Phương Oanh không chỉ giới thiệu đến khách du lịch nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, mà còn chọn bối cảnh từ làng nghề làm gạch nung hơn 100 năm ở Vĩnh Long là chủ đề cho bộ ảnh cưới của mình.

Sau tất cả, với Phương Oanh, quê hương Vĩnh Long còn nhiều di sản nồng nàn màu sắc văn hóa cần được bảo tồn. Cô gái này luôn mong góp sức nhỏ bé của mình để quảng bá hình ảnh một Vĩnh Long tươi đẹp với những nét riêng.

Vẽ nên tình yêu gốm đỏ từ đôi tay sáng tạo

Cũng với tình yêu quê hương, mong muốn góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống của quê nhà, chị Hồ Thanh Thảo (Phường 5, TP Vĩnh Long) đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp vẽ tranh trên nền gốm đỏ.

Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường Thảo đã có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh trên mảnh đất quê hương. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Đồng Tháp, Thảo đi dạy vẽ và làm bánh bán để nuôi dưỡng đam mê vẽ tranh.

Thanh Thảo mong muốn lan tỏa vẻ đẹp quê hương qua tranh vẽ trên gốm.
 

Trong một lần đi khám phá du lịch Đồng Tháp, thấy nơi đây có những sản phẩm lưu niệm mang nét đặt trưng rất riêng, Thảo chợt nghĩ về quê mình: Vùng đất có một “vương quốc gạch gốm” trăm năm nhưng khi khách du lịch đến Vĩnh Long thì chưa có một sản phẩm nào mang nét riêng của nơi đây.

Xuất phát từ lý do đó, Thảo đến làng gạch gốm Mang Thít để tìm nhiều dáng chậu về vẽ thử và làm nhiều cách để màu giữ được lâu trên nền gốm mộc.

Sau nhiều lần nghiên cứu, Thảo đã tìm ra công thức vẽ tranh trên nền gốm đỏ, cô mạnh dạn mang ý tưởng này dự thi cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh vào năm 2023 và mang về giải nhất.

“Mong muốn của tôi khi chọn vẽ tranh trên gốm là được lan tỏa vẻ đẹp của gốm đỏ Vĩnh Long và khao khát được nhận lửa- giữ lửa và truyền lửa cho nghề gạch gốm quê hương”- Thảo bày tỏ.

Chủ đề mà Thảo hướng đến là những cảnh đẹp của quê hương, đặc biệt là di tích văn hóa, lịch sử, đình, chùa, cây trái đặc trưng của Vĩnh Long. Qua đó, giới thiệu đến du khách về những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng của nơi đây, nhằm quảng bá du lịch cũng như gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa và làng nghề gốm đỏ.

Du khách thích thú trải nghiệm tại những lò gạch gốm.
Du khách thích thú trải nghiệm tại những lò gạch gốm.

Thảo mong muốn sản phẩm của cô không chỉ giới thiệu trong nước mà còn có thể xuất khẩu, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của Vĩnh Long đến bạn bè quốc tế.

“Sắp tới tôi sẽ làm những video ngắn giới thiệu về những cảnh đẹp, địa danh của quê mình, cuối video là một sản phẩm gốm mang hình ảnh nơi tôi đã giới thiệu, vừa có thể quảng bá điểm du lịch, vừa có thể giới thiệu sản phẩm do chính cửa hàng tạo ra”- Thảo nói.

Thảo chia sẻ: “Những nơi tôi đã đi qua để tìm tư liệu vẽ tranh đều được bà con nhiệt tình, cởi mở chia sẻ về đặc trưng nơi đó. Đây cũng là động lực thôi thúc tôi cố gắng hơn nữa.

Dù biết rằng đi con đường khởi nghiệp bằng sản phẩm mỹ thuật còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với sự ủng hộ từ phía địa phương và khao khát giữ gìn làng nghề truyền thống Vĩnh Long theo hướng truyền thống kết hợp hiện đại của mình sẽ là động lực to lớn để tôi vững bước trong chặng đường sắp tới”.

Có thể thấy, với tình yêu quê hương, yêu những nét đẹp truyền thống quê nhà, yêu gạch gốm và với sức sáng tạo, lòng nhiệt thành để tạo nên diện mạo mới cho nghề gạch gốm, nhiều người đã tìm về nơi tiềm năng sẵn có và từng bước góp sức lan tỏa vẻ đẹp những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa, góp một tiếng nói mới cho làng nghề.

Bài, ảnh: SONG THẢO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh