Ý nghĩa lì xì ngày Tết

09:01, 25/01/2024

Phong tục lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong Tết Nguyên đán của người Việt. Mặc dù Tết nay đã có nhiều thay đổi so với Tết xưa nhưng tục lệ này vẫn sẽ luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

 

 

Ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết nên giữ vẹn nguyên giá trị, mang đến những điều may mắn, tốt đẹp.
Ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết nên giữ vẹn nguyên giá trị, mang đến những điều may mắn, tốt đẹp.

Phong tục lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong Tết Nguyên đán của người Việt. Mặc dù Tết nay đã có nhiều thay đổi so với Tết xưa nhưng tục lệ này vẫn sẽ luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

Năm nay điều kiện kinh tế của một số gia đình có phần giảm so với những năm trước. Nhiều chị em phụ nữ của gia đình phải lên kế hoạch tính toán chi li cho các khoản tiêu xài Tết sao cho hợp lý, đủ túi tiền để không phải chi quá đà rồi qua Tết gặp khó khăn. Trong đó tiền lì xì là một khoản không nhỏ khiến các chị phải đau đầu.

Chị Minh Hòa chia sẻ: “Mỗi năm tôi đều tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng tiền lì xì cho con cháu, mừng tuổi ông bà. Năm nay điều kiện kinh tế hơi eo hẹp nên tôi sẽ giảm bớt khoản này. Tôi dự định sẽ giảm phân nửa phần của mỗi người.

Chủ yếu là nếp gia đình hàng năm đều phải có vào sáng mùng một Tết, con cháu lì xì chúc sức khỏe ông bà, người lớn lì xì trẻ nhỏ với những lời chúc tốt lành trong năm mới. Vì vậy chủ yếu là tấm lòng và mang ý nghĩa may mắn tốt đẹp của phong bao lì xì đỏ”.

Chị Vân Trang nói vui: “Tôi có một dàn cháu ruột cả chục đứa nên năm nào cũng xếp hàng mừng tuổi cô Út. Năm nào tôi cũng chuẩn bị sẵn bao lì xì đỏ đẹp mắt bỏ tiền vào lì xì cho các cháu. Vừa lì xì xong là tụi nhỏ mở ra xem ngay và so sánh với nhau rất tự nhiên.

Tôi lì xì cũng không phải tượng trưng cho có nên tụi nhỏ rất vui vẻ. Sáng mùng một Tết xuống nhà nội là tụi nhỏ đã chạy đi kiếm cô Út lì xì. Vì là cháu ruột mình nên tôi cũng không chấp nhặt gì. Năm nay công ty tôi gặp khó trong kinh doanh nên các khoản thu cuối năm của tôi cũng hạn chế. Năm nay chắc tôi trốn tụi nhỏ luôn, chứ cả nhóm xúm lại đòi lì xì lớn như mọi năm thì khổ”.

Theo phong tục từ lâu đời của người Việt, cứ giao thừa hoặc mùng một Tết, các gia đình người Việt tụ họp đông đủ với nhau cùng thắp nén hương lên tổ tiên, cùng vui đùa ăn uống chúc mừng năm mới.

Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập mà người lớn muốn gửi đến trẻ nhỏ.

Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.

Ngày nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn trong ngày mùng một hay ba ngày đầu năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì con cháu của mình. Ngoài ra, tục lì xì cũng không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa.

Chỉ cần là người đã đi làm, có thu nhập là có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà. Không chỉ người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc. Mệnh giá tiền trong bao lì xì thường tùy vào cấp bậc của người nhận.

Ví dụ như với cha mẹ, chúng ta thường gửi bao lì xì cao hơn để thể hiện lòng thành mong muốn cha mẹ luôn dồi dào sức khỏe, phụ giúp cha mẹ chăm lo Tết. Với ông bà cũng có thể nhiều hơn con cháu để ông bà bồi dưỡng sức khỏe, sống vui khỏe cùng con cháu.

Bên cạnh, cuộc sống hiện đại ngày nay, ý nghĩa phong bao lì xì cũng có phần bị vật chất hóa, dần mất đi những ý nghĩa vốn có của nó. Có không ít trường hợp người lớn cố tình kêu con cháu mình đi tới từng nhà, từng người quen mừng tuổi chúc Tết để được nhận lì xì, coi đó như khoản thu lợi trong những ngày Tết.

Từ những câu chuyện như vậy dẫn đến vấn đề nhiều trẻ nhỏ cũng chú trọng đến giá trị vật chất bên trong chiếc phong bì đỏ. Khi được lì xì, bọn trẻ rất tự nhiên mở ra xem liền trước mặt người cho và cũng rất vô tư khen chê ít nhiều tại chỗ.

Tóm lại, dù mệnh giá bao lì xì là bao nhiêu thì phong bao lì xì đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, vẫn luôn giữ vững ý nghĩa vốn có của nó chính là mong muốn người nhận gặp thật nhiều may mắn, an lành và dồi dào sức khỏe trong năm mới.

Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng phong tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Lì xì ngày Tết vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh