"Điện Biên Phủ: Đó là trận đánh của thế giới"

06:03, 28/03/2024

"Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới".

"Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới".

Vào dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ viết "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử.

Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn… Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới".

Cho đến tận bây giờ, sau 70 năm, Điện Biên Phủ vẫn luôn là biểu tượng thất bại của thực dân Pháp tại Đông Dương, đồng thời đó cũng là trận chiến ác liệt đổ nhiều xương máu cuối cùng của quân đội Pháp.

Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu)
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu)

Những khẩu pháo bắn chính xác như đặt và những chiến hào như vòi bạch tuộc quấn lấy cứ điểm là những điều mà người Pháp ám ảnh nhất ở Điện Biên. Đại tá Jacques Allaire - một lính dù trong trận đánh Điện Biên Phủ đã gọi đấy là một "thảm họa" đã "ngấm vào da thịt ông".

Sau đợt tiêu diệt các cứ điểm ở phân khu Bắc, quân ta phải vượt địa hình trống trải khi đánh vào các cứ điểm ở phân khu trung tâm. Để hạn chế hỏa lực của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho bộ đội đào hào để tiếp cận đồn địch.

Chiều dài chiến hào được vạch ra trên bản đồ ước tính khoảng 100km. Trong thực tế chiến đấu sau đó, chiến hào còn tiếp tục kéo dài mãi ra. Quân ta đã đào một hào trục bao quanh toàn bộ các cứ điểm ở phân khu trung tâm của địch.

Trong sách Võ Nguyên Giáp của Georges Boudarel, tác giả đã viết về sự nguy hiểm của chiến thuật đào hào vây lấn này: "Những đường hào tiến từ trên núi cao bao quanh xuống chia cắt lòng chảo Mường Thanh tạo nên những vùng song song đều đặn như những luống cày.

Những hầm hào này tỏa ra rồi chụm lại tạo nên vòng vây nghiệt ngã Sở chỉ huy trung tâm chẳng khác nào chiếc kìm thứ 2 cơ động hơn ở thế tiến công đang bóp nghẹt chiếc thứ nhất…

Lính Pháp ra sức chống trả nhưng vô ích. Họ bịt kín các đường hào ban ngày thì đêm bộ đội Việt Minh lại đào. Cứ thế, trận địa chiến hào của bộ đội Việt Minh giống như cái dây thòng lọng mỗi ngày lại thít chặt vào cổ quân Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ".

Pháo binh Pháp trở nên bất lực trước pháo binh Việt Nam được ngụy trang kín đáo kéo sát vào trận địa, từ trên những điểm cao thuận lợi nhất trút hoả lực xuống các cứ điểm của Pháp. Đường băng dã chiến Mường Thanh bị pháo kích khiến các máy bay Pháp không thể cất hay hạ cánh xuống Điện Biên Phủ.

Cùng lúc đó, quân đội ta tiến dần lên bằng các đường công sự lần lượt chiếm lĩnh các điểm cao, đẩy quân Pháp vào thế bị phong toả dưới làn lửa đạn ngày đêm của pháo binh ta.

Tướng Cogny - Tư lệnh chiến trường Bắc Bộ đã phải thú nhận với một số nhà báo: "Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta".  

Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22/4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22/4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Laurent Joffrin của báo Libération đã viết: "Điện Biên Phủ là hồi kết của những năm dài trong chính sách thực dân của Pháp. Sau Điện Biên Phủ, Mặt Trận Giải Phóng Algeri FLN vùng lên. Chiến thắng của Võ Nguyên Giáp tạo nên sức mạnh cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tại các quốc gia bị đô hộ... Độc lập của các quốc gia này nảy sinh từ lòng chảo ẩm ướt nơi vùng núi rừng Bắc Kỳ: Điện Biên Phủ".

Còn ký giả người Pháp Jules Roy đã mô tả Điện Biên Phủ là nỗi "Kinh hoàng khủng khiếp, là thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hoà ở Pháp".

Chiều 7/5/1954, lá cờ
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng 

Điện Biên Phủ là chiến công vang dội đầu tiên của một dân tộc vốn là thuộc địa, đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc phương Tây. Đây cũng là trận chiến điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới...

Giáo sư Pierre Journoud - giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại thuộc Ðại học Paul - Valéry Montpellier 3 của Pháp nhìn nhận: "Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới".

Chính vì vậy mà Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của con người Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc đấu tranh thoát ách áp bức, bóc lột, vươn tới độc lập tự do.

Theo CTV Thùy Linh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh