Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi. Để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo để niềm đam mê đọc sách được nhân rộng.
Hội sách thường xuyên được tổ chức để bạn trẻ dễ dàng tiếp cận, hình thành thói quen đọc sách. |
(VLO) Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi. Để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo để niềm đam mê đọc sách được nhân rộng.
Đọc sách vì tương lai
Ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết.
Bạn Lê Nguyễn Trâm Anh- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, chia sẻ, ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng để tìm kiếm thông tin thì rất thuận lợi khi có một công cụ hữu ích hỗ trợ, đó là mạng internet.
Dường như mọi vấn đề cần tìm kiếm đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Nhiều người, nhất là bạn trẻ đang dần quên đi thói quen đọc sách truyền thống.
Đây là vấn đề đặt ra cho chúng ta phải suy nghĩ, cần quan tâm để phát triển hiệu quả văn hóa đọc. Sách là một sản phẩm kỳ diệu; là một trong những phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác.
Như Lênin đã nói: “Không có sách, không có tri thức...”, sách chính là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, ghi lại toàn bộ lịch sử loài người, là di sản của đời trước để lại cho đời sau...
“Người Việt Nam vốn hiếu học, đó là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Việc đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở.
Đọc sách giúp các em học sinh phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, chia sẻ với mọi người. |
Ngày nay, việc sinh viên đọc sách đã quý, nhưng xây dựng được nghệ thuật đọc lại càng quý hơn. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu đọc sách của từng ngày, từng tháng, cứ duy trì đến khi bạn già đi thì bạn đã hoàn thành một cuốn bách khoa toàn thư của cá nhân mình”- Trâm Anh nói.
Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thì khẳng định: “Một trong những ý nghĩa quan trọng của việc đọc sách, đó là “đọc sách để làm người”.
Chúng ta phải học không ngừng, từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Đọc sách giúp trang bị thêm về phẩm chất con người. Sách cho chúng ta những tinh hoa tinh diệu và thiết yếu trong tư cách làm người. Sách và đọc sách hãy như là một nhu cầu tự thân, mỗi trang sách sẽ mở ra cho chúng ta những chân trời rộng lớn trên hành trình đi tới tương lai”.
Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ
Để văn hóa đọc phát triển bền vững trong cộng đồng thì từ lứa tuổi nhỏ, các em phải được làm quen với sách, được cha mẹ, thầy cô giáo hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả.
Chị Nguyễn Ngọc Mỹ (Phường 4, TP Vĩnh Long) cho biết, gia đình luôn hướng bé đọc sách hàng ngày. Gieo tình yêu đọc sách cho con là bày sách ở khắp nơi và kê giá sách ở khắp các phòng trong nhà, với mục đích để con chạm vào đâu cũng thấy sách.
Theo chị Mỹ: “Thực trạng trẻ ham thiết bị điện tử, lười đọc sách hiện nay khá phổ biến. Đôi lúc phụ huynh bận nên để con nhỏ thỏa thích dùng điện thoại. Trước sự phát triển mạnh của công nghệ, ngay cả người lớn cũng bị hấp dẫn bởi sách, báo điện tử, mạng xã hội thay vì say sưa đọc một cuốn sách.
Phụ huynh cần kiểm soát để hạn chế thời gian con xem tivi, lướt mạng xã hội, hạn chế tiếp xúc với tin xấu và bảo vệ mắt cho bé đỡ tổn hại bởi thời gian dài tiếp xúc với thiết bị điện tử”.
Tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức, mở rộng hiểu biết mà còn giúp các em hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, giúp ích cho học tập và bồi dưỡng tình cảm, nhân cách.
Ngoài ebook (sách điện tử), postcast (tệp âm thanh kỹ thuật số) thì việc đọc sách, báo giấy vẫn luôn được khuyến khích. Theo cô Nguyễn Ngọc Thúy- giáo viên Trường Tiểu học Phú Quới A, thông qua việc đọc, các con vừa giải trí mà vừa được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng.
Cần sự đồng hành của nhà trường và phụ huynh để hình thành thói quen đọc sách cho các em. |
Cần ươm mầm tình yêu đọc sách cho các con từ nhỏ. Dù hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiện lợi, song vẫn không thể thay thế được sách, việc đọc sách rất cần thiết và quan trọng, nhất là đối với các em, lứa tuổi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Sách đồng hành với các em trong cả giờ học và ngoài cuộc sống. Đó là một trong những con đường để đi đến thành công.
Tuy nhiên, điều cần nhất để tạo thói quen đọc sách cho học sinh cần sự quan tâm, hướng dẫn và đồng hành của gia đình.
Mỗi phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận sách, thường xuyên mua sách, đưa trẻ đi chơi ở các nhà sách, thư viện, hội chợ sách và tùy theo lứa tuổi, sở thích để lựa chọn những loại sách phù hợp cho con.
Đặc biệt, ba mẹ cần làm gương cho con, dành thời gian đọc sách và hướng dẫn con đọc sách, khuyến khích và dành những lời khen ngợi khi con đọc và học theo những điều bổ ích trong sách. Cho con tham gia các cuộc thi kể chuyện theo sách, tạo sự tự tin cho con… từ đó, tạo hứng thú, giúp các em yêu thích đọc sách hơn.
Mùa hè được coi là mùa sách mới, khi các nhà xuất bản đồng loạt giới thiệu, ra mắt bạn đọc hàng trăm tựa sách phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung và hình thức, mở rộng theo từng lứa tuổi, mới mẻ và thú vị dành cho các độc giả nhí.
Đây là lúc để bắt đầu rèn thói quen đọc sách cho thanh, thiếu nhi. Với sự quan tâm, chung tay của nhà trường, gia đình và toàn xã hội, văn hóa đọc sẽ lan tỏa sâu rộng.
Qua đó, mỗi trẻ em đều được tiếp cận những điều bổ ích từ sách, nuôi dưỡng tình yêu với sách, hình thành thói quen tốt và góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
[links()]