Nền báo chí Việt Nam có bề dày lịch sử kể từ xuất hiện sự xâm lược của thực dân, đế quốc và cuộc cách mạng chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.
(VLO) Nền báo chí Việt Nam có bề dày lịch sử kể từ xuất hiện sự xâm lược của thực dân, đế quốc và cuộc cách mạng chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.
Báo Thanh Niên số ra ngày 3/10/1925. Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước |
Kể từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có tờ “Gia Định báo” (xuất bản năm 1865)- tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên và sau đó, một số báo tiếng Việt lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác.
Sau đó, vào những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, trong đó khuynh hướng dân tộc, yêu nước còn mờ nhạt, yếu thế.
Cho đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.
Từ khi có Báo “Thanh Niên”, sau đó là các tờ Báo “Dân Chúng”, “Việt Nam Độc Lập”, gọi tắt là Việt Lập, “Nhân Dân” lần lượt xuất bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của Nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của Nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.
Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí cách mạng tiếp tục giữ vững mặt trận tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, của địa phương, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Báo chí cách mạng đã tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời báo chí cách mạng cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của Đảng, Nhà nước và của cách mạng; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích Nhà nước và Nhân dân.
Năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo in, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 người, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp ĐH các ngành Báo chí truyền thông trở lên. Nguồn TTXVN |
HOÀNG VIỆT (TP Vĩnh Long, tổng hợp)