An ninh vũ trang một thời oanh liệt

13:19, 25/08/2024

(VLO) An ninh vũ trang còn gọi là Đội Bảo vệ Tỉnh ủy Vĩnh Long (hay Đội Phòng thủ), mang bí số là C40, trực thuộc Ban An ninh Vĩnh Long, được thành lập ngày 14/9/1959 tại chòi đồng kinh Câu Dụng, xã Thành Lợi, huyện Bình Minh (nay là xã Thành Lợi, huyện Bình Tân).

Đơn vị An ninh vũ trang đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đơn vị An ninh vũ trang đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cơ quan Tỉnh ủy, cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, xây dựng phòng tuyến căn cứ Tỉnh ủy, canh gác, bảo vệ hội họp, phục vụ dẫn đường đưa rước cán bộ, xây dựng phong trào phòng gian bảo mật bảo vệ an toàn xung quanh vùng căn cứ.

Đơn vị ra đời trong tình hình cách mạng miền Nam đang gặp nhiều khó khăn, địch ban hành Luật 10/59 hòng tiêu diệt những ai là cộng sản, khủng bố tinh thần những người thân cộng sản.

Lúc mới thành lập Đội An ninh vũ trang biên chế chỉ có một trung đội, do đồng chí Trần Văn Ảnh (Sáu Nuôi) làm Bí thư Chi bộ, kiêm Chính trị viên đơn vị, đồng chí Mười Phuôn làm Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Nghị (Sáu Nghị) làm Trung đội phó C40 được trang bị súng Carbine, súng Thompson, súng Garant tự động Mỹ… Càng về sau đơn vị C40 càng lớn mạnh.

Đến năm 1972 do đồng chí Mai Hồng Thắng (Sáu Trắng) làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Hoàng Quắn (Chín Quắn) Đại đội phó, đồng chí Võ Văn Bình (Chín Lé) làm Đại đội phó.

Vũ khí trang bị cũng hiện đại hơn như súng B41, súng B40, súng cối 62 ly, súng đại liên, súng M79 và súng tiểu liên AK47, súng AR-15 (chiến lợi phẩm)…

Đặc biệt C40 có đồng chí Lê Minh Hùng, có biệt danh Hùng B41 chuyên bắn súng B40 và B41. Tháng 9/1974, đồng chí mang khẩu súng B41 trèo lên cây còng cao khoảng 8m, bắn 2 trái đạn B41 vào đồn Tổng Hưng, làm lô cốt đồn tan hoang, quá hoảng sợ, bữa sau lính trong đồn rút chạy mang theo cả xác đồng bọn.

Với cách đánh như vậy, đồng chí Hùng cùng đồng đội trong đơn vị đã bắn diệt, sang bằng hoặc rút chạy tổng cộng là 24 đồn bốt địch.

Nhưng C40 cũng bị nhiều tổn thất. Với những thành tích trong công tác, chiến đấu, Đội An ninh vũ trang được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 24/1/1976, nhiều cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ Trịnh Minh Thế, liệt sĩ Văn Tấn Bảy, Thiếu tướng Phan Văn Minh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ nhắc lại 2 móc thời gian quan trọng mà đơn vị tham gia trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Trưa ngày 30 Tết (tức ngày 29/1/1968) đồng chí Phan Tấn Ngọc (Năm Sơn)- Ủy viên Ban An ninh tỉnh là Trưởng Tiểu ban Điệp báo (B3), cho mời tất cả cán bộ, chiến sĩ công tác vùng chữ “V” về họp (vùng chữ “V” tức vùng giữa gồm 4 xã Hòa Tân, An Khánh, Tân Nhuận Đông và Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp ngày nay).

Vào cuộc họp, đồng chí Năm Sơn nói: “Tôi vừa họp ở Tỉnh ủy phổ biến lệnh tấn công. Như vậy đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công vào sào huyệt của địch toàn miền Nam.

Ở Vĩnh Long, ta phải đánh chiếm giải phóng nội ô TX Vĩnh Long, nhiệm vụ chủ yếu của Ban An ninh là đánh chiếm tiêu diệt ty cảnh sát quốc gia, đánh chiếm cơ quan tình báo, diệt ác ôn.

Trong chiến dịch Tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đơn vị tham gia chiến đấu trong đội hình Ban An ninh tỉnh lúc này đã chia ra thành 3 mũi ở 3 khu vực.

- Mũi I: do đồng chí Nguyễn Văn Phấn (Sáu Hiếu, Sáu Trương) là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban An ninh tỉnh, chỉ huy cùng lực lượng trinh sát vũ trang, trinh sát chính trị cùng Ban An ninh huyện Cái Nhum phối hợp bộ đội tấn công từ hướng Cái Nhum tấn công đột nhập chiếm lĩnh Phường 5, vượt sông Thiềng Đức đánh chiếm Phường 4 nội ô thị xã.

- Mũi II: do đồng chí Hai Nhân là Phó Ban An ninh cùng các đồng chí Chín Nghĩa, đồng chí Năm Thắng là Ủy viên Ban An ninh, cùng đồng chí Năm Cổn là Ủy viên Ban An ninh khu Tây Nam Bộ cử lên chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long.

Đồng chí Năm Cổn trực tiếp tham gia tấn công vào nội ô TX Vĩnh Long cùng các đồng chí trinh sát vũ trang, trinh sát chính trị... kết hợp bộ đội tấn công từ hướng lộ Cầu Vồng vào Phường 3, nội ô TX Vĩnh Long mà đánh phát triển vào dinh tỉnh trưởng.

- Mũi III: do đồng chí Phan Tấn Ngọc (Năm Sơn) chỉ huy cùng các đồng chí trinh sát vũ trang, trinh sát chính trị, Đội Bảo vệ trại giam, các đồng chí Văn phòng Ban An ninh cùng bộ đội tấn công vào sân bay tỉnh Vĩnh Long và chiếm giữ khu vực từ cầu Cái Cam và đoạn sông Cái Cam sát vành đai sân bay.

Ở mũi này bị trực thăng địch phát hiện bắn vào đội hình làm đồng chí Năm Sơn hy sinh tại chỗ.

Đến ngày mùng 5 Tết, địch bắt đầu phản công, chúng đưa 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 13 của Sư đoàn 9 Mỹ, sử dụng 20 tàu chiến được phi pháo yểm trợ tiến vào sông Cái Cam giải tỏa cho sân bay Vĩnh Long.

Về phía ta, Tiểu đoàn 857 do đồng chí Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo) chỉ huy, cùng đơn vị pháo binh và lực lượng an ninh chặn đánh quyết liệt.

 

Địch cho máy bay dội bom, pháo binh bắn phá, sử dụng súng phun lửa hòng tiêu diệt lực lượng ta nhưng chúng đã bị thất bại.

Bộ đội ta bắn chìm 4 tàu sắt chở đầy quân và một số khác bị thương. Tại nội ô thị xã ngày mùng 5 Tết, địch mở cuộc phản kích toàn diện, tập trung nhất là Tòa hành chính, khu truyền tin Hoa Lư.

Tiểu đoàn 306 do đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá) chỉ huy đánh trả quyết liệt làm Mỹ chết hàng chục tên. Tuy nhiên bộ đội ta thương vong cũng nhiều.

Buổi chiều mùng 5 Tết, trinh sát vũ trang diệt chốt tình báo Mỹ, bắn chết 2 tên Mỹ, thu một súng Rulo. Khi ta diệt được 2 tên tình báo Mỹ thì lập tức địch cho máy bay ném bom napan đốt cháy cả thị xã, khói lửa mịt mù.

Đến 15 giờ, pháo từ hạm đội đậu ngoài sông bắn phá vào khu vực lộ Cầu Vồng và có hàng chục chiếc trực thăng đổ Lữ đoàn số 13 của Sư đoàn 9 Mỹ từ Mỹ Tho qua tiếp viện.

Địch chiếm giữ lộ Cầu Vồng hòng chặn đường rút lui của quân ta. Tiểu đoàn 306 chuyển đội hình quay ra đánh quân Mỹ, cuộc chiến trở nên ác liệt hơn ta và địch giằng co đến tối.

Khi địch trụ lại cầu Cá Trê, đến 21 giờ đêm Tiểu đoàn 306 dùng hỏa lực cối 82 ly và DKZ 75 tập kích tiêu diệt nhiều tên Mỹ, đến 23 giờ Tiểu đoàn 306 rút ra khỏi nội ô TX Vĩnh Long, còn có một trung đội bí mật tiếp cận đánh vào sườn quân Mỹ trên lộ Cầu Vồng diệt trên 30 tên, cánh quân này bị bọn Mỹ phản kích, chiến sĩ ta cảm tử và hy sinh gần hết.

Còn lại lực lượng an ninh vũ trang và trinh sát vũ trang bị kẹt lại vì không nghe biết được lệnh rút, nên các đồng chí tự lực mở đường máu rút ra đến lộ Cầu Vồng và đụng quân Mỹ án ngữ nên phải nổ súng chiến đấu và vượt qua lộ Cầu Vồng.

Kết quả 6 ngày đêm tổng công kích, Tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta diệt 2 tên tình báo Mỹ, diệt và làm tan rã 1.200 cảnh sát, đánh thiệt hại nặng một đại đội biệt kích Mỹ, bắt sống và cảnh cáo giáo dục trên 200 tên tề điệp.

Ban An ninh ta hy sinh 4 đồng chí, đồng chí Năm Sơn là Ủy viên Ban An ninh tỉnh, Trưởng Tiểu ban B3, đồng chí Công Luận là Phó Tiểu ban B3, đồng chí Năm Quang là cán bộ trinh sát B3, đồng chí Út là cán bộ bảo vệ chính trị, (3 đồng chí Công Luận, Năm Quang, đồng chí Út, hy sinh tại trận địa, bị địch phun lửa đốt mất xác), ngoài ra còn một số đồng chí khác bị thương.

Tham gia giải phóng tỉnh Vĩnh Long

Đêm 9/1/1975, Trung đoàn Bộ binh 3 (chủ công là Tiểu đoàn 306) tấn công tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó, thuộc Tiểu khu Vĩnh Long, diệt gọn Tiểu đoàn Bảo an số 458 và một trung đội thám báo, phân chi khu cảnh sát và hội đồng tề xã Hựu Thành cùng một đoàn bình định của địch.

Quân ta thu 2 khẩu đại bác 105 ly, đánh tan tác 2 tiểu đoàn bảo an khác khi chúng đến chi viện, thu nhiều vũ khí và đạn dược.

Sau khi mất Yếu khu Thầy Phó, Tỉnh trưởng Lê Văn Cường bị chuyển đi nơi khác, địch đưa Đại tá Lê Trung Thành về làm Tỉnh trưởng Vĩnh Long.

20 ngày sau, địch chiếm lại Yếu khu Thầy Phó, đến ngày 17/3/1975, thấy không còn khả năng cố thủ, địch rút chạy về Chi khu Vĩnh Xuân. Yếu khu Thầy Phó được giải phóng thì giải phóng hoàn toàn hai xã Hựu Thành và xã Thuận Thới của huyện Trà Ôn, đồng thời làm chủ hoàn toàn lộ Hàng Me.

Trước những thắng lợi của quân ta, tại Sài Gòn ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải từ chức và giao quyền điều hành cho Tổng thống Trần Văn Hương.

Nhận chức vừa được một tuần, ngày 28/4/1975 dưới sự điều khiển của Mỹ, Trần Văn Hương xin từ chức và Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống nhằm mục đích thu xếp “một cuộc thương lượng” với ta.

Tuy nhiên, Dương Văn Minh nhận chức trong điều kiện quân và dân ta đang thắng lớn. Ngụy quân, ngụy quyền đang hoang mang cực độ và tan rã.

Chính quyền Mỹ tổ chức cầu hàng không đưa người Mỹ và nhân viên phục vụ rời Sài Gòn trong tâm trạng sợ sệt, hoang mang, giành giật tranh nhau leo lên máy bay trực thăng và chuồn ra biển khơi lên hạm đội chờ sẵn ngoài Biển Đông.

Ngày 12/4/1975, thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu 9, ta dùng pháo 105 ly vừa lấy được bắn cấp tập vào đại bản doanh Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật của địch ở Cần Thơ và dùng súng cối 120 ly pháo kích vào sân bay Trà Nóc.

Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Đại tướng Dương Văn Minh- Tổng thống Việt Nam cộng hòa, tuyên bố đầu hàng cách mạng.

Lúc 15 giờ ngày 30/4/1975, Trung đoàn 16 và chi đoàn thiết giáp của địch bất tuân thượng lệnh kéo về TX Vĩnh Long đến cầu Ông Me Nhỏ tất cả bỏ xe, pháo, súng, đạn ngổn ngang, súng bộ binh chất thành như đóng củi, từ giả cuộc đời đánh thuê để trở về với gia đình.

Đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung) đã lên máy truyền tin gọi cho Đại tá Lê Trung Thành, Tỉnh trưởng Vĩnh Long, kêu gọi y và binh lính đầu hàng, nhưng y còn chần chừ nại lý do chờ lệnh của Vùng 4 chiến thuật. Lúc 20 giờ ngày 30/4/1975, Đại tá Thành chủ động lên máy bộ đàm liên lạc với ta xin đầu hàng.

Đúng 6 giờ sáng ngày 1/5/1975, quân ta tiến vào tiếp quản TX Vĩnh Long trong điều kiện an toàn, nguyên vẹn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi.

Khắp các nẻo đường nội ô, Nhân dân từ khắp nơi kéo về cùng Nhân dân thị xã xuống đường vui mừng chiến thắng. Dòng người từ các nẻo đường ngoại ô đổ về như không bao giờ hết, cờ hoa tràn ngập thị xã, đồng bào gặp cán bộ, chiến sĩ tay bắt mặt mừng 30 năm mới có ngày này.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của dân tộc ta kết thúc thắng lợi, nước ta được hoàn toàn độc lập, thống nhất, Nhân dân ta được hoàn toàn hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Nhiệm vụ tiếp theo của các đơn vị thuộc Ban An ninh tỉnh là tiếp tục giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân địch, điều tra tung tích những tên sĩ quan, cảnh sát, tình báo lẩn trốn không chịu trình diện cải tạo, thu gom vũ khí, bảo quản tài liệu quan trọng.

Đến cuối năm 1975, Đội An ninh vũ trang và Trinh sát vũ trang được giải thể, kết thúc nhiệm vụ lịch sử quang vinh.

Nhiều đồng chí sau này tiếp tục công tác trong lực lượng công an tỉnh, công an các địa phương hoặc chuyển sang công tác ở các ban, ngành, đoàn thể, làm chuyên gia giúp bạn tại Campuchia… tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Nay viết lại bài này nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam 19/8, tôi vô cùng xúc động khi nhớ về đồng chí, đồng đội, những người luôn kề vai sát cánh trong những ngày chiến đấu gian khổ, hy sinh và trong hòa bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối của lực lượng Công an nhân dân.

Thiếu tướng PHAN VĂN MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh