Năm tháng không quên…

06:07, 15/07/2024

Nguyên ngước nhìn từng chùm chôm chôm sai oằn mà lòng đầy khấp khởi. Một tuần nữa thu hoạch, hợp đồng đã ký kết rồi, Nguyên cũng đã nhận tiền cọc. Vườn chôm chôm của Nguyên năm nay cho trái rất đẹp, kích cỡ và màu sắc đúng yêu cầu xuất khẩu.

(VLO) Nguyên ngước nhìn từng chùm chôm chôm sai oằn mà lòng đầy khấp khởi. Một tuần nữa thu hoạch, hợp đồng đã ký kết rồi, Nguyên cũng đã nhận tiền cọc. Vườn chôm chôm của Nguyên năm nay cho trái rất đẹp, kích cỡ và màu sắc đúng yêu cầu xuất khẩu.

Bên mua ưng ý lắm, vấn đề tiền cọc là do họ yêu cầu, Nguyên cũng nhận một ít tượng trưng cho họ yên tâm.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Hôm qua, bác Ba hàng xóm ghé nhà thăm bà Bảy, nhìn vườn chôm chôm, ông không ngớt lời khen Nguyên: “Không hổ danh là kỹ sư trồng trọt”, kèm với bàn tay phải nắm lại chỉ chìa ra ngón cái: “Số một”.

Nguyên mỉm cười nhớ lại hình dáng của bác Ba, một lão nông chính hiệu, không quen với trào lưu nên giơ tay làm ký hiệu mà còn hơi ngượng.

Học xong ĐH, Nguyên không xin việc ở thành phố. Điều này Nguyên đã xác định ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông. Nguyên chọn học ngành nông nghiệp để về nhà vừa trồng trọt vừa có thời gian bên cạnh má khi bà Bảy tuổi già.

Vài công vườn của ông, bà nội Nguyên để lại, trước đây bà Bảy còn sức khỏe, bà cải tạo vườn tạp trồng chuyên canh cây chôm chôm.

Hồi còn ở nhà với bà Bảy, ngoài giờ học, Nguyên giúp má tưới cây, làm cỏ,… Nguyên lên mạng tìm hiểu cách chăm sóc để cây cho năng suất cao hay cách nhận biết cây có triệu chứng bệnh để điều trị kịp thời.

Mấy năm Nguyên học ĐH, bà Bảy một mình làm không xuể nên cây thiếu dinh dưỡng, kém phát triển, thu hoạch trái không được là bao.

Từ khi Nguyên hoàn thành chương trình ĐH trở về, Nguyên ứng dụng những kỹ thuật đã học được, xử lý cho cây ra hoa mùa nghịch nên vài vụ rồi Nguyên bán được giá cao. Bà Bảy nói vui, cứ cái đà này, bà không phải lo tiền cưới vợ cho Nguyên.

Bà Bảy ngồi xem ti vi, thỉnh thoảng gỡ cặp mắt kiếng chùi nước mắt. Từ hồi bà phát hiện trên ti vi có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” bà không bỏ sót số nào.

Trong tháng ngày nào phát số mới, ngày nào phát lại, mấy giờ, đài nào, đường dây nóng liên hệ với chương trình,… bà ghi rõ ràng trong miếng giấy dán ở đầu giường.

Mấy năm Nguyên học ĐH, bà Bảy ở nhà một mình, ban đêm sợ bà vấp té, Nguyên chuyển hẳn cái ti vi từ phòng khách vào phòng ngủ của bà để bà giải trí.

Lần đầu tiên về thăm nhà sau khi nhập học, Nguyên đã thấy miếng giấy này rồi. Nguyên cũng tò mò, lên YouTube thử xem một lần coi nội dung chương trình thế nào mà bà quan tâm đến vậy. Hôm đó Nguyên coi một trường hợp, trong lúc chạy loạn vì bom đạn chiến tranh, bà mẹ lạc mất một người con.

Nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” làm cầu nối, mẹ con đã được gặp nhau khi người con đã lên chức ông, còn người mẹ đã già yếu.

Những giọt nước mắt trùng phùng của những mái đầu bạc và con cháu họ khiến cổ họng Nguyên cũng nghèn nghẹn. Nguyên nghĩ, mình là con trai mà còn xúc động đến vậy huống chi má mình là một người rất dễ mủi lòng. Lúc trở lại trường, Nguyên không quên dặn má:

- Má ở nhà mở cải lương hay mở hài coi cho vui, má lớn tuổi rồi coi chương trình này má buồn hoài không tốt cho sức khỏe, hổng có con ở nhà, rủi má có gì thì sao?

Bà “ờ ờ” cho Nguyên yên tâm, nhưng không có Nguyên ở nhà, bà vẫn coi chương trình này đều đặn.

Nguyên bước vào nhà, trên tay xách hai con lươn vàng ươm do Nguyên đặt trúm dưới mương vườn chôm chôm, kèm theo một mớ lá cách non và trái dừa khô đã lột vỏ, khoe với bà Bảy:

- Má coi nè, bữa nay hai má con mình làm một bữa lươn um nước cốt dừa đã đời luôn nhe má!

Bà Bảy quay sang nhìn hai con lươn, đôi mắt bà vẫn còn ngân ngấn nước, đỏ hoe, bà cố gượng không để lạc giọng:

- Ngon thiệt à nhen!

Đang hồ hởi, nhìn bà Bảy, Nguyên chựng lại:

- Má mới coi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” phải hôn?

- Ờ… ờ!

- Con biết ngay mà!

Nguyên đem hai con lươn xuống nhà bếp, lấy thau hốt mớ tro bếp ra sau hè. Nắm lấy hai con lươn vùi trong tro, Nguyên vuốt thật mạnh từ đầu đến đuôi, lớp nhớt trên thân lươn cuốn theo tro bếp, chỉ vài thao tác hai con lươn đã nằm bất động.

Bà Bảy đã qua cơn xúc động, bà lấy lại bình tĩnh, bước ra sau hè ngồi coi Nguyên mần lươn. Nguyên biết bà Bảy đang ngồi cạnh mình nhưng Nguyên tập trung vào hai con lươn nên không nhìn bà.

Thấy Nguyên im lặng, bà Bảy biết Nguyên đang giận vì chuyện bà xem một chương trình truyền hình tốn nhiều nước mắt. Bà cũng đâu muốn làm cho con buồn lòng, nhưng bà đón xem chương trình bởi vì bà vẫn còn nuôi chút hy vọng. Bà chờ đợi có một phép màu, biết đâu có ai đó nhắn tin tìm bà thì sao?

- Hay là con giúp má đăng ký chương trình để tìm ba con đi Nguyên.

Nguyên ngạc nhiên, tay buông hai con lươn, cũng may là nó đã chết rồi. Chẳng lẽ đây là nguyên nhân mà má theo dõi chương trình này. Nguyên nhìn thẳng vào mắt bà Bảy, hỏi lại:

- Tìm ba à? Chứ người má thờ không phải chồng của má sao?

Bà Bảy nghe Nguyên nói “chồng của má” mà nhớ tuồng cải lương “Đời cô Lựu”. Soạn giả viết tuồng đã hay rồi mà nghệ sĩ diễn cũng hay quá chừng, má coi mà muốn thuộc lòng.

Má nhớ cái đoạn cô Lựu nói cho con gái Kim Anh của mình biết về người “chồng của má”: “Má có một đời chồng, trước khi về, ăn ở với ba con …” nghe mà đứt ruột. Có nhiều trường hợp, chồng của má chứ chưa hẳn là ba của con. Nguyên cũng vậy.

Chuyện này, bà Bảy đã cho Nguyên biết sự thật rồi. Chồng bà đã hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bà ở vậy thay chồng chăm sóc ba mẹ chồng. Lúc ba má chồng còn sống rất thương bà, xem bà như con gái, nhiều lần khuyên bà đi thêm bước nữa, nhưng bà vẫn không chịu.

Đến khi ba má chồng theo ông bà thì bà cũng đã ngót nghét tuổi 40. Trong một lần đi lễ chùa, bà thấy đứa bé sơ sinh bỏ rơi trước cổng, bà thương tình đem về nuôi, người đó là Nguyên bây giờ. Nguyên nhớ năm lên chín, mười tuổi gì đó, có một người bạn chiến đấu của ba tìm đến nhà thăm má.

Hai người nói chuyện nhiều lắm, Nguyên nghe loáng thoáng mình là con nuôi của má. Sau khi ông khách ra về, Nguyên có hỏi nhưng má gạt đi, má nói Nguyên nghe nhầm.

Đến khi Nguyên 16 tuổi, bà Bảy nghĩ Nguyên đủ nhận thức, bà không giấu Nguyên nữa. Khi biết thân phận của mình, Nguyên có hơi buồn đôi chút, nhưng tình thương của bà Bảy đối với Nguyên thật bao la khiến Nguyên không phải lăn tăn suy nghĩ chuyện mẹ ruột hay mẹ nuôi.

Trái lại, Nguyên nghĩ mình là người quá may mắn mới gặp được người phụ nữ như bà Bảy. Nguyên hứa với lòng, sau này bà Bảy già yếu, Nguyên sẽ chăm sóc và yêu thương bà như bà đã từng chăm sóc và yêu thương Nguyên vậy.

Giọng bà Bảy có chút xúc động:

- Ừ thì chồng của má, nhưng không hiểu sao, đến bây giờ má vẫn hy vọng sẽ có ngày ba con trở về.

- Người chết trở về chỉ có trong chiêm bao thôi má à.

- Có nhen!- Bà Bảy đáp giọng chắc nịch.

Nguyên tròn mắt lắng nghe bà giải thích. Bà coi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” bà thấy rất nhiều trường hợp thất lạc nhau mấy mươi năm, tưởng đâu chết rồi nên lập bàn thờ, nhờ chương trình tìm giúp mà họ được sum họp.

- Đó là người ta bị thất lạc má ơi, còn ba chết rồi sao mà gặp lại được.

Bà Bảy vẫn kiên định ý nghĩ của mình, bà nói chồng bà mất trong chiến tranh, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử, đến nay cũng chưa tìm được hài cốt, thì bà có quyền nghĩ đến khả năng ông chưa chết.

Có khi nào ông bị thương, bị mất trí nhớ, nên không tìm về nhà, bây giờ ông phục hồi trí nhớ nên lên chương trình tìm bà thì sao?

Nguyên cười:

- Trời ơi, má nói như trong phim vậy, trường hợp đó khó xảy ra lắm má ơi.

Tiếng chó sủa vang. Giọng ông Ba gọi bà Bảy í ới. Bà Bảy lên tiếng rồi vội vàng bước ra mở cổng. Bà không quên câu chuyện đang dang dở, bà ngoái lại trả lời Nguyên:

- Biết đâu được. Con đăng ký tìm ba giùm má nhen.

Nguyên im lặng nhìn theo dáng má. Bước đi không còn nhanh nhẹn, tóc đã bạc gần hết mái đầu. Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ rồi mà má vẫn âm thầm trông ngóng chồng. Tội cho má quá. Nguyên lầm thầm: “Cái giá để được hòa bình quá lớn, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”.

THANH HUYỀN (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh