Thương nhớ dòng sông

05:06, 23/06/2024

Sát bên nhà nội có con sông chảy ngang qua. Phía bên bờ Bắc con sông, có rặng dừa nước xanh rì chạy dài ngút mắt. Dừa nước sức sống mãnh liệt, dù đất có nhiễm phèn nhiễm mặn, lá dừa nước vẫn xanh tươi rói. Hồi ấy, mỗi lần có dịp về nhà nội chơi, tôi hay thường ra sông tắm. Chú Út là người đầu tiên tập cho tôi biết bơi.

(VLO) Sát bên nhà nội có con sông chảy ngang qua. Phía bên bờ Bắc con sông, có rặng dừa nước xanh rì chạy dài ngút mắt. Dừa nước sức sống mãnh liệt, dù đất có nhiễm phèn nhiễm mặn, lá dừa nước vẫn xanh tươi rói. Hồi ấy, mỗi lần có dịp về nhà nội chơi, tôi hay thường ra sông tắm. Chú Út là người đầu tiên tập cho tôi biết bơi.

Chú Út đốn hai bập dừa nước to, dùng cây “xiên” hai đầu bập dừa, tạo thành cái “phao” tương đối an toàn cho người mới tập bơi. Sau nhiều buổi, dùng chân “đập đùng đùng” dưới sông, cuối cùng tôi cũng biết bơi chút chút. Mới biết bơi bì bõm, nên tôi phải nhiều lần… no nước!

Bên bờ Nam con sông, ông nội che một cài chòi nhỏ để neo chiếc xuồng tránh mưa nắng. Do nhà nội ở tận tít trong đồng xa, khi ấy phương tiện đi vào nhà nội chủ yếu bằng xuồng.

Còn nhớ, lúc còn bé chú Út hay lấy xuồng chở tôi đi “thử” dừa nước. Muốn có dừa nước ngon phải đi “thử” từng buồng cho chính xác “lượng cái” trong trái dừa nước, sau đó mới “chặt” cả buồng mang về.

Cây dừa nước tặng cho người dân nghèo rất nhiều thứ, trong đó có trái dừa nước trở thành “đặc sản” tuổi thơ của đám trẻ người “đầu trần, chân đất” như chúng tôi. Điều đặc biệt, của cây dừa nước dù có sống trên mảnh đất khô cằn hay đầy ắp phù sa thì hương vị của trái dừa nước hầu như không đổi.

Sinh sống ở đồng ruộng có nhiều điều thú vị. Mỗi lần nước ròng, tôi và chú Út ra bờ sông “câu” cá bống sao (thật ra là dùng “bẫy dây” để bắt chúng).

Loài cá này, mỗi lần nước ròng là chúng thường ngoi ra khỏi hang “tắm bùn”. Cá bống sao có con to hơn ngón chân cái người lớn và chúng thường dạn dĩ khi thấy bóng người. Chú Út dùng một cây trúc dài, một đầu cột vào sợi dây gân, phần cuối dây “thắt thòng lọng”.

Sau đó, từ từ “rê” sợi dây đến gần đầu con cá bống sao và giật thật nhanh. Và cuối cùng, với tài “câu quen tay” của chú Út, mớ cá bống sao nằm gọn trong giỏ.

Cá bống sao được bà nội đem làm sạch và kho tiêu với nước dừa xiêm. Bữa cơm trưa được dọn ra dưới bóng dừa thông thênh gió, món cá bống sao kho tiêu cùng với canh chua bông so đũa. Đúng là món “hương đồng, gió nội”!

Bắc ngang con sông là một cây “cầu khỉ” rất khó đi. Mỗi khi nước lớn tôi theo chú Út ra sông vừa tắm sông, vừa tập đi cầu khỉ. Lần nào cũng vậy, khi ra được tới giữa cầu là rơi “tõm” xuống sông.

Có hôm lại cùng đi với mấy thằng bạn mới quen hái bần chua về chấm muối ớt, ăn cái “chua” thấu trời xanh. Vậy mà khoái, đúng là sở thích của con nít đố ai mà hiểu nỗi.

Mới đó đã mấy chục năm. Ông bà nội đã mất. Chú Út cũng sang nhượng miếng đất và ra “mặt tiền” cất nhà sinh sống. Khu đất ấy, người ta mua lại đào ao nuôi tôm.

Những dấu tích về chốn xưa giờ chỉ còn trong ký ức. Duy chỉ còn lại dòng sông vẫn miệt mài chảy theo con nước lớn ròng.

Như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy/Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già”.

TRẦN THÀNH NGHĨA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh