Giữ gìn nét cổ nhà xưa

07:44, 25/08/2024

(VLO) Những ngôi nhà cổ ví như một “bảo tàng thu nhỏ” về lịch sử- văn hóa, và là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng sáng tạo của tiền nhân trong quá trình phát triển.

Căn nhà cổ 1 trệt 1 lầu hiếm hoi còn tồn tại trên địa bàn tỉnh.
Căn nhà cổ 1 trệt 1 lầu hiếm hoi còn tồn tại trên địa bàn tỉnh.

Dân gian có câu: “Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà”... Ngụ ý việc cất nhà là 1 trong 3 việc trọng đại của đời người. Vì thế, khi cất nhà chủ nhân lại muốn tìm vị trí tốt, đẹp.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, vị trí một ngôi nhà cổ đẹp ở Vĩnh Long nói riêng, miền Tây Nam Bộ nói chung, trước năm 1945 phải đạt các yêu cầu: bên trái nhà có sông, bên phải có đường, trước nhà có cây cao bóng mát, sau nhà thì vườn tược trồng cây ăn trái.

Mỗi ngôi nhà cổ dù rộng lớn hay vừa phải đều có 4 khu vực: khu vực tiếp khách, khu vực thờ phụng, buồng ngủ và nhà bếp.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, ngôi nhà cổ không chỉ là sự kết tinh của trí tuệ, lao động sáng tạo của nhiều thế hệ mà còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam, của ông bà, tổ tiên đã dày công tạo dựng.

Yếu tố thẩm mỹ, tính triết lý thể hiện qua các hoành phi, câu đối, bao lam, đại tự mang đậm nét hoài cổ của cư dân Nam Bộ, làm cho từng ngôi nhà mang phong vị riêng và chứa đựng chiều sâu văn hóa.

Không gian nhà của ông Chánh Tổng Nguyễn Kim Thinh được xây theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái kép bằng gỗ.
Không gian nhà của ông Chánh Tổng Nguyễn Kim Thinh được xây theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái kép bằng gỗ.

Căn nhà do ông Chánh Tổng Nguyễn Kim Thinh xây dựng (khóm Thành Nhân, TT Tân Quới, huyện Bình Tân) là công trình được thực hiện công phu đạt đến độ hoàn chỉnh về kết cấu và có quy mô khá lớn trong số nhà gỗ xưa ở Vĩnh Long.

Bà Lê Thị Ba- cháu dâu đời thứ 4 của ông Chánh Tổng Nguyễn Kim Thinh, cho biết ngôi nhà được hoàn thành vào khoảng năm 1864 sau hơn 3 năm xây dựng, với kết cấu ban đầu theo lối nhà rường Nam Bộ, 3 gian 2 chái kép bằng gỗ thao lao và gõ đỏ.

Đến đầu những năm 1910, người con trai duy nhất của ông Chánh Tổng Nguyễn Kim Thinh, tục gọi Hội đồng Đãnh tức ông Nguyễn Kim Đãnh đã cho tu bổ và cải tạo ngôi nhà thành ngôi nhà chữ khẩu và phân chia chức năng sử dụng rõ ràng.

Nhà trên là không gian thờ tự và sinh hoạt của gia đình được bày trí xa hoa, sang trọng với tủ thờ, bàn ghế cẩn ốc xà cừ, tranh liễn, câu đối sơn son thếp vàng toát lên vẻ quyền quý, cao sang.

Nhà cầu và sân thiên tỉnh là nơi tiếp nối với nhà khách phía sau có nhiệm vụ điều hòa không khí thoáng mát cho toàn bộ căn nhà và cũng là nơi dự trữ nước mưa dùng trong sinh hoạt.

Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, một số công trình phụ của ngôi nhà đã bị phá bỏ. Riêng phần vách mặt cáo gỗ bị hư hỏng và nhằm bảo quản các hiện vật bên trong, gia đình đã cho xây dựng lại vách tường chắc chắn.

Song cách bố trí các hiện vật, hơn 100 cây cột cùng hệ thống kèo gỗ bên trong vẫn được con cháu trong gia tộc ông Chánh Tổng Nguyễn Kim Thinh giữ nguyên và bảo vệ cho đến ngày nay.

“Với tôi và các con cháu, căn nhà không chỉ là niềm tự hào của gia tộc mà còn là trách nhiệm gìn giữ tài sản của tổ tiên”- bà Lê Thị Ba bộc bạch.

Hiện, bà Ba cùng vợ chồng cậu con trai út sống trong ngôi nhà này. Mỗi dịp cúng giỗ hay lễ, Tết, con cháu sum họp, căn nhà ông Chánh Tổng lại rộn ràng nhất xóm.

“Con cháu tui hay đưa bạn bè về đây. Tụi nhỏ rất thích vì nét đẹp cổ xưa và hay đòi kể chuyện về lịch sử căn nhà”- bà Ba vui vẻ cho hay.

Những căn nhà cổ không chỉ là vốn quý của gia chủ mà còn mang đậm giá trị văn hóa bản địa cần được gìn giữ.
Những căn nhà cổ không chỉ là vốn quý của gia chủ mà còn mang đậm giá trị văn hóa bản địa cần được gìn giữ.

Cách đó không xa là căn nhà của ông Huyện Hàm Nguyễn Quang Tự ở ấp Tân Phước, xã Tân Bình, huyện Bình Tân.

Dù hiện vật bên trong căn nhà không còn đầy đủ do yếu tố thời cuộc, song các con cháu của gia đình ông Huyện Hàm Nguyễn Quang Tự vẫn cố gắng gìn giữ nguyên vẹn hiện trạng căn nhà. Theo tư liệu gia đình thì ngôi nhà được xây từ 1915, đến 1917 thì hoàn thành.

Kiến trúc ngôi nhà là sự giao thoa giữa kiến trúc châu Âu kết hợp với kết cấu nhà 3 gian 2 chái truyền thống Nam Bộ. Bên trong ngôi nhà có không gian rộng rãi thoáng mát, đem đến cảm giác dễ chịu cho người ở.

Những mảng trang trí, dụng cụ sinh hoạt, đồ thờ đều là những vật dụng có giá trị về kinh tế, lịch sử và văn hóa. Tất cả đều được bố trí sắp xếp ngăn nắp, lau chùi sạch sẽ, thể hiện ý thức gìn giữ, bảo quản của gia chủ rất cao. 

Bà Bùi Thị Dung, cháu dâu đời thứ 5 của ông Huyện Hàm, cho biết lúc đầu khi tiếp quản nhà bà đã rất lo lắng vì đây là tài sản quý giá của tổ tiên truyền lại.

“Tôi quyết giữ nhà và hầu như không thay đổi bất cứ đều gì của căn nhà. Hiện nhà cũng xuống cấp nhiều nhưng nếu sửa chi phí sẽ rất cao và cũng tìm ẩn nhiều rủi ro. Trước cũng có nhiều đoàn khách đến tham quan và đề nghị hỗ trợ tu bổ lại nhà nhưng tôi vẫn chưa đồng ý”- bà Dung trăn trở.

Nhận thức rõ nhà cổ đang mất dần, gia chủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực tìm cách giữ vốn cổ, điển hình như câu chuyện bảo tồn nhà ông Trương Văn Me ở ấp Phước Ngươn, xã Long Phước, huyện Long Hồ.

Kết hợp giữa công tác bảo tồn và khai thác phục vụ phát triển du lịch đang mang đến cơ hội để những kiến trúc nhà cổ có thể tồn tại bền vững với thời gian.

Theo bà Lê Ngọc Anh- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ 87 căn nhà xưa. Trong đó, tập trung nhiều ở TP Vĩnh Long và các huyện: Long Hồ, Mang Thít, Bình Tân. Về mặt quy mô, các căn nhà có diện tích xây dựng nhỏ nhất là 70m² và ngôi nhà hoành tráng nhất có diện tích lên đến 990m².

Tuy nhiên để có cơ sở khoa học chứng minh giá trị của các căn nhà cổ, cần có những cuộc điều tra, thống kê đưa nhà xưa vào danh mục kiểm kê, nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn, đồng thời phân loại, phân tích cụ thể từng ngôi nhà.

“Sau đó, sẽ in thành sách hoặc catalogue giới thiệu về nhà xưa Vĩnh Long. Qua đó tạo ý thức cho người dân, tìm hướng đi cụ thể. Nhằm giữ gìn và phát huy tốt nhất vốn quý này vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Nếu làm được như thế thì sẽ có đầy đủ thông tin, cơ sở khoa học về nhà xưa ở Vĩnh Long để xem xét đưa vào diện xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng như có kế hoạch căn cơ cho việc tu bổ, tôn tạo và khai thác giá trị quý giá của nhà xưa trên địa bàn toàn tỉnh”- bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh