Tản văn: Tiếng vọng tri âm...

05:53, 26/08/2024

(VLO) Đứa em gọi rủ đi hát karaoke. Tôi cười chắc nó nói chơi. Tự dưng, hai chị em, không có lý do gì lại rủ nhau vào cái chốn xập xình. Nhưng nó cứ nhất quyết đi vì chỉ được một hôm ra trực.

Với đờn ca tài tử, lắng nghe nhau là tri âm.
Với đờn ca tài tử, lắng nghe nhau là tri âm.

Vào phòng, nó mở bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu, kêu tôi chỉ cho hát với lý do là dân miền Tây, đi ra gặp bạn bè mà không hát được một câu vọng cổ thì “quê” lắm. Tôi cười. Quê gì?

Đâu phải ai cũng hát được. Ngay cả khi anh bạn cùng nhà với tôi hơn chục năm cũng có hát được đâu. Cha tôi hay nói thằng rể rất êm. Nhà có cha vợ, em vợ, cậu vợ đều là nhạc công.

Vậy mà không ai đủ trình lên dây cho rể hát đúng tông. Yêu với hát được là hai chuyện khác nhau. Ở xóm tôi, người hát được không nhiều. Nhưng hầu như là họ thuộc lời rất nhiều bài ca vọng cổ, những trích đoạn cải lương.

Mọi người hay gọi tôi là “con nhà nòi”. Nhưng thú thật là tôi biết ít. Tôi nhớ hồi đó cha dạy hát theo đàn bằng cách “nhịp giò” (nhịp chân). Nhịp chính sẽ rơi vào chân thuận. Bài vọng cổ bây giờ là nhịp 32.

Lúc mới ra đời là nhịp đôi từ “Dạ cổ hoài lang”, rồi nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32… Dù được dạy nhưng do ít hát nên theo thời gian tôi quên hết. Người ta không thể giỏi bất cứ việc gì nếu không luyện tập.

Tôi bắt đầu chỉ nó nhịp chân và khó nhọc hát cùng dây kép. Hát xong “Tình anh bán chiếu” nó toát mồ hôi. Tôi nói nó xuống hò, xuống xề trớt quớt, ngân xê, xang, cống cũng không ra.

Giọng nó cứng hơn củi. Lại còn phát âm chuẩn nữa chứ. Hát vọng cổ mà phát âm chuẩn là coi như không biết gì về vọng cổ. Phải “đi dề” chứ không phải “đi về”; phải “dó thổi” chứ không phải “gió thổi”; phải “qua bằng lăng” chứ không phải “hoa bằng lăng”…

Nó nói khó quá chị. Sao chị hát được? Tôi cũng không biết vì sao tôi hát được. Khi mẹ ru con trai tôi ngủ, bà hát vọng cổ. Tôi chắc rằng giấc ngủ của tôi cũng được ru êm bằng giai điệu ấy.

Và dường như, tôi được nghe nhiều nhất là cải lương trong suốt thời thơ ấu của mình. Lớn lên cha dẫn đi hát đám cưới, đám giỗ. Có những buổi ca hát thâu đêm.

Càng về khuya, chẳng hiểu người nắn phím so dây bằng cách nào đó cứ làm mấy chữ hò, xự, xang, xê, cống càng da diết lắng đọng, cuốn người ngồi đó vào cuộc say quên lối về. Cây đờn thùng hay lắm. Âm thanh vừa với tiếng hát tự nhiên. Đêm sâu cứ được rót đầy.

Tánh cha tôi kỳ lắm! Mỗi lần tôi mời bạn về nhà là ông dọn bàn, mời rượu, kể không ngớt chuyện ông đi sinh hoạt đờn ca tài tử, ông cứ ôm đờn bảo bà hát.

Rồi ông kể ngày kia ông bạn đờn sai nhịp, bữa nọ người này hát quên lời, rồi ông giải thích, với đờn ca tài tử, lắng nghe nhau là tri âm.

Mỗi khi khách về là tôi cằn nhằn cha vì biết có những người không hề biết nghe luôn. Ông bảo phải nói cho tụi bây nhớ, chớ không tụi bây quên hết bản sắc.

Mấy đứa không biết nghe thì càng phải nói nhiều hơn. Tôi thấy có lý. Vậy là, mỗi khi bạn bè muốn “dìa” chơi là tôi nói trước, biết một chút cải lương, đờn ca tài tử thì mới thích nghi được với cha tui nghen.

Bây giờ, tôi bận rộn với cuộc sống đang trôi đi rất nhanh. Có khi rất lâu tôi không hát lấy một câu vọng cổ vì không có ai đờn. Hát trên beat thì thật vô nghĩa. Chỉ khi về quê, cha đờn cho hát. Và hát rớt nhịp.

Cha tôi nhăn mặt nói chú Kiệt mày hồi trước dạy từng chút, nhấn nhá từng chút để mày hát cho mùi. Ngồi chép tay từng bài cho mày hát. Giờ nó biết nó buồn.

Tôi im lặng, ký ức thời xa vắng hiện về. Chú Kiệt- một người bạn tri âm trẻ tuổi của cha có ngón đờn thiệt mùi. Chú về nhà chơi và nhận dạy tôi hát. Suốt mấy năm tuổi hoa niên, tôi hát theo tiếng đờn của chú mỗi ngày. Tôi bất chợt hỏi bâng quơ: Bây giờ chú Kiệt ở đâu? Gần 20 năm rồi. Tôi chưa một lần gặp lại.

Tôi nói với thằng em. Cứ về mở “Tình anh bán chiếu” nghe nhiều nhất có thể. Nghe đến một thời điểm nào đó, giai điệu nó ngấm vào người, từ trong sâu thẳm sẽ vọng lên giai điệu quê hương.

Bài, ảnh: HUỲNH NHỊ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh