Cần lắm những bài "địa phương ca"

05:07, 09/07/2024

Bên ly cà phê sáng, câu chuyện xoay quanh những sáng tác để đời viết về quê hương xứ sở. Ai đó bỗng chất vấn: Quê mình là vùng địa linh nhân kiệt, vùng đất học mà sao thấy thiếu thiếu những bài hát hay đi vào lòng người vậy hả mấy anh?

(VLO) Bên ly cà phê sáng, câu chuyện xoay quanh những sáng tác để đời viết về quê hương xứ sở. Ai đó bỗng chất vấn: Quê mình là vùng địa linh nhân kiệt, vùng đất học mà sao thấy thiếu thiếu những bài hát hay đi vào lòng người vậy hả mấy anh?

Một chương trình văn nghệ do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long thực hiện.
Một chương trình văn nghệ do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long thực hiện.

Câu hỏi làm mọi người trong bàn “đứng hình” một vài giây để chiêm nghiệm rồi chợt ừ, à: Nói cũng có lý! Bài hát “địa phương ca” của tỉnh Vĩnh Long mà ai ai cũng thuộc, chẳng những người trong tỉnh hát được mà người địa phương khác cũng biết, cũng thuộc và hát say mê là bài hát nào vậy ta?

Vĩnh Long quê mình cũng có một số bài vọng cổ viết về quê hương xứ sở, đó là những sáng tác của những cây bút khá nổi tiếng, được chấm giải cao qua mấy cuộc thi, được biểu diễn trên sân khấu, phát trên đài… nhưng để đáp ứng yêu cầu của một tác phẩm có cốt chuyện hay, ca từ chắt lọc, câu cú mượt mà, khơi gợi lên hình ảnh đẹp, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng công chúng mến mộ ở khắp mọi miền đất nước xem ra tỉnh chúng ta có được mấy bài?

Xin mạn phép nhắc đến một bài vọng cổ, hễ đi giao lưu là người ta giành nhau ca như là “bản ruột” của mình, ai mà hát trước là bị giận đó!

Chiếc xuồng nhỏ đưa anh về xóm nhỏ. Nghe rì rầm tiếng sóng vỗ gần xa. Dòng sông quê em đẹp bóng trăng ngà.

Nghe câu hát xa xa lòng anh chạnh nhớ…(Bài Dòng sông quê em của soạn giả Huyền Nhung, cảm tác từ bài Vàm Cỏ Đông, thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục).

Nữ soạn giả Huyền Nhung là người con của xứ sở Long An, bà đã sáng tác bài tân cổ viết về quê hương mình vào năm 1974 khi đang học ở miền Bắc trong nỗi nhớ thương da diết về quê hương và dòng sông quê nhà.

Văn học nghệ thuật phát triển sôi động nhưng thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Văn học nghệ thuật phát triển sôi động nhưng thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Nhưng phải đến sau giải phóng, năm 1976 bài hát mới được phổ biến và nhanh chóng đi vào lòng người do nhiều yếu tố từ bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ, phần phổ nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục, đến lời vọng cổ của soạn giả Huyền Nhung và đặc biệt là qua phần thể hiện của 2 giọng ca gạo cội của sân khấu cải lương miền Nam thời bấy giờ- Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy và Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tuấn.

… Vàm Cỏ yêu thương như tình người em gái nhỏ. Vẫn ở bên anh không rõ tự bao giờ. Long An ơi chung thủy đợi chờ. Quê hương em là bài thơ bất tận.

Trung dũng kiên cường đánh giặc toàn dân. Qua Vàm Cỏ Đông bỗng nhớ về Tân Trụ. Hỏi nơi nào không mang kỷ niệm quê hương. Mất mát đau thương càng cao giọng hát. Cay đắng mặn nồng vẫn thơm ngát tình em…

Với lòng đam mê nghệ thuật cải lương của bà con miền Tây, bản vọng cổ Dòng sông quê em đã nhanh chóng trở thành bài hát không chỉ riêng cho dân Long An hát, mà có thể được nghe thấy ở khắp các tỉnh miền Tây và lan tỏa ra cả 3 miền Nam- Trung- Bắc.

Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi. Mà ai cũng bảo rằng Chợ Mới quê hương. Ở nơi đó tôi có một người thương. Cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo…

Chỉ cần nghe mấy câu nói lối thôi chớ không cần vô vọng cổ thì nhiều người đều biết đây là bài Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Bài hát ra đời trong những năm thập kỷ 1980 khi ấy cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã nổ ra.

Bài hát là một câu chuyện tình yêu nam nữ trong thời chinh chiến, góp phần động viên bao lớp thanh niên lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, với lời hứa hẹn của người em gái hậu hương, họ sẽ nên nghĩa vợ chồng khi người trai hoàn thành nghĩa vụ.

Đặc biệt là qua phần thể hiện của Nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu và Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ (bà được truy tặng Nghệ sĩ nhân dân năm 2023).

… Anh chưa về vì biên cương còn bóng giặc. Chớ nhớ em nhiều, nhớ Chợ Mới thủy chung. Nhớ mẹ hiền lành nhưng lòng khẳng khái. Nhớ bến sông xưa em giặt áo buổi trưa hè…

Được biết Chợ Mới là bài vọng cổ mà soạn giả Trọng Nguyễn viết nhanh nhất, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nhưng lại là bản nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của ông, được chọn làm bài ca để tuyên truyền cho những cuộc tuyển tân binh lên đường nhập ngũ, hát trong hội nghị, hội diễn, giao lưu và đám tiệc…

Điều này đã làm cho bài vọng cổ Chợ Mới không chỉ là “địa phương ca” của riêng vùng đất Chợ Mới, An Giang mà còn lan tỏa đi nhiều nơi khác.

Để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tìm chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tác Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế xuống các địa phương trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều hội viên chuyên ngành sân khấu tham gia; Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã từng mở trại sáng tác bài ca vọng cổ, dự trại có hàng chục cây bút tên tuổi trong và ngoài tỉnh… có thể nói sau mỗi chuyến đi các tác giả đều cho ra đời tác phẩm, một số bài chất lượng được giới thiệu quảng bá, còn lại đa số được… cất trong ngăn tủ!

Vì vậy, có thể nói số tác phẩm đạt giá trị về tư tưởng lẫn nghệ thuật, ca từ mượt mà, giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, dễ đi vào lòng người, già trẻ, gái trai ai cũng có thể hát được và hát ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau… xem ra còn hiếm hoi lắm, khó đáp ứng yêu cầu đạt đến cái “độ chín” của một bài “địa phương ca”.

Đặt vấn đề này trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, sân khấu cải lương đã qua rồi thời hoàng kim, phải đối diện với những khó khăn khi mà tình yêu cải lương chủ yếu chỉ còn được duy trì và nuôi dưỡng ở một bộ phận khán giả cũ.

Còn những khán giả trẻ hiện nay dường như ít quan tâm tới bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Bên cạnh đó theo thời gian, đội ngũ nghệ sĩ cũng mất mát nhiều tên tuổi lớn như Út Trà Ôn, Thanh Nga, Thanh Sang, Diệp Lang, Tấn Tài, Minh Phụng, Giang Châu, Vũ Linh, Thanh Kim Huệ… một số nghệ sĩ do lớn tuổi cũng dần lui khỏi ánh đèn sân khấu như Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn,...

Mặc dù hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện.

Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt. Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động và thụ hưởng của đông đảo quần chúng nhân dân…

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhất là tài năng trẻ, tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống còn bất cập, đã dẫn đến tình trạng: “…Thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng tới đông đảo văn nghệ sĩ và xã hội; thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng động viên, cổ vũ, tạo động lực đối với con người, cuộc sống...”(*).

Vấn đề là cần sớm thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi để “giữ lửa” đối với nghệ thuật sân khấu cải lương.

Lĩnh vực này cũng phải thích ứng với tình hình hiện nay, chuyển hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đồng thời quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, thu hút nhân tài nhằm tạo cái nền vững chắc để đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến công chúng một cách hiệu quả nhất.

Xã hội và Nhân dân đang rất cần những sáng tác chất lượng cao về tư tưởng lẫn nghệ thuật viết về vùng đất, con người Vĩnh Long.

Một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng cùng nét đặc trưng của con người Vĩnh Long “Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù, hiếu học”, luôn mang trong lòng khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nghe nói đến đây tất cả những người trong bàn đều nhất trí: Phải có những tác phẩm “địa phương ca” xứng tầm với vùng đất này mới được đó nghen!

___

(*) Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh