Giữ gìn chữ viết, điệu múa của đồng bào Khmer

15:32, 20/08/2024

(VLO) Tỉnh Vĩnh Long hiện có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm,... Việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, điệu múa đã trở thành nét đẹp văn hóa luôn được đồng bào Khmer duy trì truyền dạy cho các thế hệ sau.

Lớp học tiếng Khmer tại chùa Mới vào dịp hè.
Lớp học tiếng Khmer tại chùa Mới vào dịp hè.

Đã thành thông lệ, cứ mùa hè đến là chùa Mới (ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) lại rộn ràng tiếng tập đọc chữ Khmer của các em học sinh.

Hè năm nay, chùa mở 3 lớp dạy tiếng Khmer với khoảng 150 em học sinh theo học ở 3 khối lớp chữ Khmer, từ lớp 1-3. Các em đến chùa tham gia học chữ vì bản thân yêu thích chữ viết của dân tộc và để học được nhiều điều hay, lẽ phải.

Em Thạch Thị Như Ý (ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) chia sẻ: “Con học được 2 mùa hè rồi, con biết đọc, biết viết chữ Khmer rồi, con thấy mùa hè thật vui, ý nghĩa”.

Em Thạch Thị Hoa Tân (ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cũng cho biết: “Hè nào em cũng tranh thủ đi dạy 2 tháng. Lớp học của em có 85 bé từ nhỏ đến lớn. Thông qua lớp học này giúp các em biết đọc, biết viết, hiểu nghĩa, hiểu từ của dân tộc mình”.

Hàng tuần CLB Văn hóa- Nghệ thuật quần chúng huyện Vũng Liêm đều dành thời gian để cùng nhau sinh hoạt, luyện tập tại chùa Hạnh Phúc Tăng (ấp Trung Trạch, xã Trung Thành).

Tại đây, các bạn sẽ cùng nhau tập dáng chuẩn của múa, cảm nhạc và học các điệu múa, các động tác cơ bản của múa rô băm, các điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer. Múa là hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, hội truyền thống của bà con Khmer.

Vì vậy việc truyền dạy các điệu múa truyền thống không chỉ truyền cảm hứng, lan tỏa bộ môn nghệ thuật này mà còn góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. 

Em Trần Ngọc Phúc Hân (Khóm 2, TT Vũng Liêm) cho biết: “Trong dịp hè, buổi sáng em vào chùa học tiếng Khmer, buổi tối thì em vào CLB học múa. Trong gia đình của em có một vài người biết đọc, biết viết tiếng Khmer, nên em muốn học thêm múa Khmer để em có thể giới thiệu với bạn bè về văn hóa của dân tộc Khmer”.

Em Sơn Ngọc Hiển (ấp An Nhơn, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm): “Em biết được các điệu múa Khmer cơ bản. Em muốn học để biết rõ về nền văn hóa cùng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.

Theo ông Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy chữ viết, múa Khmer,…

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đã thực hiện công tác chăm lo giữ gìn bản sắc ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm có 8 điểm trường trong đồng bào dân tộc thiểu số mở được 46 lớp, thu hút trên 1.700 học sinh tham gia.

Các chùa cũng đã tích cực triển khai các hoạt động này, nhất là trong dịp hè. Những lớp học trên đã góp phần thiết thực trong việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết, điệu múa, lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Bài, ảnh: T.TÂN- N.LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh