Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương từ ngàn đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, điểm tựa tâm linh cho niềm tin thiêng liêng về cội nguồn dân tộc.
|
Hàng trăm năm qua, người dân Vĩnh Long luôn giữ gìn, thực hiện nghi thức thờ cúng, hướng vọng về cội nguồn trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu tham gia thực hành gói bánh chưng. |
Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương từ ngàn đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, điểm tựa tâm linh cho niềm tin thiêng liêng về cội nguồn dân tộc.
Từ xa xôi cuối trời phương Nam, những người con theo hành trình mở cõi rời xa đất tổ, như tất cả người Việt Nam dù quần tụ nơi đất mẹ hay ở xa Tổ quốc muôn trùng, mùng 10 tháng 3 hàng năm là dịp cùng nhau hướng về Giỗ Tổ với tấm lòng thành kính, tri ân công lao dựng nước mở nghiệp sơn hà của các Vua Hùng thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Dòng chảy cội nguồn trong lòng dân tộc
Hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng là quá trình bồi lắng những tầng tầng, lớp lớp “phù sa văn hóa” để làm nên độ dày của hệ thống thang bậc giá trị vật chất và tinh thần.
Phú Thọ- Đất Tổ Hùng Vương là vùng đất khởi đầu của những giá trị ấy, vùng đất hòa quyện giữa truyền thuyết và lịch sử. Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, Đền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Chính tinh thần hào hùng đó đã làm nên sức mạnh để dân tộc ta đánh đuổi kẻ thù giành lại độc lập. Ý nghĩa tâm linh đó đã vượt ra ngoài biên giới trở thành lời thúc giục, kêu gọi muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thân thương, thiêng liêng, sâu sắc.
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn. Chính từ nhu cầu mang tính toàn dân tộc đó, mà từ năm 2022, công trình Đền Hùng Cần Thơ được hoàn thành đã đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của những người dân phương Nam hướng về cội nguồn trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Công trình có diện tích 4ha, tọa lạc tại Khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, một trong những địa điểm trang trọng, thuận lợi cho người dân, du khách đến tham quan, dâng hương. Công trình đền thờ Vua Hùng có các hạng mục chính: đền thờ chính, nhà bia, nghi môn, nhà điều hành, sân đường, cây xanh, thảm cỏ…
Đền chính được bao bọc bởi hồ nước tròn trên nền đế vuông, tượng trưng cho triết lý “trời tròn đất vuông”, 18 cánh cung bao quanh tượng trưng 18 đời Vua Hùng. Bên trong hồ nước có 54 trụ đá, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện sự kết hợp văn hóa sông nước đồng bằng châu thổ”.
Người dân Vĩnh Long hướng về ngày Giỗ Tổ
Hàng trăm năm qua, người dân Vĩnh Long từ những cộng đồng nhỏ, từ các đình làng đã luôn giữ gìn, thực hiện nghi thức thờ cúng, hướng vọng về cội nguồn trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Cho đến khi Vĩnh Long thực hiện nghi lễ cung thỉnh đất và nước từ Đền Hùng Phú Thọ về xây dựng bàn thờ Quốc Tổ trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, thì nơi đây trở thành điểm hội tụ cho đông đảo các tầng lớp Nhân dân cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động phong phú trong các phần lễ và hội thể hiện lòng tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hàng năm vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Từ mùng 9 tháng 3 (ngày 17/4), Vĩnh Long đã bắt đầu bằng một hoạt động vô cùng ý nghĩa của nghệ nhân truyền dạy gói bánh chưng tại Bảo tàng tỉnh. Dịp này, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Vĩnh Long hòa chung không khí của cả nước tổ chức rất nhiều các hoạt động trong ngày Giỗ Tổ.
Hoạt động thực hành truyền dạy gói bánh chưng là một hoạt động tỉnh đã tổ chức lần thứ 2 nhận được sự tham gia của rất nhiều người, trong đó có lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh.
|
Lãnh đạo tỉnh, các đại biểu với những chiếc bánh chưng được hoàn thành trong buổi truyền dạy gói bánh chưng ngày mùng 9/3 tại Bảo tàng tỉnh. |
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm khơi lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, đặc biệt là câu chuyện về bánh chưng, bánh giầy để dâng lên các Vua Hùng. Thông điệp chúng tôi muốn gửi đến là sự tỉ mỉ, tinh thần đoàn kết, khơi gợi đóng góp của ông cha ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước để từ đó phát huy tinh thần thi đua, ra sức lao động học tập để góp phần phát triển quê hương đất nước.
Là người trực tiếp hướng dẫn gói bánh chưng, không giấu được niềm vui, xúc động về việc làm mang nhiều ý nghĩa này, thầy Vũ Trung Kiên- Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, chia sẻ: Là nghệ nhân truyền dạy gói bánh chưng quê ở Thanh Hóa, học tập và làm việc ở Vĩnh Long từ 2007.
|
Trưng bày chủ đề đờn ca tài tử tại Bảo tàng tỉnh. |
Là người con Việt Nam, làm việc có ý nghĩa tri ân ngày Giỗ Tổ, khi thích làm, đam mê nên tìm hiểu gói bánh, khi làm nhiều thì chúng ta sẽ làm tốt được, ngon được. Thông qua hoạt động gói bánh để lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ mai sau về kỹ thuật, ý nghĩa của hoạt động này.
Hy vọng các bạn trẻ sẽ thực hiện tốt lời dạy của các Vua Hùng, hăng say xây dựng đất nước. Rất mong có nhiều bạn trẻ quan tâm hơn hoạt động truyền thống như thế này. Hàng năm có ngày Giỗ Tổ trang trọng nhất, lan tỏa ý nghĩa truyền thống đến tất cả mọi người trong xã hội.
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt, là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong dựng nước và giữ nước, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước thanh bình, thịnh vượng.
• Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG