Mộng đời

03:06, 30/06/2024

Bọn chúng không sợ bị đói vì bữa cơm đã bị đạp đổ. Điều bọn chúng sợ nhất là người đàn ông mắt đỏ ngầu long lên sòng sọc kia, kẻ đang loạng choạng nắm lấy tóc người phụ nữ nằm lết dưới sàn rồi dúi mạnh đầu cô ấy vào tường. 

- Ầm! Choang!

Chiếc bàn trong phòng ăn lật úp, trên mặt đất vương vãi toàn cơm và thức ăn. Hai đứa bé chưa đầy mười tuổi bắt đầu co rúm người lại. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Bọn chúng không sợ bị đói vì bữa cơm đã bị đạp đổ. Điều bọn chúng sợ nhất là người đàn ông mắt đỏ ngầu long lên sòng sọc kia, kẻ đang loạng choạng nắm lấy tóc người phụ nữ nằm lết dưới sàn rồi dúi mạnh đầu cô ấy vào tường. 

Người phụ nữ ấy là mẹ chúng, còn người đàn ông kia gọi thế nào nhỉ? À, “chồng” của mẹ chúng. 

Những bữa cơm chưa kịp ăn đã chìm trong đống đổ nát không còn xa lạ, và tình cảnh Quỳnh Mai, mẹ của chúng bị đánh đập vô cớ đã trở thành quen thuộc. Hai năm từ khi mẹ chúng bắt hai đứa từ bỏ mái nhà đơn sơ ở quê để đi cùng bà xây “hạnh phúc mới, cuộc đời mới”. Tất cả giờ như một cơn ác mộng. 

***

Buổi chiều hôm ấy, hai anh em đi học về, vào đến cửa nhà đã nghe thấy cuộc tranh cãi của ba mẹ, nói đúng ra là chỉ có mình Quỳnh Mai thao thao bất tuyệt. 

- Anh cho tôi được cái gì? Gần bảy năm nay theo anh về cái xứ khỉ ho cò gáy này, anh cho tôi và con được cái gì? Suốt ngày cắm mặt vào những công trình nghiên cứu trời ơi đất hỡi của anh, có bao giờ anh để ý xem vợ con anh có thiếu thốn, có ăn đói mặc rách không? 

- Anh vẫn đi dạy, có đưa sót đồng lương nào cho em không? 

- Hừ! Với đồng lương chết đói còm cõi của anh thì anh nghĩ là nuôi nổi cái gia đình này hả? Là tôi, là con này nai lưng nay đầu chợ mai cuối chợ nuôi con anh ăn học!

Giọng của Quỳnh Mai càng nói càng lớn, cô lớn tiếng chì chiết Thành, như muốn trút hết mọi uất ức dồn nén bấy lâu nay.

- Anh chẳng những không làm tròn trách nhiệm của một người cha, đến tình cảm của một người chồng anh cũng không có. Đã bao giờ anh mua cho tôi một bông hoa hay một lời chúc mỗi dịp lễ Tết chưa? Có chưa?

- Anh ta thì có à?

Giọng Thành nhẹ bẫng, phảng phất như một làn gió thổi qua, nhưng âm thanh ấy lại kiên trì lập lại lần nữa.

- Anh ta thì có chứ gì? 

Quỳnh Mai há miệng định phản bác, nhưng cô không thể thốt lên được lời nào. Bởi vì anh nói đúng sự thật. Cô có người đàn ông khác.

Trong khi bươn chải lo kiếm sống, trên những chuyến hàng buôn, Quỳnh Mai gặp được một người đàn ông, anh ta là một thái cực hoàn toàn khác với chồng cô. Anh nói rằng mình hơn cô 3 tuổi, đã có một cuộc hôn nhân. Vợ anh đã bỏ đi cùng đứa con, đi theo một gã đàn ông khác. 

Một người đàn ông dẻo miệng từng trải và một người phụ nữ đang tuổi thanh xuân với tâm sự trùng trùng. Họ gặp nhau, nhanh chóng làm thân với nhau từ vài lần gặp mặt. 

Quỳnh Mai không hiểu với một người đàn ông lịch thiệp và tâm lý như Quang, tại sao vợ anh lại có thể dẫn theo đứa con dứt áo ra đi như vậy. 

Quang chu đáo và tận tụy, lúc gặp mặt thì chăm sóc cho cô từng chút một, về nhà thì nhắn tin hỏi han khuyên cô đừng thức khuya dậy sớm cực nhọc. 

Chiếc điện thoại dần dần không thể rời tay Quỳnh Mai. Mỗi tối thay vì tâm sự cùng chồng chuyện xảy ra trong ngày, giờ đây cô nằm quay lưng với Thành, chìm trong thú vui đọc những dòng tin qua lại với Quang.

Chiếc giường dần lạnh lẽo. 

Chuyện gì đến cũng phải đến, Quang và Quỳnh Mai va vào nhau nhanh như một cơn lốc. 

Những bữa cơm nhà ấm cúng bên chồng con không còn níu được chân cô khi đã được tận hưởng cuộc sống lãng mạn cùng người đàn ông cho cô cảm giác được trân trọng lẫn tôn thờ.

Thế rồi Thành cũng biết được chuyện này. Một người đàn ông dù có ù lì vô tâm đến mấy cũng không khó để nhận ra sự thay đổi từ người phụ nữ đầu ấp tay gối của mình. 

Anh bàng hoàng rồi bối rối, nhưng bản tính thụ động khiến anh không hề có hành động cụ thể nào để bảo vệ hạnh phúc gia đình. 

Cho tới hôm nay, những bức ảnh tình tứ của hai người được gửi đích danh cho anh ở đơn vị. Giọt nước cuối cùng cũng tràn ly. Ngày anh không muốn đối mặt cuối cùng cũng đến. 

Hai đứa trẻ nép bên cánh cửa, câu hiểu câu không nghe hết cuộc tranh cãi này. Nhưng có một điều chúng hiểu rõ, gia đình này sắp không còn nữa. 

Một tháng sau, Quỳnh Mai nhanh chóng làm xong thủ tục ly hôn, dẫn theo hai con chuyển đến trên phố sống cùng Quang. Căn nhà ở quê thuộc về Thành sau khi đưa cho cô số tiền bằng giá trị một nửa căn nhà. 

Những ngày đầu chung sống, Quang tỏ ra là một người đàn ông chu đáo và đối xử rất tốt với Quỳnh Mai và hai đứa trẻ. Dần dần bọn nhỏ cũng buông bỏ sợ hãi ban đầu và chấp nhận sống cùng chú. Mai nghe theo lời tỉ tê của Quang, không tiếp tục buôn bán mà ở nhà làm người nội trợ. 

Chỉ có bé gái nhỏ vẫn còn lạ chỗ, đêm nào cũng phải khóc lóc nỉ non vì nhớ nhà, nhớ ba. 

Hai tháng sau.

- Em không thể bảo nó ngừng khóc được bữa nào hay sao?

Quỳnh Mai cuống quýt phân bua:

- Em, em đã cố gắng rồi, nhưng con bé hễ giật mình thức giấc là lại khóc. 

- Em làm sao thì làm, tôi hết chịu nổi rồi. Giữa đêm mà nó cứ khóc ri rỉ thế này ai mà ngủ được? Tôi còn phải ngủ để đi làm nuôi mẹ con mấy người nữa! 

Quỳnh Mai chết sững người, cảm thấy như có người dội một chậu nước đá từ đầu đến chân mình. Bởi vì những lời này quá sức quen thuộc với cô, là những lời cô trút xuống đầu Thành khi anh hỏi han làm cô thấy phiền phức và bực bội. “Tôi còn phải đi làm nuôi cha con anh nữa!” 

Buồn cười làm sao, chỉ đến khi trở thành người phải nghe câu nói này, cô mới cảm nhận được sự uất ức và nhẫn nhịn bao năm của chồng cũ. 

Quỳnh Mai muốn phản bác rằng mình cũng không phải ăn rồi ở không, cô cũng chăm sóc nhà cửa gia đình, lo từng bữa ăn giấc ngủ cho Quang. Từ khi về sống cùng nhau, cô đã dùng số tiền có được sau khi ly hôn sửa sang lại căn nhà này và lo cho các con mình ăn học. 

Nhưng cô không thể mở miệng, tính cách mạnh mẽ lấn lướt ngày trước của cô chỉ có tác dụng trước người ôn hòa mềm yếu như Thành. Còn Quang lại là người khá nóng nảy và gia trưởng, nhưng khi tán tỉnh cô, anh ta đã che giấu nó rất tốt. 

Bây giờ Quỳnh Mai không còn có thể lựa chọn, chỉ đành phải nhẫn nhịn, tiếp tục nhắm mắt đưa chân mà thôi. 

Gần một năm sau, chẳng mấy chốc số tiền riêng của Quỳnh Mai bắt đầu cạn kiệt, mà công việc của Quang bắt đầu không thuận lợi mấy, anh ta mải miết đi sớm về khuya. 

Bữa cơm nhà mà cô chăm chút cẩn thận giờ có khi không người đụng tới, thường bị bỏ qua đêm đến ôi thiu. Những cuộc điện thoại ân cần của cô đã không có người chịu nghe, lắm khi còn bị Quang tắt ngang.

Anh ta bắt đầu say xỉn, mỗi khi về nhà lại kiếm cớ mắng mỏ Quỳnh Mai và hai đứa trẻ. Không chịu đựng nổi, Quỳnh Mai phản ứng lại thì nhận được một trận đòn tàn nhẫn. 

Hóa ra, người đàn ông nhã nhặn chu đáo, người tỉ mỉ chăm sóc nâng niu cô lúc trước chỉ là vẻ bề ngoài, Quang thực chất là một kẻ vũ phu gia trưởng. 

Giờ cô mới hiểu lý do vì sao vợ cũ của anh ta lại quyết tâm mang theo đứa nhỏ dứt áo ra đi không chút luyến tiếc như vậy. Nhưng tất cả giờ đã muộn rồi. 

Những trận đòn cứ thế tăng dần tần suất và hậu quả để lại ngày càng nặng nề hơn. Có lần trong cơn say điên loạn, anh ta nắm chiếc cốc thủy tinh ném vỡ trán con trai lớn của cô, máu tuôn ra thấm ướt chiếc áo đồng phục thằng bé đang mặc. Giờ đây, mỗi khi nghe tiếng xe anh ta trở lại, hai đứa trẻ lại run bắn người như sắp gặp quỷ dữ.

***

Tiếng đổ vỡ vẫn cứ tiếp tục, xen lẫn là tiếng đấm đá, tiếng phụ nữ van xin, tiếng trẻ con khóc thét. Hai đứa trẻ lấy hết can đảm nhào tới ôm chặt mẹ, muốn dùng thân thể bé nhỏ của mình che chắn cho mẹ. Cô bé con vừa ôm lấy đầu mẹ mình vừa hét lên: 

- Chú là người xấu! Chú là người xấu!

Nắm đấm của Quang dừng lại, hẳn là nhớ tới con gái của hắn và vợ trước cũng trạc tuổi cô bé này. Có lẽ đứa bé kia cũng từng phản ứng và thốt lên những lời tương tự. 

Dòng nước mắt giàn giụa cùng tia căm phẫn trong mắt cô bé khiến tim Quang run lên. Hắn bực bội xoay người, sập cửa rồi lấy xe bỏ đi.

Quỳnh Mai chống đôi tay nhầy nhụa máu vì mảnh vỡ thủy tinh cắt, giãy giụa muốn ngồi dậy. Nhưng rốt cuộc cô không còn có thể gượng nổi, đành buông tay ngất đi trong đống đổ vỡ. 

Lúc Quỳnh Mai tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện, trên chiếc ghế bên cạnh là Thành đang ngủ gà ngủ gật. 

Thì ra bọn trẻ thấy mẹ ngất đi thì quá sợ hãi, lại không biết phải cầu cứu ai, chỉ biết gào khóc. May mà anh trai còn nhớ số điện thoại ba nó nên đã gọi Thành đến đưa cô vào viện. 

Cô xoay người, sự đau đớn làm cô phát ra tiếng kêu khẽ.

- Em tỉnh rồi à? Có thấy chỗ nào đau không? Bác sĩ nói em có vài chỗ chấn thương cần phải nằm theo dõi. 

- Là anh đưa em vào viện à? 

- Ừm, thật ra anh vẫn liên lạc và thường xuyên gặp con ở trường. Anh… không yên tâm về người kia. 

- Em hiểu rồi!

Thành hé miệng, muốn nói lại thôi. Anh cảm thấy giờ có nói gì cũng không cần thiết nữa. Quỳnh Mai cũng vậy. Cô quá xấu hổ để đối diện với Thành trong lúc này. Qua một lúc lâu, anh chỉ hỏi: 

- Giờ em định làm gì? 

- Rời khỏi anh ta! Em không thể để hai đứa nhỏ sống cùng một người tồi tệ nguy hiểm như vậy nữa. Em… muốn nhờ anh chăm sóc chúng một thời gian, trong khi em tìm việc làm và ổn định cuộc sống. Em sẽ thường xuyên trở về thăm các con, nếu… anh không thấy bất tiện. 

Thành từ tốn bảo cô: 

- Em cũng có thể về nhà, nơi đó lúc nào cũng là nhà của em và các con.

- Cảm ơn anh! Nhưng em không còn xứng đáng, em thấy xấu hổ. Có những chuyện đã làm thì không thể quay lại được nữa. 

- Tùy em vậy!

Thành thở dài, biết Mai là một người phụ nữ trọng sĩ diện, có một số việc không thể cưỡng cầu. 

- Có việc gì thì liên lạc với anh. Em hứa đi!

Sáng hôm sau, Quỳnh Mai một mình xin bác sĩ cho xuất viện, cô quyết định rời khỏi nơi này để bắt đầu cho một cuộc đời mới. Tương lai của cô và Thành cùng với các con là không thể nói trước, nhưng cô cần thời gian để có thể bước ra khỏi ký ức phũ phàng kia.

Một năm ngắn ngủi vừa qua, cô đã để hạnh phúc giản dị của đời mình vuột khỏi tầm tay, để bản thân trôi vào một giấc mộng đủ cung bậc cảm xúc: từ mơ mộng, ảo tưởng hạnh phúc đến chua chát ngỡ ngàng. Một giấc mộng đời không bao giờ muốn trải qua một lần nữa.

THỦY NGUYỄN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh