Các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao nước nhà. Những đóng góp trong Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển TCVHTT" là những "lát cắt" chuyên sâu đánh giá hiện trạng hệ thống TCVHTT và đề xuất một số giải pháp để các thiết chế được đầu tư đúng mức, đảm bảo được yêu cầu phát triển toàn diện của thời đại.
|
Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm, giới thiệu tác phẩm văn hóa nghệ thuật. |
Các thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao nước nhà. Những đóng góp trong Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển TCVHTT” là những “lát cắt” chuyên sâu đánh giá hiện trạng hệ thống TCVHTT và đề xuất một số giải pháp để các thiết chế được đầu tư đúng mức, đảm bảo được yêu cầu phát triển toàn diện của thời đại.
Đánh giá hiện trạng hệ thống TCVHTT
Trong những năm qua, hệ thống TCVHTT từ Trung ương tới cơ sở từng bước được đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực, góp phần phát triển phong trào VHTT phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đồng thời nâng cao thể lực, tầm vóc, đời sống tinh thần của Nhân dân.
Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm VHTT hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ này ở cấp xã là 77%, cấp thôn là 76%. Hệ thống công đoàn có 50 TCVHTT. Các thiết chế do Đoàn thanh niên quản lý có 56 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh, 106 nhà thiếu nhi cấp huyện...
Hệ thống pháp luật về VHTT hiện có 274 văn bản quy phạm pháp luật. 10 năm qua, có 55 văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp, gián tiếp liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng TCVHTT được ban hành theo thẩm quyền, cho thấy cơ bản đã định hình được hệ thống pháp luật về TCVHTT.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển hệ thống TCVHTT vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, tháo gỡ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc kéo dài là kinh phí đầu tư để phát triển các TCVHTT còn rất hạn chế. Trong khi nhiều TCVHTT có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu thì vẫn có một số TCVHTT dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí “bỏ hoang”, gây ra lãng phí lớn.
Nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại song do không hoạt động hiệu quả đã nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian “sáng đèn”; kinh phí hoạt động cho các TCVHTT nhìn chung rất hạn hẹp, nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, bộ máy hoạt động của các TCVHTT kém hiệu quả; nguồn nhân lực cả chuyên môn và quản lý đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các TCVHTT chưa thỏa đáng…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL Tạ Quang Đông thì nhấn mạnh, cần làm rõ khái niệm, nội hàm của TCVHTT để tránh mỗi nơi hiểu một kiểu. Thứ trưởng lấy ví dụ, một số nơi xem công viên là hạ tầng xã hội chứ không phải thiết chế văn hóa. Một số địa phương còn đưa cả trường học, bệnh viện vào danh sách… TCVHTT.
|
Thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả khi tổ chức hoạt động phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi. |
Tìm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các TCVHTT, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân, cần một hướng đi mới, một tư duy khác, nhất là tạo cơ chế, chính sách mở để huy động hiệu quả nguồn lực ngoài nhà nước. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ Văn hóa-TT-DL rất quan tâm, tạo điều kiện để phát triển TCVHTT tư nhân.
Trong đó tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sắp trình Quốc hội, một trong những điểm quan trọng được bổ sung là giải pháp phát triển bảo tàng tư nhân; giảm bớt thủ tục, tiêu chí để thành lập bảo tàng tư nhân. Tạo điều kiện nhưng luật vẫn sẽ yêu cầu các bảo tàng này phải hoạt động đúng tôn chỉ, tuân thủ quy định của pháp luật.
TS Lê Minh Nam- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư (PPP) trong quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao là nội dung cần được xem xét.
Cần đi sâu phân tích thêm những khó khăn riêng, đặc trưng, đặc thù của các đơn vị sự nghiệp thể thao để nghiên cứu yêu cầu, điều kiện, khả năng xây dựng chính sách PPP. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ một cách đầy đủ, toàn diện, thích hợp, đồng bộ, hiệu quả cho lĩnh vực này.
Gặp khó khăn do không được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; tuy nhiên, cũng có đơn vị được phép hợp tác, liên doanh, liên kết, lại không thu hút được đầu tư ngoài ngân sách… Đây là thực tế quá trình quản lý, sử dụng, khai thác TCVHTT. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa-TT-DL khẩn trương rà soát để ban hành nghị định liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác TCVHTT nhằm giải quyết được rốt ráo vướng mắc liên quan trong việc quản lý các thiết chế này.
NSND Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam chia sẻ, Nhà hát kịch Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa-TT-DL phê duyệt đề án cho thuê khai thác mặt bằng. Vì đồng lương hiện nay không cao, khi có thêm nguồn thu thì có thêm phúc lợi cho cán bộ, viên chức, diễn viên của Nhà hát kịch, từ đó họ có thêm động lực làm việc, thu hút lao động về các đơn vị nghệ thuật.
|
Chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng là giải pháp được đề xuất. |
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hội thảo đã thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển TCVHTT, tập trung 5 nhóm vấn đề. Trong đó, xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về TCVHTT đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi.
Cùng với đó, ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao...
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ