Thế giới diệu kỳ của văn học thiếu nhi

05:06, 01/06/2024

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, văn học thiếu nhi lại được quan tâm nhiều đến vậy. Từ lĩnh vực sáng tác văn học dành cho thiếu nhi đến nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học thiếu nhi đang diễn ra sôi động không chỉ trên đất nước ta mà còn xa rộng hơn- những nền văn học xa xôi khác.

(VLO) Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, văn học thiếu nhi lại được quan tâm nhiều đến vậy. Từ lĩnh vực sáng tác văn học dành cho thiếu nhi đến nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học thiếu nhi đang diễn ra sôi động không chỉ trên đất nước ta mà còn xa rộng hơn- những nền văn học xa xôi khác.

Bởi bất kỳ ai cũng nhận thức được rằng, thiếu nhi là đối tượng cần thiết được quan tâm vun bồi tâm hồn, cần được giáo dục ý thức và hoàn thiện nhân cách ngay từ khi các em còn là những mầm xanh.

Văn học thiếu nhi Việt Nam- một chặng đường dài

Thực tế ở nước ta, văn học thiếu nhi đã xuất hiện từ lâu, khi con người chưa có chữ viết, sáng tác và lan tỏa tác phẩm dưới hình thức truyền miệng.

Những câu ca dao, dân ca về làng quê, gia đình, thầy cô, bè bạn; những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian; truyện ngụ ngôn; truyện cười... đâu phải chỉ dành cho những người trưởng thành, có nhận thức nhất định về đời sống, về phải- trái, đúng- sai.

Nhiều tác phẩm phù hợp với nội dung trong sáng, tinh nghịch, hóm hỉnh, với cách thể hiện giản đơn nhưng có sức lay động tâm hồn... trở thành “món ăn tinh thần” của các bạn nhỏ. Thông qua đó, thiếu nhi rút ra được những bài học, thông điệp vô cùng quý giá, sống đẹp hơn, nhân văn hơn.

Những năm tháng chiến tranh khói lửa, những tưởng văn học chỉ hướng đến mục tiêu cổ động chiến đấu, kêu gọi tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm.

Thế nhưng, vẫn có một dòng văn học viết riêng cho thiếu nhi, len lỏi như mạch nước ngầm trong mát đổ vào dòng sông văn chương dân tộc. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất hiện trong những ngày chiến tranh khói lửa, như một nốt nhạc dịu dàng, bình yên vang lên giữa thanh âm hào hùng của cuộc chiến đấu vì Tổ quốc.

Ta không thể không kể đến các sáng tác dành cho trẻ em của Tô Hoài như Dế Mèn phiêu lưu ký - cuốn sách “gối đầu giường” của trẻ em, sáng tác của người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi Cái Tết của mèo con- câu chuyện xúc động, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh cũng thật phù hợp đối với thiếu nhi bởi văn phong trong sáng, hình ảnh tươi tắn, được góp nhặt từ đời sống thôn dã, những thông điệp mà Thạch Lam, Thanh Tịnh mang lại cũng rõ ràng, thiết thực.

Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan... của Thạch Lam; Tôi đi học, Quê mẹ, Tình quê hương... của Thanh Tịnh là những câu chuyện xúc động về cuộc sống hàng ngày, về gia đình, quê hương trong bối cảnh đầy thử thách của đất nước.

Miền Nam chống Mỹ, miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nỗ lực xây dựng cuộc sống, hàn gắn vết thương chiến tranh. Văn học thiếu nhi có điều kiện phát triển hơn, cả về văn xuôi lẫn thơ ca.

Thời kỳ này, nhiều cây bút quan tâm sâu sắc đến đối tượng độc giả là thiếu nhi, tiêu biểu là Trần Đăng Khoa. Cái đáng nói là Trần Đăng Khoa viết cho thiếu nhi ngay khi ông còn ở độ tuổi thiếu nhi nên những cảm nhận của ông rất chân thật, hồn nhiên, tươi tắn. Điều đó được thể hiện rất rõ trong tập Góc sân và khoảng trời- tập thơ đánh dấu hành trình văn chương đáng ngưỡng mộ của Trần Đăng Khoa.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh không chỉ được biết đến như một “nữ hoàng” của thơ tình yêu Việt Nam mà còn là cây bút của các cháu thiếu nhi, với hàng loạt những truyện ngắn viết cho con trẻ: Cô Gió mất tên, Cá chuối con, Hoa râm bụt, Chị em gà con, Chú Niệc, Quả bầu nhớ đất, Mùa xuân trên cánh đồng...; một số bài thơ như: Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ, Chuyện cổ tích về loài người, Tuổi thơ của con...

Nghĩ về thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh, nhà nghiên cứu Vân Thanh viết: “Ngộ nghĩnh, hồn nhiên, thơ Xuân Quỳnh nói chính lời trẻ thơ, nghĩ cách trẻ thơ. Rồi lại có thể tách khỏi thơ, để ngụ vào đấy một triết lý hồn nhiên của sự sống, thứ triết lý mà ở mỗi lứa tuổi đời có thể hấp thụ một cách riêng” (trích trong bài viết Xuân Quỳnh với thơ thiếu nhi).

Có nghĩa rằng, thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh vừa trong trẻo, nhẹ nhàng, vừa bàng bạc những triết lý sống vô cùng cao đẹp, đáng trân trọng. Ngoài ra, Lâm Thị Mỹ Dạ hay Phan Thị Thanh Nhàn- thi sĩ cùng thời với Xuân Quỳnh cũng có những bài thơ rất hay cho trẻ con như: Nàng tiên ốc (Phan Thị Thanh Nhàn), Truyện cổ nước mình (Lâm Thị Mỹ Dạ).

Đặc biệt, với bài thơ Chị Võ Thị Sáu, Phan Thị Thanh Nhàn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn chương nước nhà và trong lòng trẻ thơ khi đưa hình tượng người nữ anh hùng bất khuất vào thơ, với giọng điệu ngợi ca, trân trọng, một niềm cảm mến vô bờ.

Văn học thiếu nhi vẫn luôn giữ được sức hấp dẫn..

Cuộc sống mỗi ngày một thay đổi, bên cạnh những thay đổi tích cực, cũng có những biến động đáng buồn. Nhà văn, nhà thơ là những người thức thời, nhạy cảm trước hoàn cảnh và nỗ lực phản ánh. Nhiều cây bút đã chọn đối tượng độc giả là thiếu nhi để phản ánh những vấn đề của xã hội, thời đại.

Tất nhiên, từ việc lựa chọn đề tài, cách thể hiện, đối tượng độc giả đến khi tác phẩm ra đời là một quá trình vô cùng khó khăn, gian nan. Bởi viết cho thiếu nhi không hề đơn giản, nhất là đối với những người chưa quen viết cho thiếu nhi, chưa từng có những trải nghiệm sáng tác dành cho con trẻ.

Vì sao vậy? Không quá khó để hiểu rằng, khi viết cho thiếu nhi, nhất là viết về những đề tài như chiến tranh, môi trường, những vấn nạn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội... người viết phải biết cách gia giảm yếu tố tư liệu, tri thức, văn phong phải phù hợp với thiếu nhi, hình ảnh cũng phải trong sáng, tránh gây ám ảnh, kinh hãi cho con trẻ, làm ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ.

Những năm gần đây, văn học thiếu nhi trở thành “mảnh đất màu mỡ” hấp dẫn, gọi mời các cây bút bước vào vun trồng những hạt mầm khỏe khoắn.

Có thể nói, chưa bao giờ như bây giờ, văn học thiếu nhi lại được quan tâm nhiều đến vậy. Nhiều đơn vị xuất bản (tất nhiên không thể thiếu Nhà xuất bản Kim Đồng- nơi nâng giấc cho văn học thiếu nhi Việt Nam) đầu tư những dự án sách cho thiếu nhi.

Nhiều cây bút vốn quen viết cho thiếu nhi hoặc trước đây sáng tác cho đối tượng độc giả là người trưởng thành, cũng quan tâm sâu sắc đến thiếu nhi, có những thành công nhất định khi dấn thân vào mảnh đất màu mỡ này.

Ngoài những tác giả vốn rất thành công khi viết cho thiếu nhi như Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Nhật Ánh, một số tác giả, tác phẩm khác đáng kể đến là: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Xa xóm Mũi (Nguyễn Ngọc Tư), Cuộc phiêu lưu của chú Sẻ Nâu (Kao Sơn), Trên đồi mở mắt và mơ (Văn Thành Lê), Tay chị tay em và Chuyện kể ở lớp cây me (Nguyễn Thị Kim Hòa), Những đôi mắt khoảng trời (Đào Quốc Vịnh), Mơ về phía chân trời (Lê Trâm), Vịt chị vịt em (Vũ Thị Thường), Con cò mồ côi (Nguyễn Thị Thanh Huệ), Mùa động rừng (Sương Nguyệt Minh), Thủ lĩnh băng vịt đồng và Cá linh đi học (Lê Quang Trạng), 100 cửa sổ (Phát Dương)...

Viết cho thiếu nhi vốn đã khó, đưa lịch sử đất nước vào văn học cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Ấy vậy mà nhiều tác giả đã thành công khi lựa chọn đề tài lịch sử, chiến tranh và đối tượng độc giả là con trẻ.

Có lẽ, các tác giả ý thức được rằng, cần phải giúp các bạn nhỏ hiểu được lịch sử nước mình và thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống đấu tranh vẻ vang của Tổ quốc ngay từ khi các em còn rất nhỏ.

Bình Ca với Quân khu Nam Đồng và Đi trốn đã gây xúc động không chỉ với trẻ con mà còn với người lớn khi ông tái hiện lại một thời kỳ gian khổ của đất nước trong hoài niệm của những đứa trẻ, có những ký ức đẹp rạng ngời, lung linh, cũng có những ký ức thật xót xa, cay đắng.

Bùi Tiểu Quyên thành công khi viết về Trường Sa qua lăng kính hồn nhiên, trong trẻo của trẻ nhỏ. Những câu chuyện về Trường Sa- phần máu thịt không thể cắt rời của Tổ quốc đã được chị thể hiện xúc động và giản dị qua Cà Nóng chu du Trường Sa, Trường Sa- biển ấy là của mình, Phong ba nơi đầu sóng...

Nhà văn trẻ Phan Đức Lộc cũng vừa cho ra mắt tác phẩm Mùa ban thay áo- viết về mảnh đất Điện Biên lịch sử, quê hương của anh.

Viết về Tổ quốc, các nhà văn, nhà thơ khẳng định được tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước bao la của mình, đồng thời thể hiện khát vọng giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc nơi trẻ con ngay từ khi tâm hồn các em còn là một mặt hồ êm ái.

Trong tương lai, chắc chắn rằng văn học thiếu nhi sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành một dòng chảy mãnh liệt, hòa vào dòng chung là văn học dân tộc. Có thể khẳng định, văn học thiếu nhi là một trong những mảnh ghép không thể thiếu của văn học Việt Nam.

ThS PHẠM KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh