Nhà thơ Văn Quốc Thanh viết lên nỗi lòng

10:07, 07/07/2024

Nhà thơ Văn Quốc Thanh sinh năm 1952, nơi đất thơ- Quảng Nam- nắng lửa. Ngay từ nhỏ, còn là học sinh, anh đã làm thơ. Từ năm 1973 anh vào học Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, anh làm thầy giáo dạy Toán- Lý cấp THCS.

 

 

Hàng cây bàng cổ thụ trên đường Phạm Hùng và đường Tôn Đức Thắng tại Côn Đảo.
Hàng cây bàng cổ thụ trên đường Phạm Hùng và đường Tôn Đức Thắng tại Côn Đảo.

Nhà thơ Văn Quốc Thanh sinh năm 1952, nơi đất thơ- Quảng Nam- nắng lửa. Ngay từ nhỏ, còn là học sinh, anh đã làm thơ. Từ năm 1973 anh vào học Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, anh làm thầy giáo dạy Toán- Lý cấp THCS.

Tác phẩm văn, thơ, truyện ký của anh được đăng nhiều trên các báo, tạp chí, tuyển tập văn học. Đặc biệt, trong tập truyện và ký “Vùng biển lặng” có truyện ký “Ngôi mộ không hài cốt”. Văn Quốc Thanh kể câu chuyện về người anh ruột của mình là liệt sĩ, nhưng không tìm được hài cốt.

Đến khi ba anh mất cũng còn canh cánh nỗi niềm, đến lúc lâm chung vẫn gọi tên con “Tấn ơi! Con ơi!...”. Anh em của anh vẫn tiếp tục tìm hài cốt anh mình theo nguyện vọng của mẹ, nhưng đến khi mòn mỏi, không còn hy vọng, nên các anh em đắp một ngôi mộ giả nơi anh hy sinh trên đồi cát, để mẹ yên lòng.

Đến khi mẹ anh lâm chung, trong lúc soạn quần áo cho mẹ, anh mới phát hiện di thư: “Tấn ơi! Con linh thiêng chỉ chỗ cho mẹ đem con về. Nếu con còn nằm vất vưởng đâu đây thì đau lòng mẹ lắm. Mẹ biết các em con thương mẹ bày trò đắp mộ giả. Mẹ phải dối lòng tin như thật để làm vui lòng con cháu. Mẹ không giận chúng mà giận mình không đủ sức khỏe và không còn nhiều thời gian trên cõi đời này tìm kiếm con”.

Trong chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức vào tháng 3/2023, nhà thơ Văn Quốc Thanh sáng tác bài thơ “Lời khấn nguyện trước cửa buồng giam” với 20 câu thơ nói lên nỗi lòng của tác giả xúc động khi tham quan nhà tù Côn Đảo, cũng như tác giả nói thay nỗi lòng của những người từng đến thăm Côn Đảo:

“… Tôi về Côn Đảo

đứng dưới cây bàng xưa vẫn xanh sắc lá

trước buồng giam cửa ngục khép hờ

như hơi thở cha anh tôi còn lẫn khuất”…

Hệ thống nhà tù Côn Đảo được người Pháp xây dựng để giam giữ những nhân vật tham gia các phong trào cách mạng và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa, và sau đó lại được Mỹ sử dụng để giam cầm tù binh trong cuộc chiến chống Mỹ.

Vượt lên trên những nỗi đau về thể xác và tinh thần, các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù diễn ra vô cùng quyết liệt, bằng nhiều hình thức, như tuyệt thực, viết kiến nghị... đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, được nhận thư từ, sách báo... Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh của tù nhân đều bị đàn áp dã man.

Với những chứng tích của các cuộc tra tấn dã man, những trận đòn roi khủng khiếp làm tan da nát thịt, máu văng còn loang lổ trên bức tường đá, tác giả xúc động cao trào và thốt lên:

“…Lá bàng úa vàng theo ngày tháng quắt queo

Người tù sau những trận đòn roi bầm da nát thịt

Vẫn dành một giọt máu thiêng bất khuất

Những vệt nâu khô trên bức tường loang lổ

Viết nên trang sử hào hùng…”.

Với chủ trương biến nhà tù thành trường học cách mạng. Bằng những vật liệu tự nhiên, những tù nhân Cộng sản liên lạc với nhau để giữ khí tiết cách mạng. Và được tác giả cô đọng lại qua khổ thơ đầu:

“Lá bàng rụng, lá vàng rơi!

Người tù một thuở nhặt từng chiếc lá

Giấu vào góc xà lim lờ mờ bóng tối

Que tăm nhỏ cũng trở thành ngòi bút

Mật ngôn được viết ra như ngọn đuốc soi đường

Truyền niềm tin yêu đến cùng đồng đội…”

Nhà tù Côn Đảo đã đi vào lòng người Việt Nam với nỗi đau khôn nguôi, day dứt tận cõi lòng, nơi đây cũng là niềm tự hào của dân tộc bởi không gì có thể khuất phục được lòng yêu nước, niềm tin yêu vào Đảng, Bác Hồ và niềm tin tất thắng của Cách mạng Việt Nam trong mỗi người. Hôm nay sống trong hòa bình, hạnh phúc, tác giả xúc động tri ân qua khổ thơ cuối bài thơ:

“… Lá bàng rụng, lá vàng rơi

tôi khấn thầm trước anh linh những người năm xưa nằm xuống

thanh thản khói hương chiều nhẹ tênh”.

Nhà thơ Văn Quốc Thanh cho biết, với anh sáng tác thơ văn làm lẽ sống, dù tuổi cao nhưng anh vẫn tiếp tục viết, tiếp tục sáng tác và viết lên nỗi lòng, như lời tâm sự:

“…Ta thả vào bàn phím dăm nhịp gõ

Đêm. Từng đêm, con chữ lại quay về”.

(Nhịp gõ trong đêm)

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh