Họa sĩ Vĩnh Long tôn vinh nét đẹp đồng bằng

12:55, 20/08/2024

(VLO) Thế là đến hẹn lại lên, chỉ còn hơn một tháng nữa là Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 29 năm 2024 sẽ diễn ra tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Người lính điện.Tranh khắc gỗ của Bùi Dương Phương Bình
Người lính điện.Tranh khắc gỗ của Bùi Dương Phương Bình

Đây là ngày hội của các nghệ sĩ tạo hình, là dịp gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật với sự tham gia của các họa sĩ, người yêu thích hội họa của 13 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Triển lãm tuyển chọn trưng bày các tác phẩm có nội dung mà các nghệ sĩ tạo hình quan tâm sáng tác. Khuyến khích các tác phẩm sáng tác về đề tài lịch sử, cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… chú ý phát hiện các tác giả tìm tòi sáng tạo về hình thức, ngôn ngữ, chất liệu nghệ thuật mang bản sắc riêng, trên tinh thần phát huy truyền thống mỹ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Sau khi nhận được thông báo về Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 29 năm 2024, các họa sĩ tỉnh Vĩnh Long đã tích cực sáng tác và có 44 tác giả gửi 53 tác phẩm tham gia (trong đó có hơn 20 sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Cửu Long).

Hội đồng Nghệ thuật- Hội Mỹ thuật Việt Nam đã xét chọn 22 tác phẩm của 18 tác giả để trưng bày tại triển lãm. Gồm 8 tác giả là hội viên Trung ương với 12 tác phẩm, 5 tác giả hội viên địa phương với 5 tác phẩm và 5 cộng tác viên với 5 tác phẩm.

Qua các tác phẩm được chọn triển lãm hình ảnh quê hương, con người Vĩnh Long hiện lên trong màu sắc lung linh, bố cục hài hòa, phong phú về chất liệu như sơn dầu, acrylic, lụa, khắc gỗ, khắc mica, đáng chú ý có 2 tác phẩm sơn mài, một chất liệu ít xuất hiện tại triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL.

Lần này, các họa sĩ khá lớn tuổi như Tín Đức tiếp tục khai thác sự rực rỡ, tinh tế của chất liệu sơn dầu với 2 tác phẩm "Xóm nhỏ bên sông" và "Cuồng lưu"; họa sĩ Dương Hồng Gia với phong cách thể hiện đậm cá tính với 2 tác phẩm "Vườn ươm" và "Khởi nghiệp cùng hoa kiểng"; nữ họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng vẫn trung thành với lụa, trong đó có bộ 4 tác phẩm vẽ về làng nghề gạch gốm bên dòng Cổ Chiên; họa sĩ Nguyễn Lưu tìm tòi thể hiện với chất liệu sơn mài trong tác phẩm "Ký ức phù sa"; họa sĩ Đặng Can với bút pháp ảo diệu, mượt mà đưa người xem về miền đất nhớ với những hình ảnh quen thuộc của Vĩnh Long như Văn Thánh miếu, Thành cửa Hữu, cầu Lộ, mái trường xưa; Phan Bửu Lộc, Trần Thắng, Nguyễn Thị Thu Hương tiếp tục giới thiệu đến người xem về miền “Di sản đương đại Mang Thít”, với làng nghề gạch, gốm bên dòng kênh Thầy Cai; các cây cọ trẻ như Bùi Dương Phương Bình, Lưu Châu Minh, Phan Kim Cương, Lê Đỗ Lan Anh, Trúc Vy tiếp tục tìm tòi, sáng tạo với các đề tài gần gũi trong cuộc sống, phong cách trẻ trung, đặc trưng của riêng mình…

Ngày 29/9/2024 tới đây tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kiên Giang sẽ chính thức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 29, hy vọng sẽ có nhiều tác giả, tác phẩm của họa sĩ Vĩnh Long được xướng tên, góp phần khẳng định về sự lớn mạnh, phát triển của đội ngũ mỹ thuật tỉnh nhà, từng bước vươn xa, tích cực sáng tác tham gia vào nhiều hoạt động, làm phong phú thêm đời sống mỹ thuật của tỉnh, khu vực và cả nước.

Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL (hay còn gọi là Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII) là hoạt động thường niên, diễn ra trên phạm vi cả nước do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố luân phiên tổ chức hàng năm và chia ra thành 8 khu vực gồm: Khu vực I: Hà Nội; Khu vực II: Đồng bằng sông Hồng; Khu vực III: Tây Bắc- Việt Bắc; Khu vực IV: Bắc miền Trung; Khu vực V: Nam miền Trung và Tây Nguyên; Khu vực VI: TP Hồ Chí Minh; Khu vực VII: Đông Nam Bộ và Khu vực VIII: ĐBSCL.

TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh