Người bạn chốn địa đầu

05:06, 23/06/2024

Tôi rút trong túi áo ra chai rượu dẹp lép. Rượu mạnh trên 40 độ. Rót đầy một nắp chai, tôi uống chậm chạp cho men rượu ngấm từ từ chất cay ấm áp

“Tay em biết xe sợi chỉ đan

Anh không có lòng thì thôi

Có lòng thì về

Ta ở với nhau một ngày”

(Dân ca H’Mông)

Lạnh quá!

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Tôi rút trong túi áo ra chai rượu dẹp lép. Rượu mạnh trên 40 độ. Rót đầy một nắp chai, tôi uống chậm chạp cho men rượu ngấm từ từ chất cay ấm áp. Tuyệt thật! Đã thấy râm ran ấm nóng. Tôi rót thêm nắp nữa, dim mắt tận hưởng sự rần rật của lửa cháy.

Phải thêm nắp nữa mới được. Nắp chai bé tí xíu ấy mà. Hình như có ai nhìn tôi. Thôi phải, cô gái ngồi kế bên mình chớ ai. Bùm sùm trong tấm áo bông dày cộp, nhưng tôi vẫn cảm nhận cô là người thon thả. Đúng là cô ta đang nhìn tôi. Đúng là tôi vô ý quá.

Có lẽ vì lạnh mà tôi quên khuấy đang ngồi sát bên một cô gái chăng. Khách đi tàu nhiều khi vẫn hờ hững với nhau.

- Chị uống một nắp cho ấm không?

- Cứ gọi là em thôi. Em là Vàng Mỵ.

Lạ nhỉ! Vàng Mỵ thế nào được! Gương mặt ấy, làn môi ấy, ánh mắt ấy. Tất cả cứ ngời lên nét thị thành, phong lưu, đài các. Mà thôi, coi như cô ta là khách bình thường, đang ngồi sát bên mình trên chuyến tàu chạy hun hút trong đêm gió bấc.

Nhưng mà trời ạ, cô ta uống mới điệu nghệ. Những ngón tay trắng trẻo, cầm gọn nắp rượu đưa lên làn môi mọng chín bởi giá rét, không hề làm sánh ra một giọt; cho dù toa tàu lắc lư kinh khủng và rên ầm ầm như giông bão.

- Chị uống thêm chứ?

- Vâng, em xin!

Mấy ngọn đèn tròn tù mù, đỏ chành chạch trên nóc toa, soi mờ mờ gương mặt cô gái ửng lên vẻ đẹp mạnh mẽ của con gái chốn địa đầu Tổ quốc. Vốn dọc ngang bao nhiêu năm đường đất, đường sông, đường biển, đường trời, đường tàu, tôi chọc:

- Này, cô là con gái nhà quan miền sơn cước hả?

- Anh biết xem tướng à?

- Tướng số gì cũng biết tuốt, nhưng giỏi nhất là xem chỉ tay.

Cô gái chìa tay phải ra cho tôi. Bàn tay xòe như đóa hoa. Ánh mắt xòe như lửa bếp.

- Xem giùm Vàng Mỵ tối mai có gặp mẹ không.

Tôi cầm lấy bàn tay ấy, nói bừa một câu quấy quá, kiểu “số cô không giàu thì nghèo”. Nhưng cô gái đã dim mắt lại và nói: “Rét quá! Em ngủ đây!”. Tựa lưng vào thành ghế, ngoẹo đầu vào vai tôi, không biết cô ấy ngủ hay thức.

Tàu lắc lư nhè nhẹ, không còn rên ầm ầm như giông bão, khác hẳn lúc cô gái còn thức nhìn tôi. Trườn tới. Trườn tới.

Tôi xuống ga vào lối 4 giờ sáng. Giá lạnh trùm xuống thành phố ngái ngủ. Những ngọn đèn cao áp dường như cũng góp phần tỏa lạnh kinh người. “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”.

Mình đã ở giữa lòng thành phố rét rồi đây. Sương dày đặc thế này, chí ít cũng phải 8 giờ may ra thành phố mới thức.

25 năm trước sống ở Phổ Yên, tôi đã từng biết thành phố này. Bây giờ chỉ có nước tìm đến một cái quán nào đó, ngồi ăn một chút gì đó đợi mặt trời. Khoác ba lô lên vai, tôi lững thững bước ra khỏi sân ga đang chìm trong gió bấc.

Ra khỏi cổng ga, tôi dừng lại châm một điếu thuốc. Gió thổi hù hụ, phải xoay xở chật vật mãi, tôi mới châm được điếu du lịch rẻ tiền muôn thuở của tôi. Nhưng kìa, cô gái cũng đã ra tới.

Bùm sùm tấm áo bông với lũ khũ hành lý. Tay phải tay trái nặng trịch hai bọc vải lập lòe thổ cẩm. Trước ngực cũng lập lòe một bọc thổ cẩm, vậy mà còn cả chiếc đàn gió đeo trần sau lưng. Rõ là con gái nhà trời, con của Giàng về thành phố.

- Xin lỗi! Tôi giúp chị một tay được không?

- Cứ gọi là em thôi. Em là Vàng Mỵ.

Ừ, thì cứ cho là Vàng Mỵ đi. Mình cũng đang đi tìm vàng đây.

Vàng Mỵ mách cho tôi một quán phở bán sớm, ở một góc đường lọt trong hẻm phố nhỏ. Ông lão chủ quán béo ục ịch, nhưng nét mặt xởi lởi, phúc hậu; mới nhìn tưởng như ông Phúc, ông Lộc đang bận việc đời thường.

Ông lão đứng bên lò lửa than đá cháy rừng rực, hơi xoay người lại.

- Cô Vương lại lên hát đấy à? Cũng mấy tháng rồi nhỉ!

Qua câu chuyện giữa hai người, tôi biết họ là chỗ thân tình với nhau đã lâu. Bởi vậy, để không trở thành người thừa, tôi lại móc chai rượu dẹp lép của mình ra. Quán vắng hoe thế này, lạnh thắt ruột thế này, ngồi uống rượu còn gì bằng. Nhưng có phải chỉ mình tôi đâu. Đối ẩm với tôi là cô gái mà tôi không biết là Vàng hay Vương. Chỉ biết chắc rằng, cô gái biết thưởng thức thứ rượu nhà quê, đựng trong chai ngoại của tôi.

Khoảng gần 6 giờ sáng, có chàng thanh niên chạy chiếc Java 230 tới đón cô gái. Cô nói với tôi:

- Anh khỏi trả tiền. Có em, bác Vàng A Lý không lấy tiền đâu. Nếu rỗi việc, anh đến Sở Văn hóa, em mời anh rượu của rừng. Em là Vương Mộc Miên, còn gọi là Vàng Mỵ nữa đấy.

Lu bu bạn bè, công việc hơn tuần lễ, tôi quên khuấy mất lời mời của cô gái họ Vương, chừng nhớ ra thì đã muộn. Anh trưởng phòng nghiệp vụ nói với tôi:

- Nhà báo gặp người đẹp, được người đẹp mời, thế mà lại quên thì giỏi thật. Cô ấy có để lại cho anh lá thư. Số anh là đỏ lắm đấy!

Thư viết trên giấy kẻ ô ly, gấp tư, đựng trong phong bì bỏ ngỏ, đề tên tôi hẳn hòi.

“Tình cờ xem thời sự, Vàng Mỵ biết anh là phóng viên đi làm phóng sự về người Nam Bộ sống ở Việt Bắc. Đợi mãi không thấy, Mỵ phải đi. Đi Hà Giang thăm mẹ. Mẹ bệnh nhiều lắm. Có khi Mỵ phải về luôn Hà Giang với mẹ. Anh lên được Hà Giang, Mỵ mời uống chè tuyết, mời uống rượu tam thất với thắng cố, mời nghe trai gái bản hát pá dung. Cái bụng người miền núi nói thật đấy!”.

Cuối lá thư là lời một bài hát pá dung (hát giao duyên), mà tôi sẽ không bao giờ quên được.

Núi nói lời gọi thương gọi nhớ

Suối nói lời gọi nhớ gọi thương

Con chim lửa nhớ tìm bản đợi

Hoa mộc miên đỏ cháy bên đường.

Vàng Mỵ ơi! Sao cái thằng tôi hậu đậu vậy không biết. Phải tôi gặp được em, biết đâu tôi sẽ được cùng em leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi (hay còn gọi là Kiêu Liêu Ti- có nghĩa là “Chín tầng thang”) lộng gió, thỏa chí ngắm dòng sông Lô, sông Gâm, sông Chảy.

Biết đâu tôi được ngồi uống chè tuyết với già làng. Biết đâu tôi sẽ được ngồi bên bếp lửa nhà sàn, uống rượu tam thất với thắng cố bốc khói nghi ngút, dim mắt lại mà thưởng thức tiếng khèn, tiếng kèn thổn thức, dặt dìu gái trai gọi nhau ngoài lưng núi. Giờ thì trăng cũng lẻ mà mặt trời cũng lẻ. Ôi cái thằng tôi. Vậy cũng đòi cất công từ quê dừa ra tới miền biên ải.

Hơn một năm sau, nhờ xoay xở, tôi được Tổng Biên tập cử đi Hà Giang- tỉnh cực Bắc, làm phóng sự về đường biên. Bay như chim trên trời mà tôi thấy chậm. Xe lồng như ngựa trên đường mà tôi thấy chậm. Chai rượu dẹp lép vẫn thủ trong túi áo, mà tôi không nhớ một lần rút ra chống rét.

Tới nơi, nhận xong khóa phòng là tôi tốc thẳng đến Đoàn Văn công Hà Giang. Mỵ đã chuyển sang dạy nhạc ở trường sư phạm của tỉnh.

Cô cán bộ phòng đào tạo rót cho tôi một chung chè vàng sánh, lắc đầu nói:

- Nhà báo lại trễ tàu nữa rồi. Cô Mộc Miên vừa dẫn học trò xuôi Hà Nội dự thi ca múa nhạc dân tộc.

Trời ơi là trời! Thế có điên không! Trưa hôm qua thằng bạn một mực giữ chân tôi ở lại dự khai mạc Hội diễn Ca múa nhạc dân tộc, tôi lại cứ khăng khăng không chịu. Giờ thì biến thành cô đơn, bởi vắng cánh buồm đỏ thắm màu hoa mộc miên của núi. May mà cô cán bộ nhiệt tình chỉ cho tôi đường đến thăm nhà mẹ của Mỵ ở ngoại ô thị xã.

Ngôi nhà gỗ nằm lưng chừng dốc, chìm giữa một vườn mận hậu um tùm. Trên đỉnh dốc, sừng sững một cây pơ mu gan lì cùng giá rét.

Mẹ Mỵ ngồi im lìm như bức tượng bên chiếc bàn gỗ lát. Trước mặt bà là một chai rượu, một dĩa mứt gừng. Thấy có khách, bà linh hoạt hẳn lên.

Rót cho tôi một chén rượu, bà nói:

- Nhà báo uống cho ấm người. Tối nay muốn ngủ ở đây cũng được. Có đủ nước nóng để tắm, đủ cơm để ăn, đừng lo gì cả.

Bà nhắc điện thoại, gọi đi đâu đó hai ba nơi. Một lát sau đã nghe có tiếng xe máy đỗ xịch ngoài sân. Một ông già tóc bạc, mặt như tượng đá. Một chàng trai lịch lãm, mặt như tranh vẽ. Ông già là họa sĩ, chàng trẻ tuổi là ca sĩ. Họ đều ở Đoàn Văn công Hà Giang.

- Đủ bộ tứ rồi (mẹ Mỵ nói). Tha hồ vui hết đêm, vui tới mặt trời mọc cao bao nhiêu cũng được.

Đúng là vui thật. Tôi không ngờ là mẹ của Mỵ, lại đàn hát và múa, vừa hay vừa đẹp như vậy. Bà kéo đàn Ác-coóc-đê-ông, bà gảy đàn tính, bà lắc lư nhún nhảy theo điệu đàn, trẻ trung như vũ nữ. Phải thôi, bà từng là diễn viên ngôi sao của Đoàn Văn công Lao- Hà- Yên mà. Bà từng một thời dọc ngang các nẻo đường Tổ quốc, ngun ngút lửa khói chiến trường. Vậy mà hôm thấy Mỵ khoác chiếc đàn gió sau lưng, tôi không hề mảy may nghĩ rằng, Mỵ là diễn viên ca múa nhạc.

Sáng hôm sau, chàng ca sĩ mời tôi về nhà chơi, với lời hứa sẽ giúp tôi thâm nhập thị trường hàng hóa đường biên, tới tận ngọn nguồn thâm sơn cùng cốc. Anh còn hứa giúp tôi làm thủ tục hải quan, để qua Châu Văn Sơn bên nước bạn. Số tôi nhờ vậy, xui mà hóa may.

Trưa đó, như sực nhớ ra điều gì, anh vỗ đùi đánh đét, nói với tôi:

- Chết thật! Mãi uống rượu, tôi quên khuấy đi mất. Anh có muốn đi thăm con gái của Vương Mộc Miên không? Cháu học lớp năm ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Bố cháu là sĩ quan biên phòng, hy sinh hồi chiến tranh biên giới. Nó học giỏi và múa hát hay lắm!

Trời đất! Lại thêm một bất ngờ nữa ở chốn địa đầu Tổ quốc. Tôi là thằng pịa (mồ côi) ở phía Nam ra viết báo, tôi đã hiểu gì về đất nước con người nơi đây. Ơi bông hoa mộc miên nhỏ đỏ thắm của tôi, biết kiếm gì làm quà cho cháu bây giờ.

Đêm ấy, tôi mơ thấy hoa mộc miên nở đỏ cả núi rừng biên giới.

HỒ TĨNH TÂM 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh