Khai bút đầu xuân, khơi giá trị văn hóa cội nguồn

05:02, 21/02/2024

Trong không khí đầu năm mới, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cùng quý thầy cô và các em học sinh đã cùng dự lễ Khai bút đầu xuân tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

 

Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân.
Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân.

Trong không khí đầu năm mới, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cùng quý thầy cô và các em học sinh đã cùng dự lễ Khai bút đầu xuân tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Trong không gian mở, khai bút, những câu đối đỏ, chữ thư pháp, thi viết chữ đẹp, bánh dân gian,… đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa Việt Nam nói chung và nét đẹp văn hóa con người Vĩnh Long nói riêng.

Từ văn hóa trong nhà trường

Tại lễ khai bút, thay mặt lãnh đạo tỉnh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trân trọng ghi nhận và biểu dương tinh thần đoàn kết, quyết tâm của tất cả các thầy cô trong tỉnh. Trong năm 2023, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã không ngừng nỗ lực, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục với nhiều hoạt động phong phú và khá toàn diện.

“Kết quả của ngành trong năm học 2022-2023 đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và người dân Vĩnh Long hoàn thành các nhiệm vụ năm 2023, đón Xuân Giáp Thìn 2024 trọn vẹn và ấm áp”- bà Quyên Thanh đánh giá.

Tục khai bút đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, gắn liền với hình ảnh thầy Chu Văn An- người thầy của mọi thời đại, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học. Thầy Chu Văn An với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.

Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống. Ai nhận được chữ cũng đều trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện sự thành kính của học trò đối với người Thầy.

Em Trần Đại Hào- lớp 12, Trường THCS-THPT Đông Thành (TX Bình Minh) nhận giải nhất cuộc thi “Văn hay chữ tốt” dành cho học sinh THPT năm nay, chia sẻ: “Theo em nét chữ là nết người, là kết tinh của trí tuệ nên khai bút cũng là khai tâm, mở ra cánh cửa tri thức. Chữ nghĩa thể hiện sự rèn luyện kiên trì, tỉ mỉ của con người để đi đến thành công”.

Lễ khai bút đầu xuân năm nay còn là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, gửi gắm niềm tin vào đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục của tỉnh. Tin rằng, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Vĩnh Long để không ngừng vươn lên; tiếp tục cùng đoàn kết, đổi mới để bắt kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế hội nhập, phát triển của giáo dục.

Đến văn hóa con người Vĩnh Long

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, khi cuộc sống có thêm nhiều giá trị mới do sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại thì việc tìm về với nguồn cội, lưu giữ truyền thống; dạy cho học sinh sống có trách nhiệm, sống nghĩa tình, biết suy nghĩ và hành động đúng là rất cần thiết, là nhiệm vụ của mỗi nhà trường và toàn xã hội trong giáo dục học sinh.

Tết là dịp để mỗi người tìm về những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Bên cạnh các nghi thức thể hiện lòng hiếu hạnh đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; những thói quen gắn bó tình làng nghĩa xóm, thì các hoạt động hướng về nguồn cội và truyền thống như khai bút đầu xuân ngày càng được nhân rộng.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm khen thưởng các em học sinh đạt giải Hội thi “Văn hay- chữ tốt”.
Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm khen thưởng các em học sinh đạt giải Hội thi “Văn hay- chữ tốt”.

Ngay từ buổi đầu lập đất, người dân Vĩnh Long đã sớm thể hiện tinh thần cần cù, ham học hỏi, luôn có ý thức chăm lo và phát triển giáo dục, đưa vùng đất này trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước.

Trong suốt chiều dài phát triển vùng đất này, nhiều nhân vật ưu tú đã làm rạng danh quê hương xứ sở. Tấm gương Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, GS.VS Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa,… còn sáng mãi trong lòng mỗi người dân Vĩnh Long.

Nói về ý nghĩa của buổi lễ, bà Quyên Thanh cho biết: “Lễ khai bút đầu xuân là nét đẹp trong văn hóa của người Việt, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trước tiên là cách để lưu giữ truyền thống, răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học của các thế hệ đi trước”.

Cùng mẹ đợi xin chữ ông đồ, tay còn ôm giấy khen giải khuyến khích Hội thi “Văn hay- chữ tốt” cấp tỉnh cho học sinh THCS, em Ngô Huỳnh Bảo Ngọc- lớp 9, Trường THCS Cao Thắng (TP Vĩnh Long), nói: “Trong không khí trang trọng và ý nghĩa của buổi lễ, tại không gian mở của Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, em thấy tự hào với truyền thống hiếu học của cha ông và càng quyết tâm học tập tốt hơn trong thời gian tới”.

Xin chữ đầu năm ngày càng lan tỏa trong xã hội, được nhiều học sinh yêu thích.
Xin chữ đầu năm ngày càng lan tỏa trong xã hội, được nhiều học sinh yêu thích.

Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 4/8/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; mỗi người dân Vĩnh Long hãy hướng đến những điều tốt đẹp; cùng phấn đấu xây dựng con người Vĩnh Long yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kêu gọi: Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức thì thầy cô hãy chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, sự chăm chút đến với đồng nghiệp và các em học sinh. Quan tâm tạo động lực và niềm tin để học sinh trở thành người hợp tác với thầy cô và bạn bè trong việc chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện phẩm chất; biết trân trọng những nét văn hóa đẹp và truyền thống của người Việt Nam. Chú trọng rèn luyện chữ viết để rèn cho các em những đức tính cần thiết của một công dân hiện đại; phải nhanh nhạy, hoạt bát nhưng cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ và suy nghĩ sâu sắc. Giáo viên cố gắng tự hoàn thiện mình để dẫn dắt học sinh bằng sự gương mẫu.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh