Nhạc sĩ Hoàng Lộc viết "Tình đất- tình người"

02:07, 21/07/2024

Nhạc sĩ Hoàng Lộc hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long. Anh đến với nghệ thuật âm nhạc bằng chính bản thân tự học hỏi từ sử dụng nhạc cụ đến sáng tác. Đặc biệt, anh sáng tác cả 2 thể loại nhạc tân và nhạc cổ. Những bài hát anh sáng tác và được biểu diễn, phần lớn viết về "Tình đất- tình người".

 

 

Nhạc sĩ Hoàng Lộc hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long. Anh đến với nghệ thuật âm nhạc bằng chính bản thân tự học hỏi từ sử dụng nhạc cụ đến sáng tác. Đặc biệt, anh sáng tác cả 2 thể loại nhạc tân và nhạc cổ. Những bài hát anh sáng tác và được biểu diễn, phần lớn viết về “Tình đất- tình người”.

Nhạc sĩ Hoàng Lộc, tên thật là Huỳnh Tấn Lộc (SN 1961), quê ở Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha mẹ anh theo nghiệp ca hát và sinh sống ở Tây Đô (TP Cần Thơ). Từ nhỏ anh theo cha mẹ, rồi xem ca hát, rồi… đam mê. Từ đó, anh tự mày mò học sử dụng nhạc cụ, từ đánh trống đến đàn guitar; có lẽ anh được thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ cha mẹ.

Năm 1982, anh Huỳnh Tấn Lộc vào làm việc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa- Thông tin) với vị trí nhạc công. Và rồi, từ đây anh tiếp tục tìm tòi học sáng tác nhạc. Với nhiều tác phẩm có chất lượng cao, đạt giải từ cấp tỉnh đến cấp trung ương, năm 2002 anh được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cũng năm đó, anh được điều chuyển công tác về làm cán bộ quản lý chuyên môn của Sở Văn hóa tỉnh Vĩnh Long. Vừa công tác chuyên môn, vừa sáng tác trong niềm đam mê không ngơi nghỉ. Không dừng lại ở lĩnh vực sáng tác nhạc tân, anh tiếp tục mày mò học hỏi sáng tác cổ nhạc. Với tài năng đó, anh được mời làm giám khảo cho tất cả các hội thi nghệ thuật quần chúng, văn nghệ ngành và các sự kiện hội thi có liên quan đến âm nhạc…

Những bài hát của anh sáng tác, phần lớn viết về quê hương, viết về những người có công lao to lớn với đất nước, với dân tộc. Bài vọng cổ đầu tay của anh “Quê hương đất sử tình người” viết về bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Mở đầu bài ca với Nói lối hơi Quảng, anh giới thiệu khái quát về vùng đất- nơi sinh ra một con người kiệt xuất.

“Dòng sông Măng dịu dàng như vòng tay Mẹ

Ôm trọn vào lòng miền đất sử tình thơ

Vũng Liêm ơi quê hương mình đẹp quá”

Câu 1, được gói gọn: “Trung Hiệp ơi trời vào đông mà sao quê mình nồng ấm, người mẹ hiền tay run run đón một đóa hoa… đời. Tiếng khóc đầu tiên lòng mẹ rạng ngời. Phan Văn Hòa- cha đặt tên anh ngày ấy, từ xóm nghèo ngày tháng lớn lên nhanh, 17 tuổi đời từng dũng cảm đấu tranh, được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Đời cách mạng bắt đầu từ ấy, để sau này lưu danh muôn thuở…”. Kết thúc câu 6 ngắn gọn nhưng khẳng định vai trò của bác Sáu “Một đời vì nước vì dân, tên người mãi mãi sáng vầng trăng quê!”.

Đến bài vọng cổ “Một trái tim son sắt”, viết về cuộc đời và sự nghiệp của bác Hai Phạm Hùng. Nhạc sĩ Hoàng Lộc cho biết, anh sáng tác bài vọng cổ này vào năm 2002 để đơn vị Trung tâm Văn hóa huyện Long Hồ biểu diễn trong chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/2002). Từ thành công ban đầu, sau đó bài hát đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi trình diễn phục vụ ở nhiều nơi, được dàn dựng thu âm, thu hình phát trên sóng phát thanh, truyền hình, bài ca cổ cũng được tặng nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng… “Với niềm tự hào về người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, tôi đã đầu tư thời gian đọc sách báo để tìm hiểu về cuộc đời thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng và trong hơn một tháng chắt lọc lời ca, điệu thức- bài vọng cổ “Một trái tim son sắt” đã ra đời”. Nhạc sĩ Hoàng Lộc tâm sự.

Với lĩnh vực tân nhạc, Nhạc sĩ Hoàng Lộc cũng viết nhiều về “Tình đất- tình người”.

Từng đến vùng đất ngọt ngào cây trái- nơi mà thuở khai thiên lập địa của tổ tiên trên vùng đất phương Nam có tên gọi “Cù lao Ông Hổ” (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang), quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tác giả bồi hồi sáng tác “Tình người hương đất cù lao”, bài hát ca ngợi vùng đất- quê hương “Cù lao Ông Hổ”- nơi hình thành một nhân cách lớn.

“Đây cù lao, đất quê An Giang, hạt phù sa bồi bãi bao ngày…”

“… Về mà xem quê mới hôm nay…”

“… Mỹ Hòa Hưng đổi thay diệu kỳ…”

“… Đây quê người thủy thủ Ba Son…”.

Hơn 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Trong những chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài xây dựng NTM ở Vĩnh Long do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, nhạc sĩ Hoàng Lộc sáng tác bài hát “Xuân về trên quê mới”.

“Anh nhớ về quê em, ngày ấy đã lâu, thương lắm bà mẹ già chân lấm bùn sâu. Đàn trẻ gọi nhau, phơi tóc xanh dắt trâu trưa hè. Bờ vai cô gái nắng rơi trên ruộng sâu… Nay trở về quê em, ngày ấy xa rồi, trên cánh đồng mùa vàng mạch sống trào dâng, đàn trẻ gọi nhau vui khúc ca tưng bừng sân trường, mẹ quê ra đón chuyến xe mang về mùa xuân…”. “… Sáng mãi quê mình NTM, bừng cháy lên niềm tin phơi phới NTM”.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh