Ở thôn Tân Bình xưa, nay là xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, có một dòng họ với nhiều đời làm tướng tham gia trận mạc, nhiều vị tử trận sa trường được sử sách lưu danh. Dòng họ này được Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tìm ra dấu tích và sau đó đã kết nối được với các hậu duệ hiện sống ở Huế, đó là dòng họ Đoàn của tướng quân Đoàn Văn Sách.
(VLO) Ở thôn Tân Bình xưa, nay là xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, có một dòng họ với nhiều đời làm tướng tham gia trận mạc, nhiều vị tử trận sa trường được sử sách lưu danh. Dòng họ này được Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tìm ra dấu tích và sau đó đã kết nối được với các hậu duệ hiện sống ở Huế, đó là dòng họ Đoàn của tướng quân Đoàn Văn Sách.
Theo các tài liệu Hán Nôm được gìn giữ tại gia tộc họ Đoàn ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, đối chiếu sử sách và các tài liệu của Đoàn tộc tại Huế, chúng tôi biết được tộc họ Đoàn này có bản quán tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Các cụ tổ họ Đoàn theo chúa Nguyễn vào Nam, định cư tại thôn Tân Bình, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành khoảng năm 1730.
Lễ giỗ lần thứ 181 Đề đốc Vĩnh Long Đoàn Văn Sách tại đền thờ ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VÕ HỮU NGHỊ (Đồng Tháp) |
Căn cứ theo phả ghi chép, các vị tiên tổ họ Đoàn mà cho đến nay còn biết được danh tánh vào Nam định cư tại vùng đất Tầm Phong Long từ rất sớm, trước khi thành lập đạo Đông Khẩu (1757) đó là cụ Đoàn Văn Thành, từng theo chúa Nguyễn Ánh sang Vọng Các.
Kể từ khi vào sống tại Lấp Vò, Đồng Tháp, dòng họ Đoàn đã sản sinh ra những vị dũng tướng nối đời tận trung báo quốc, có thể kể đến những vị tiêu biểu đã được chánh sử nhà Nguyễn ghi nhận như sau:
Tướng Đoàn Văn Thành
Theo gia phả ở Kim Long- Huế chép lại cho biết, ông Đoàn Văn Thành là người đưa gia đình vào Nam theo chân các chúa Nguyễn, về ngụ cư tại thôn Tân Bình khoảng năm 1730 dưới triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Về sau, khi có biến loạn xảy ra, nhà Tây Sơn nổi lên, chúa Nguyễn chạy vào Nam, ông theo đầu quân với chúa Nguyễn Ánh nhưng rủi thay bị chết trên đường tòng vong theo chúa sang Xiêm.
Về gia thế, có thể nói gia tộc tướng Đoàn Văn Thành cũng là một gia tộc có thế lực lớn trong vùng.
Thượng thư Đoàn Văn Trường (1766-1835)
Đoàn Văn Trường là con trai tướng Đoàn Văn Thành. Ông lấy bà Nguyễn Khoa Thị Cúc, con gái Hiến Chương hầu Nguyễn Khoa Thuyên sanh ra những người con, sau này đa phần là dũng tướng.
Năm Đinh Mùi (1787), chúa Nguyễn Ánh từ Xiêm về nước lập căn cứ tại Hồi Oa (Nước Xoáy- nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) ông Đoàn Văn Trường khi đó vừa 21 tuổi, đến bản doanh để đầu quân. Ông thăng trải nhiều chức vụ như: Cai đội Tuyển Phong dinh Thần Sách (1788), Phó Vệ úy trực sai Hữu vệ (1801), Khâm sai thuộc nội cai cơ (1802), Quản phủ Diễn Châu, Quản suất đồn Tiên Lý (1818), Vệ úy Thị trung thuộc nội (1820), Đề đốc Kinh thành, kiêm quản vệ Giám Thành (1825), Đô thống chế Trung doanh quân Thần Sách (1826).
Năm 1827, vua đi tuần vào miền Nam, ông được sung làm Tiền bộ Hỗ tụng. Khi ấy nước Vạn Tượng bị nước Xiêm xâm lấn, xin viện trợ, vua cho ông sung chức Bang tá quân vụ, kinh lược đất biên giới trấn Nghệ An. Năm sau vua sai ông ra trấn thủ Nghệ An.
Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng đốc Bình Trị, Tổng đốc Bình Phú, tấn phong tước Diên Hựu Tử, Tổng đốc Hà Ninh, Đô thống, Thự Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự.
Năm 1835, Đoàn Văn Trường bệnh chết, được truy thụ hàm Thái tử Thiếu bảo, Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự, Binh bộ Thượng thư. Năm 1857, đưa vào thờ ở đền Hiền Lương.
Đề đốc Vĩnh Long Đoàn Văn Sách (1794-1842)
Sắc phong cho Chưởng vệ Diên Hựu Nam là Thự Đề đốc Vĩnh Long cấp ngày mùng 5 tháng 11 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841)- Sắc hiện lưu giữ tại Đền thờ Đề đốc Vĩnh Long Đoàn Văn Sách ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. |
Đoàn Văn Sách là con trưởng của Thượng thư Đoàn Văn Trường. Ông được hưởng chế độ tập ấm, học Trường Anh Danh (trường võ bị chuyên nghiệp triều Nguyễn). Năm 1827, bổ làm Suất đội 3 quân Thần Sách. Năm 1830 tập ấm hàm Quản cơ.
Năm 1834, thăng Thự Phó Vệ úy vệ Cự Dũng đến quân thứ Gia Định đánh giặc. Năm thứ 1835, vì có chiến công được thực thụ Phó Vệ úy. Năm 1837, đổi đi Phó Lãnh binh tỉnh Hưng Hóa, tập phong là Diên Hựu Nam rồi đổi đi làm Phó Lãnh binh phủ Hải Đông ở
Trấn Tây.
Năm 1838, đánh phá được giặc Xiêm, vua cho thưởng quân công kỷ lục và kim tiền, ngân tiền. Năm 1840, đóng quân ở bảo Chi Trinh, Phó Lãnh binh là Nguyễn Công Nhàn bị giặc vây chặt, Đoàn Văn Sách đem quân ứng tiếp, bị ngăn trở không thể tiến lên được, mới đem hơn 300 biền binh theo đường thủy cưỡi thuyền chiến, đốc suất quân đến thẳng Tam Kỳ, đánh phá đồn giặc được thắng lớn.
Giặc bỏ đồn chạy. Nguyễn Công Nhàn thấy có quân cứu viện, mở cửa đánh giáp vào, giặc tan vỡ cả, quan quân đốt hết trại giặc, mới giải được vây. Vua rất khen, thưởng thụ Vệ úy.
Mùa đông năm ấy, người Xiêm lại đem quân vây sát bảo Sa Tôn, sự thế nguy cấp, tướng quân Trương Minh Giảng phái Đoàn Văn Sách đem đại đội binh dõng đến cứu viện.
Đoàn Văn Sách đem quân đến đánh rất dữ, lấy được 14 đồn của giặc, thu được súng lớn và khí giới rất nhiều. Với chiến công này, vua thăng Đoàn Văn Sách chức Chưởng vệ, gia quân công 3 cấp, cho bài vàng Anh Dõng tướng quân và thưởng thêm nhiều vàng bạc.
Năm 1841, ông cùng với Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Tri Phương tiến quân đánh giặc Lâm Sơn, dẹp yên hết giặc ở Lạc Hóa được thăng Thự Đề đốc tỉnh Vĩnh Long ban thưởng rất hậu.
Năm 1842, Tù trưởng nước Xiêm là Ô Thiệt Vương đem nhiều binh thuyền, cướp biên giới ta, Đoàn Văn Sách cùng Tuần phủ Lương Văn Liễu đánh lui được. Cờ đỏ báo tin thắng trận, vua ngợi khen hết mực, cho thăng chức cùng ban thưởng nhiều vật quý.
Tháng 4 năm ấy (1842) Đề đốc Vĩnh Long Đoàn Văn Sách bệnh mất, vua xót thương mãi. Truy thăng cho ông chức Tiền phong Đô thống Anh dũng tướng quân, tấn phong Diên Hựu Bá, cho tên thụy là Trung Võ; tập ấm cho một con làm Cẩm y Hiệu úy.
Vua nhớ tiếc mãi hơn 1 tháng không thôi, lại làm thơ để viếng. Con thứ ông là Đoàn Văn Tuyển (1820-1863) lấy Phú Mỹ công chúa (con gái thứ 11 của vua Minh Mạng) được bổ chức Phò mã Đô úy.
Bình Khấu tướng quân Trung Quân Đô thống Đoàn Thọ (1805-1870)
Đoàn Thọ là con Thượng thư Đoàn Văn Trường, em ruột Đề đốc Đoàn Văn Sách. Ông cũng được tập ấm học Trường Anh Danh, theo việc quân có công, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Trung Bảo Vệ úy (1843), Chưởng vệ (1854), Trung Quân Đô thống sung Phòng hộ sứ cửa biển Thuận An (1861), Thự Trung quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự (1866).
Năm 1868, giặc nước Thanh là Ngô Côn xua quân đánh tỉnh Cao Bằng, quan quân đánh không lại, Tham tán là Ông Ích Khiêm xin phái thêm lính và voi. Vua sai Đoàn Thọ sung chức Bình Khấu tướng quân, đem đại đội binh tượng chia làm 3 đạo, đều do Thọ chỉ huy, tùy tiện làm việc.
Năm 1869, Lãnh binh quân thứ Thái Nguyên là Nguyễn Tri Thiện, Đặng Văn Đạo bị thua ở đồn Sơn Đầu, Đoàn Thọ đổi sung Tổng thống đạo Thái Nguyên, thu thập binh dõng để đánh. Sau đó vua cho hợp 2 đạo Ninh, Thái làm một đạo, sai Đoàn Thọ thống lĩnh cả. Các trận đánh ở quân thứ Ninh Thái Đoàn Thọ thống lãnh được nhiều trận thắng lớn, vua đặc biệt khen ngợi.
Năm 1870, tên giặc đầu hàng ở Lạng Sơn là Tô Tứ cùng Tăn Á Dã hợp bọn để làm phản chiêu tập nhiều tên khác cùng nổi dậy, vua cho hợp Lạng Sơn, Bắc Ninh làm một quân thứ, cho Đoàn Thọ làm Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ.
Tháng 10 năm ấy, giặc đem đánh úp Lạng Sơn, giết lãnh binh Lê Văn Dã, các viên tướng lãnh hoảng hốt bỏ thành chạy, Đoàn Thọ lên thành đốc quân tàn hơn 10 người cố chống đánh, không địch được bị chết trận.
Việc đến tai vua, vua thương lắm, nói rằng: Không bắt giữ giặc cho đại thần được an toàn là lỗi của trẫm. Sau khi ông mất, vua ban chiếu cho ông là Trung quân Đô thống, cấp tiền tuất, cho thêm 100 quan tiền cấp cho người nhà lập đền để thờ. Đền thờ ông hiện tọa lạc tại số 70, Kim Long, TP Huế.
ThS NGUYỄN THANH THUẬN- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp