Tranh rồng- chút tản mạn năm Thìn

07:02, 12/02/2024

Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi tao nhã của người Việt. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền.
 

Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi tao nhã của người Việt. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền.
 
Tranh Tết là một phần hồn Việt trong lành, hồn hậu đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Năm nay- năm cầm tinh của con rồng, người viết xin có chút tản mạn về những bức tranh rồng- tranh về một con vật linh thiêng biểu tượng của vạn vật đang độ tốt tươi. 
 
Có thể nói, trong những ngày Xuân đến, Tết về, trong các gia đình người Việt không có nhà nào là không treo tranh Tết. Là một dân tộc có lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng nên trong ngày Tết, người Việt thường treo những loại tranh lịch sử như TrưngTrắc cưỡi voi đuổi giặc, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận… đây là những loại tranh tạo nên cảm giác ấm áp, hùng tráng và đầy tự hào.
 
Và để cho những ngày Tết được diễn ra trong không khí yên vui, thanh bình, rất nhiều gia đình treo những bức tranh thần Vũ Đinh và Thiên Ất, mặc võ phục, cầm long đao, mặt đỏ, mắt xếch, trông rất uy nghi nên bọn tà ma, ác quỷ sợ mà không dám đến quấy nhiễu. Bên cạnh đó là những bức tranh về các Ông Tiến Tài, Ông Tiến Lộc, trang phục kiểu quan văn, mặt hồng hiền từ để mong ước năm mới sẽ làm ăn phát đạt…
 
Và tất nhiên, như theo quy ước không thành văn thì, năm nào cầm tinh con vật gì thì năm đó tranh của các con vật đó sẽ là những điểm nhấn chính trong vô vàn sắc tranh Tết của người Việt xưa-nay. 
 
 
Năm nay, năm Giáp Thìn (2024)- năm cầm tinh con rồng, nên những bức tranh rồng sẽ có dịp đua màu, khoe sắc. Loại tranh về rồng cũng rất phong phú và đa dạng.
 
Là con vật linh, biểu tượng cho sự cao quý, kỳ diệu, may mắn, thành đạt, mạnh mẽ, sức vươn lên bất diệt và những gì tốt đẹp nhất, rồng đã trở thành đề tài phổ biến cho mọi loại hình nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc. Tranh về rồng được các họa sĩ thể hiện trên rất nhiều chất liệu khác nhau.
 
Tranh rồng vẽ trên giấy, chạm trên đá, khắc trên đồng... Có loại tranh rồng tổng hợp: vẽ rồng và chim phượng, rồng và người, rồng phun mưa hoặc khạc lửa, múa rồng… Nhưng cũng có những loại tranh rồng thuần túy: chỉ vẽ rồng. Có thể là một rồng và cũng có thể là nhiều rồng. Tranh rồng thường là tranh thờ hoặc tranh chơi, với nền phông phổ biến vẽ mây hoặc nước.
 
Một số tranh rồng liên quan đến vương triều, thần quyền. Đó là những bức tranh như “Lưỡng long triều nhật”, “Lưỡng long triều nguyệt”, “Lưỡng long tranh châu”, “Long phượng tranh châu”...
 
Tranh “Lưỡng long triều nhật” (đôi rồng chầu mặt trời), “Lưỡng long triều nguyệt” (đôi rồng chầu mặt trăng) tượng trưng cho sự hoàn hảo, cân bằng của vũ trụ và nhân gian. Nhiều bức tranh rồng khác cũng đưa lại cho chúng ta nhiều điều lý thú và bổ ích. Tranh “Lý ngư hóa long” diễn tả sự thành công mỹ mãn- tựa việc con cá chép qua 5 lần thử thách đặc biệt mới thoát xác thành rồng.
 
Hình ảnh này còn gợi nhớ đến sự đỗ đạt trong các kỳ thi và được Vua phong chức tước. Ðây là một minh chứng cho việc ảnh hưởng sâu sắc của trang trí đề tài Nho học vào Phật giáo. Tranh “Ngư long hí thủy” (rồng và cá chép vờn nhau trong sóng nước). Đây là mô típ tranh thể hiện cảnh rồng bay trong mây, hay giỡn sóng mang ý nghĩa là dù ở hoàn cảnh nào (rồng có ở biển sâu sóng cả hay vẫy vùng trên trời cao), có hiển đạt hay không đều nên thi thố chí mình.
 
Tranh “Cửu long tranh châu” vẽ chín con rồng đang vờn quanh một viên ngọc như là chín vị anh hùng đang đọ tài để tranh đoạt một vật báu duy nhất. Tranh “Phụng long” khắc họa cảnh quấn quít giữa rồng và phượng- tiêu biểu cho hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Tranh “Múa rồng” thật tưng bừng với cảnh rước hình rồng và nhảy múa- một trò chơi phổ biến trong những ngày lễ, Tết truyền thống. Tranh thể hiện sự tươi vui ngày Tết.
 
Rồng trong truyền thuyết người Việt là con vật hiền lành (khác với con rồng của người châu Âu), đem lại mưa nắng, nhiều điều tốt đẹp (ngày xưa vua chúa thường ví như rồng và mơ thấy rồng) múa rồng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Tranh “Đinh Bộ Lĩnh cưỡi rồng qua sông” thì diễn tả sự tích lịch sử độc đáo: thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh vì giết trâu của chú khao bạn bè nên bị chú đuổi đánh.
 
Chạy đến bờ sông, đang lúc cùng đường, bỗng một con rồng vàng nổi lên cõng Đinh Bộ Lĩnh sang sông! Người chú kinh ngạc, cho đó là điềm báo hiệu cháu mình sau này sẽ làm vua, liền chắp tay lạy liên hồi. Bức tranh vẽ một con rồng vàng đang gồng mình bơi qua sông, trên lưng là Đinh Bộ Lĩnh với nét mặt oai nghiêm nhìn ông chú khúm núm đứng chắp tay ven bờ...
 
 
Đối với một số dân tộc thiểu số Việt Nam, rồng luôn được coi là thần linh nên trở thành đối tượng không thể thiếu trong tranh thờ ngày Tết của họ. Phổ biến nhất phải kể đến tranh “Long ngâm” vẽ một con rồng đang tung mình, giương vây, xòe chân, thể hiện uy linh đấng hộ mệnh và ban phúc. Tranh “Công Tào” vẽ các sứ giả nhà trời cưỡi rồng thiêng bay khắp nơi để nhận- chuyển những lời cầu nguyện, mong ước của mọi gia đình tới Ngọc Hoàng thượng đế.
 
Tranh “Rồng chầu hoa cúc, hoa hướng dương” đều là các dạng của lưỡng long triều nhật. Mỗi thời kỳ, biểu tượng về mặt trời có khác nhau như vòng tròn, chữ Phật, quầng lửa bao quanh… Cũng như tranh “Lưỡng long triều nhật”, tranh “Rồng chầu hoa cúc, hoa hướng dương”, ngoài ý nghĩa đã nói ở trên còn mang ý nghĩa khác là ngọn lửa thiêng bảo vệ sự an lành nơi linh thiêng khỏi mọi sự xâm nhập của tà ma, mang đến cho gia chủ một sức khỏe dồi dào cũng như vượng khí và tài lộc.
 
Tranh rồng Việt Nam luôn có mô típ đặc trưng. Thân rồng uốn hình sin 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.
 
Đầu rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác rồng Trung Hoa. Nó có bờm dài, râu cằm, không sừng (như rồng Trung Hoa). Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng khác của các nước.
 
Đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn (có người gọi là mào lửa) chứ không phải là cái mũi thú như rồng Trung Hoa. Lưỡi mảnh rất dài. Miệng rồng luôn ngậm viên châu, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rồng hay cầm ngọc bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng.
 
Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng ấy. Những điều đó được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông.
 
Toàn thân rồng toát lên uyển chuyển và một sức căng rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại. 
Chơi tranh nói chung và chơi tranh Tết nói riêng, trong đó có những bức tranh rồng, quả là một thú vui, một sự thưởng thức, nhưng đồng thời cũng là một sự cầu mong cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội bước sang một năm mới sống hạnh phúc và nhân ái, phú quý- vinh hoa, tiến tài- tiến lộc.
 
Ôi thật là: “Rồng thiêng đất Việt Nước xuân hồng/ Đẹp cảnh ngàn năm rạng núi sông/ Lòng thắm nét son màu báu ngọc/ Cỏ thơm hồn ấm máu cha ông/ Công thành trụ vững tâm đoàn kết/ Chí sáng đời yêu gốc đại đồng/ Tranh Tết chúc xuân mừng Quốc Tổ/ Hồng xuân đất Việt nước Tiên rồng”… 
Nguyễn Thị Thọ
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh